Trong Nghị quyết 33, Chính phủ khẳng định sẽ kiên quyết xử lý tình trạng cán bộ lơ là, không làm hết trách nhiệm, sợ trách nhiệm và sách nhiễu trong thực thi công vụ nhất là trong công tác phê duyệt quy hoạch.
Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 33 về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
Trong Nghị quyết này, Chính phủ đưa ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Giới chuyên gia đánh giá, những giải pháp mà Chính phủ đưa ra đã chạm đúng “nút thắt” của thị trường.
Liên quan tới Nghị quyết 33, trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo và Công luận, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP HCM (HoREA) đánh giá rất cao động thái nhanh chóng, dứt khoát của Chính phủ.
Theo ông Châu, Nghị quyết 33 đã đánh giá chính xác tình hình thị trường bất động sản hiện nay, xác định cụ thể các khó khăn, vướng mắc chủ yếu, chỉ rõ các nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan.
Điều quan trọng nhất, Nghị quyết Chính phủ đã đề ra các quan điểm và mục tiêu để xây dựng, phát triển thị trường bất động sản an toàn, gắn bó hữu cơ với sự phục hồi và phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế đất nước trong bối cảnh tình hình thế giới và nền kinh tế toàn cầu đang diễn biến phức tạp và đứng trước những thách thức rất lớn với các nhân tố bất định, khó lường.
“Nghị quyết Chính phủ đã chỉ đạo tổng thể các giải pháp rất đúng, rất trúng và giao nhiệm vụ rất cụ thể cho từng bộ, ngành, chính quyền cấp tỉnh và chỉ rõ trách nhiệm của các doanh nghiệp bất động sản”, ông Châu nói.
Trong đó, ông Châu nhấn mạnh, các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản có trách nhiệm ưu tiên mọi nguồn lực để thanh toán nợ, đặc biệt là nợ trái phiếu; chủ động nghiên cứu tái cơ cấu lại giá cả, sản phẩm phù hợp với nhu cầu thực tiễn của thị trường.
“Tất cả các chủ thể có liên quan phải đề cao trách nhiệm; chung tay tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, công khai, minh bạch và bền vững”, ông Châu nói.
Trong khi đó, ông Lê Trung Tuấn, chuyên gia bất động sản cho rằng, một trong những rào cản lớn để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản đó là tâm lý sợ sai của cán bộ phê duyệt hồ sơ tại các địa phương.
Tuy nhiên, trong Nghị quyết 33, Chính phủ khẳng định sẽ kiên quyết xử lý tình trạng cán bộ lơ là, không làm hết trách nhiệm, sợ trách nhiệm và sách nhiễu trong thực thi công vụ nhất là trong công tác phê duyệt quy hoạch, thực hiện các thủ tục về đầu tư, cấp phép, đấu thầu, đấu giá, định giá đất đai, bất động sản.
6 nhiệm vụ, giải pháp là gì?
Trong Nghị quyết 33, Chính phủ đưa ra 6 nhóm giải pháp, nhiệm vụ nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.
Thứ nhất, Chính phủ sẽ hoàn thiện thể chế, trong đó khẩn trương hoàn thiện và trình Quốc hội xem xét các dự thảo Luật liên quan tới thị trường bất động sản, như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đấu thầu;...
Thứ hai, Chính phủ đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội. Đặc biệt, để hỗ trợ nguồn vốn cho phát triển nhà ở xã hội, Chính phủ đề xuất triển khai Chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng để cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay với lãi suất thấp hơn khoảng từ 1,5 - 2% so với lãi suất cho vay trên thị trường.
Thứ ba, về nguồn vốn tín dụng, Chính phủ sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, người mua nhà và nhà đầu tư được nhanh chóng tiếp cận nguồn vốn tín dụng; có biện pháp xử lý phù hợp cho các doanh nghiệp bất động sản khó khăn, như giãn nợ gốc, lãi vay, cơ cấu lại nhóm nợ…
Thứ tư, về trái phiếu, Chính phủ sẽ kiểm soát hoạt động huy động vốn của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản trên thị trường chứng khoán tránh hiện tượng đầu cơ, thao túng, thổi giá. Đồng thời, tạo điều kiện, không làm cản trở các doanh nghiệp có đủ năng lực, kết quả hoạt động kinh doanh tốt, lành mạnh…, có thể huy động vốn để hỗ trợ phục hồi, phát triển.
Thứ năm, với các địa phương, Chính phủ yêu cầu đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tập trung tháo gỡ khó khăn về thủ tục pháp lý của các dự án bất động sản trên địa bàn. Đồng thời nâng cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu, của cán bộ, công chức; khắc phục tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm,...
Cuối cùng, Chính phủ sẽ đẩy mạnh thông tin, truyền thông thể hiện rõ thông điệp, cam kết mạnh mẽ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đồng hành với địa phương, doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản; không hình sự hóa các quan hệ kinh tế - dân sự.
Bảo vệ những người và doanh nghiệp làm đúng; bảo đảm hài hòa lợi ích nhà nước, người dân và doanh nghiệp.
Chính phủ cũng sẽ kiểm soát, kiểm duyệt chặt chẽ, có hiệu quả các kênh thông tin xã hội không chính xác, không chính thống có thể gây tác động tiêu cực đến tâm lý nhân dân, nhà đầu tư, khách hàng và thị trường, nhất là các thông tin có thể ảnh hưởng đến sự phục hồi, tăng trưởng kinh tế.