Hai dự án cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45, Dầu Giây - Phan Thiết hoàn thành, đưa vào khai thác là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của nhiều địa phương; khoảng cách giữa vùng núi - đồng bằng, nông thôn - thành thị dần được rút ngắn.

Động lực phát triển kinh tế - xã hội

Sáng 29-4, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) phối hợp với tỉnh Thanh Hóa và tỉnh Bình Thuận tổ chức khánh thành và thông xe 2 dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 và Phan Thiết - Dầu Giây thuộc Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 theo hình thức trực tuyến tại 2 điểm cầu.

Khánh thành cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45, Phan Thiết - Dầu Giây ảnh 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại sự kiện. Ảnh: TIẾN THẮNG

Trong đó, điểm cầu chính đặt tại nút giao Phan Thiết, xã Hàm Kiệm, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận (thuộc đoạn Phan Thiết - Dầu Giây); điểm cầu còn lại đặt tại phía Nam hầm Thung Thi, xã Hà Lĩnh, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hoá (thuộc đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45).

Tham dự tại điểm cầu tỉnh Bình Thuận có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải; cùng lãnh đạo bộ, ngành, địa phương các tỉnh Bình Thuận, Đồng Nai.

Khánh thành cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45, Phan Thiết - Dầu Giây ảnh 2

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương cắt băng khánh thành cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết. Ảnh: TIẾN THẮNG

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, hành lang vận tải Bắc - Nam đóng vai trò vô cùng quan trọng, là trục xương sống, hành lang kinh tế - vận tải huyết mạch của đất nước. Để tạo ra động lực đột phá, phát huy được tiềm năng, lợi thế các địa phương trên hành lang này, tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đã được quy hoạch với tổng chiều dài 2.063 km từ Cửa khẩu Hữu Nghị - Lạng Sơn đến Cà Mau, đi qua 32 tỉnh, thành phố; đã hoàn thành đưa vào khai thác 642 km.

Khánh thành cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45, Phan Thiết - Dầu Giây ảnh 3

Hầm Thung Thi. Ảnh: VIẾT CHUNG

Đối với 2 dự án Phan Thiết - Dầu Giây và Mai Sơn - Quốc lộ 45 khánh thành đưa vào khai thác, theo Thủ tướng là nỗ lực rất lớn của các cấp, các ngành, bởi trong quá trình thi công đã gặp nhiều khó khăn, vướng mắc làm ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ như: ảnh hưởng của dịch Covid-19; công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, chưa đạt tiến độ theo kế hoạch; biến động giá nguyên, vật liệu gây khó khăn cho các nhà thầu; thiếu hụt về nguồn vật liệu đắp…

Việc hoàn thành 2 tuyến cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45 và Phan Thiết - Dầu Giây có vai trò, ý nghĩa to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh Bình Thuận, Đồng Nai, Ninh Bình, Thanh Hóa nói riêng, của các địa phương lân cận, của vùng và đất nước nói chung. Vì vậy, để phát huy tối đa hiệu quả đầu tư các dự án, Thủ tướng yêu cầu, Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức vận hành khai thác bảo đảm an toàn, hiệu quả; tiếp tục quan tâm, chăm lo đời sống của người dân, nhất là những gia đình nhường mặt bằng cho dự án; tận dụng tối đa lợi thế của tuyến đường cao tốc để quy hoạch và phát triển không gian mới nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Khánh thành cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45, Phan Thiết - Dầu Giây ảnh 4

Nhiều phương tiện đã lưu thông trên cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45. Ảnh: DUY CƯỜNG

Tại lễ thông xe, ông Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, dự án cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45 và các dự án thành phần của dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, rút ngắn hành trình di chuyển, đẩy nhanh thời gian kết nối các trung tâm kinh tế, chính trị từ Hà Nội với các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương; giải quyết nhu cầu vận tải hành khách và hàng hoá giữa các khu vực phía Bắc và Bắc Trung bộ, cũng như từ Bắc vào Nam; tạo điều kiện thúc đẩy nhanh sự hình thành và phát triển các khu công nghiệp, du lịch dọc tuyến. Bên cạnh đó, việc hoàn thành đưa vào khai thác dự án sẽ khắc phục tình trạng ách tắc giao thông và giảm thiểu tai nạn giao thông thường xuyên xảy ra trên Quốc lộ 1A đoạn qua các tỉnh Ninh Bình và Thanh Hoá.

Tại điểm cầu chính, ông Đoàn Anh Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận bày tỏ sự vui mừng khi đoạn cao tốc đi qua tỉnh nhà vừa hoàn thành. Theo ông, Bình Thuận là tỉnh có vị trí kết nối các tỉnh miền Đông Nam bộ và TPHCM. Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây hoàn thành có ý nghĩa rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của cả vùng. Dự án hoàn thành cũng là cơ hội để tỉnh Bình Thuận thu hút các nhà đầu tư lớn, tạo công ăn việc làm cho người dân.

Các phương tiện đã lưu thông trên cao tốc từ chiều 28-4

Ghi nhận cho thấy, ngay từ sáng sớm 29-4, rất nhiều phương tiện đã lưu thông trên cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45. Trước đó, từ chiều 28-4, Bộ GTVT đã cho phép xe được vào tuyến cao tốc qua nút giao Mai Sơn thuộc huyện Yên Mô (tỉnh Ninh Bình), chạy đến nút giao Gia Miêu thuộc huyện Hà Trung (tỉnh Thanh Hóa), sau đó rẽ xuống Quốc lộ 1A.

Ghi nhận cho thấy, lưu lượng xe qua cao tốc khá nhiều nhưng không xảy ra tình trạng ách tắc. Trên một số đoạn vẫn thấy xuất hiện một số xe máy, máy múc len vào cao tốc. Trên Quốc lộ 1A lượng xe cũng khá đông, nhưng phần lớn là xe tải và nhiều xe máy biển kiểm soát tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh chạy về quê nghỉ lễ.

Để đảm bảo an toàn giao thông khi cao tốc đưa vào vận hành, tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo Công an tỉnh, Sở GTVT, UBND huyện Hà Trung bố trí các lực lượng phối hợp với Ban Quản lý dự án Thăng Long, Khu Quản lý đường bộ II và các đơn vị liên quan tổ chức điều tiết, phân luồng giao thông.

Trên tuyến cao tốc qua địa bàn Thanh Hóa có 5 nút giao, nhưng đến nay mới chỉ có 3 nút giao được vận hành vào dịp lễ, gồm nút giao Gia Miêu, nút giao Quốc lộ 217 và nút giao Đông Xuân (huyện Đông Sơn). Hiện nút giao Thiệu Giang và Đồng Thắng đang hoàn thiện và dự kiến sẽ đưa vào sử dụng dịp cuối năm.

Để tránh ùn tắc trên tuyến Quốc lộ 1A đoạn từ TP Thanh Hóa đến thị xã Bỉm Sơn, Phòng CSGT Công an tỉnh Thanh Hóa đã bố trí 12 chốt cắm dọc tuyến với nhiệm vụ hướng dẫn, phân luồng giao thông ở những vị trí giao cắt các quốc lộ 217, 217B, 10 và Quốc lộ 47, đặc biệt là tại các điểm đầu ra của cao tốc. Việc cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 đi vào hoạt động đã giúp việc đi lại thuận lợi, đặc biệt, rút ngắn thời gian đi lại giữa Thanh Hóa và Hà Nội còn hơn 2 giờ thay vì hơn 3 giờ như trước đây.

Trong khi đó, sáng nay tại Quốc lộ1 đoạn qua tỉnh Đồng Nai xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông, kẹt xe kéo dài hàng chục cây số.

Ngay từ sáng sớm, hàng ngàn xe ô tô, xe tải, xe máy từ TPHCM, Bình Dương đi về tỉnh Bình Thuận rồng rắn nối đuôi nhau, di chuyển chậm chạp trên Quốc lộ 1, khiến nhiều khu vực như ngã tư Vũng Tàu (TP Biên Hoà), ngã ba Trị An (đoạn giao giữa TP Biên Hoà và huyện Trảng Bom), ngã tư Trảng Bom kẹt cứng. Nhiều tài xế xe ô tô, xe máy đi lên lề đường để vượt lên phía trước nhưng cứ đi được vài mét thì phải dừng lại. Đến tầm trưa, lượng xe cộ đi qua quốc lộ ngày càng đông đúc, khiến tuyến Quốc lộ 1 chật cứng. Lực lượng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Đồng Nai cũng có mặt để phân luồng, điều tiết giao thông và hướng dẫn tài xế di chuyển đúng làn đường quy định.

Khánh thành cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45, Phan Thiết - Dầu Giây ảnh 5

Kẹt xe trên Quốc lộ 1 đoạn qua địa phận Đồng Nai. Ảnh: HOÀNG BẮC

Còn tại nút giao giữa cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây với cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, hàng ngàn ô tô chen chúc nhau, các tài xế xin đi cao tốc nhưng cơ quan chức năng chưa cho nên dừng lại gây ùn ứ. Các tài xế cho biết, họ rất mong được đi vào cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây rút ngắn đoạn đường di chuyển từ TPHCM đến Bình Thuận, nhưng phải chờ lễ thông xe mới có thể di chuyển.

Anh Trương Hiệu (SN 1972, người dân xã Sông Nhạn, huyện Cẩm Mỹ) sống gần cao tốc bày tỏ rất vui mừng vì tuyến đường được đưa vào sử dụng giúp việc di chuyển sẽ nhanh hơn, tiết kiệm thời gian hơn trước. Anh nói: “Sau nhiều năm chờ đợi, hôm nay cao tốc đã khánh thành nên ai nấy đều phấn khởi, hy vọng sẽ không còn tình trạng kẹt xe trên các quốc lộ về Bình Thuận, Bà Rịa- Vũng Tàu trong những dịp nghỉ lễ tết như các năm trước”.

Tạm thời chưa thu phí

Thông tin từ Bộ GTVT cho biết, 2 dự án cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45 và Phan Thiết - Dầu Giây khánh thành hôm nay, cùng cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết khánh thành vào ngày 19-5 sẽ tạm thời chưa thu phí xe qua lại.

Theo Bộ GTVT, đây là các dự án được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước. Để đảm bảo kinh phí đầu tư xây dựng cho các công trình giao thông trọng điểm sau này, Nhà nước sẽ tiến hành thu phí các đoạn cao tốc trên. Tuy nhiên, hiện nay Quốc hội mới chỉ cho chủ trương để Chính phủ xây dựng phương án thu phí, việc xây dựng phương án phải chờ Quốc hội thông qua nên cần thêm thời gian.

Lưu ý khi lưu thông trên tuyến cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45 và Phan Thiết - Dầu Giây

Cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45 có chiều dài tuyến khoảng 63,37 km đi qua các tỉnh Ninh Bình (chiều dài khoảng 14,35 km); tỉnh Thanh Hóa (chiều dài khoảng 49,02 km). Trong đó, chiều dài thi công đường là 57,32 km; chiều dài thi công cầu là 5,12 km; chiều dài thi công hầm là 0,93 km.

Dự án có điểm đầu tại nút giao Mai Sơn kết nối với Đường tỉnh 477 (trùng với điểm cuối cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn), thuộc địa phận huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình; điểm cuối trùng với điểm đầu cao tốc Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, thuộc địa phận huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa.

Ở giai đoạn phân kỳ, dự án đạt tiêu chuẩn cao tốc 4 làn xe, vận tốc thiết kế 80km/h, giai đoạn hoàn chỉnh có 6 làn xe, vận tốc thiết kế 120km/h. Tổng mức đầu tư dự án 12.111 tỷ đồng. Chủ đầu tư là Bộ GTVT, Ban QLDA Thăng Long được giao là đại diện chủ đầu tư.

Bộ GTVT cho biết, trong ngày 29-4, dự án sẽ thông xe đối với đoạn tuyến từ đầu dự án đến hết nút giao Đông Xuân với chiều dài 53,67 km. Đối với đoạn tuyến từ sau nút giao Đông Xuân đến cuối dự án hiện chưa có điểm kết nối (thông qua nút giao Vạn Thiện thuộc Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn) nên sẽ được đưa vào khai thác đồng bộ khi đoạn tuyến cao tốc từ Quốc lộ 45 - Nghi Sơn hoàn thành (dự kiến trong tháng 8-2023).

Trong điều kiện đoạn cao tốc kế tiếp Quốc lộ 45 - Nghi Sơn chưa thông xe, để tránh ùn tắc, các lực lượng chức năng đã triển khai tổ chức giao thông, hướng dẫn, phân luồng từ xa. Cụ thể, theo hướng Bắc - Nam, xe tải trên 10 tấn không được lưu thông. Các xe tải trên 3,5 tấn được lưu thông từ nút giao Mai Sơn đến nút giao Hà Lĩnh; xe khách trên 16 chỗ được lưu thông từ nút giao Mai Sơn đến nút giao Gia Miêu.

Ngay sau khi thông xe, các phương tiện được tham gia lưu thông với tốc độ tối đa 80 km/h. Bộ GTVT đang giao chủ đầu tư các đoạn tuyến thuộc cao tốc Bắc - Nam phía Đông đầu tư phân kỳ với mặt cắt ngang 4 làn xe tiến hành rà soát, đánh giá việc nghiên cứu nâng tốc độ khai thác lên 90 km/h và sẽ tổ chức điều chỉnh tốc độ khai thác khi đủ điều kiện cho phép.

Hiện trên tuyến đã bố trí các vị trí dừng xe khẩn cấp với khoảng cách 4-5km/ điểm trên cùng một chiều xe chạy. Bộ GTVT cũng đang triển khai các thủ tục lựa chọn nhà đầu tư xây dựng 2 trạm dừng nghỉ tại Km329+700 (bố trí hai bên đường cao tốc).

-----------------------------------------------------------

Dự án thành phần Phan Thiết - Dầu Giây có chiều dài tuyến khoảng 99km đi qua các tỉnh Bình Thuận (chiều dài khoảng 47,5km) và tỉnh Đồng Nai (chiều dài khoảng 51,5km). Dự án có tổng mức đầu tư 12.577,5 tỷ đồng, Bộ GTVT làm chủ đầu tư; Ban QLDA Thăng Long được giao là đại diện chủ đầu tư.

Dự án có điểm đầu nằm trên tuyến từ Quốc lộ 1A đi Mỹ Thạnh, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận; điểm cuối kết nối với tuyến cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây tại khoảng Km43+125, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai. Dự án thiết kế đạt tiêu chuẩn đường cao tốc loại A, vận tốc thiết kế 120km/h.

Dự án sau khi hoàn thành sẽ rút ngắn hành trình từ TPHCM đến các trung tâm du lịch và mở ra cơ hội đầu tư vào khu vực Nam Trung bộ; khắc phục tình trạng ách tắc giao thông và giảm thiểu tai nạn giao thông thường xuyên xảy ra trên Quốc lộ 1A; giải quyết nhu cầu vận tải hành khách và hàng hoá giữa khu vực đầu mối trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với khu vực Đông Nam bộ và Duyên hải Nam Trung bộ, cũng như từ Bắc vào Nam.

Ngay sau khi lễ khánh thành kết thúc, các lực lượng chức năng đã tổ chức giao thông, hướng dẫn, phân luồng giao thông để phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân. Người tham gia giao thông cần chú ý quan sát, theo dõi và chấp hành nghiêm mọi hướng dẫn, chỉ dẫn, điều tiết của lực lượng chức năng để đảm bảo lưu thông an toàn, tránh ùn tắc giao thông.

Theo đó, đường cao tốc chỉ phục vụ cho xe ô tô; người đi bộ, xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô và máy kéo, xe máy chuyên dùng có tốc độ thiết kế nhỏ hơn 70 km/h không được đi vào đường cao tốc.

Về việc tổ chức giao thông tại đoạn Phan Thiết - Dầu Giây, tốc độ lưu hành tối đa, tối thiểu cho phép các phương tiện tham gia giao thông trên đường cao tốc với tốc độ tối đa 120 km/h và tốc độ tối thiểu 60 km/h. Mặt cắt ngang 4 làn xe lưu thông 2 chiều và 2 làn dừng xe khẩn cấp.

Trước mắt, dự án đưa vào khai thác 3/7 nút giao, bao gồm nút giao với cao tốc Long Thành - Dầu Giây, nút giao với Quốc lộ 1A thuộc địa phận huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai và nút giao đường nối Ba Bàu với Quốc lộ 1A thuộc địa phận huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận.

Dự kiến, dự án bố trí trạm dừng nghỉ tại Km47+500 thuộc địa phận tỉnh Bình Thuận (bố trí 2 bên cao tốc). Bộ GTVT đã giải phóng mặt bằng và đang triển khai các thủ tục lựa chọn nhà đầu tư theo quy định. Nhà đầu tư tự bỏ kinh phí thực hiện đầu tư, xây dựng, quản lý kinh doanh trạm dừng nghỉ theo đúng quy định của pháp luật.