Khó tìm được vé ở Campuchia
Vài phút trước khi trận U22 Việt Nam - U22 Lào diễn ra, nhiều cổ động viên Việt Nam lẫn Lào tức tưởi cầm trên tay tấm vé nhưng không được vào sân.
"Làm sao để có vé?" là câu hỏi xuất hiện khắp nơi ở SEA Games 32. Nhưng chẳng ai biết phải trả lời thế nào, bao gồm tình nguyện viên, điều phối viên của ban tổ chức.
Tròn một tháng trước, nước chủ nhà Campuchia bất ngờ ra thông báo sẽ phát vé miễn phí cho người hâm mộ ở SEA Games 32. Thông tin này lập tức tạo nên chấn động, nhưng cũng kéo theo sự mơ hồ.
Liệu vé bóng đá có được phát miễn phí luôn hay không? Không giống như các môn thể thao khác thường diễn ra dưới khán đài trống vắng, các trận đấu bóng đá ở SEA Games luôn nóng bỏng. Và vé chợ đen đôi lúc có thể lên đến hàng trăm USD với các trận cầu lớn.
Đến hơn một tuần trước khi môn bóng đá khởi tranh, ban tổ chức chính thức thông báo miễn phí vé toàn bộ các sự kiện, bao gồm cả môn bóng đá và lễ khai mạc, bế mạc. Người hâm mộ có thể nhận vé bằng cách đăng ký qua ứng dụng rồi sau đó đến điểm phát vé để nhận.
Thoạt nghe có vẻ thuận tiện, nhưng đến khi tiến hành, vô số trục trặc xuất hiện. Dù đã đăng ký qua điện thoại, các cổ động viên vẫn phải đến điểm phát vé để xếp hàng nhận vé. Nhiều người đã phải bỏ cuộc trước tình trạng ùn ứ.
Thêm vào đó, việc xây dựng một trang web hay một ứng dụng bán vé chưa bao giờ là chuyện đơn giản. Ở SEA Games 2017 tại Malaysia, Bộ Thanh niên và Thể thao quốc gia này phải dừng hoạt động bán vé trực tuyến trận chung kết môn bóng đá vì quá tải. Và với trường hợp của Malaysia, họ đã có sự chuẩn bị lâu dài từ trước.
-
HLV Singapore: “Sẽ là ngu ngốc nếu nôn nóng trước Việt Nam”ĐỌC NGAY
Trong khi đó ở Campuchia, mọi chuyện chỉ được triển khai trong vòng một tháng kể từ những phát biểu của Thủ tướng Hun Sen. Làm vội vàng thì khó có thể suôn sẻ được.
Kết quả là khi SEA Games bắt đầu diễn ra, nhiều người hâm mộ than trời, giá như… đừng phát vé miễn phí.
Tấm vé xem bóng đá, hay một môn thể thao nào khác ở SEA Games thông thường đều nằm trong tầm tay của khách du lịch. Cái họ không có là thời gian. Mà để xếp hàng cả ngày nhận vé miễn phí, người dân bản địa hiển nhiên có ưu thế hơn là du khách.
Trong trường hợp này, cổ động viên các nước Singapore, Malaysia, Indonesia gặp nhiều bất lợi hơn cả vì khoảng cách địa lý khá xa với Campuchia. Rất nhiều cổ động viên Singapore ôm đầu đau khổ vì đã lặn lội từ đảo quốc sư tử sang xứ chùa tháp nhưng rồi chẳng có cách nào vào sân.
Chủ nhà Campuchia nên rút kinh nghiệm từ UEFA
Thêm vào đó, nhân viên điều hành các sân đấu cũng dần mất kiểm soát trước dòng người đông đúc và hỗn loạn thường thấy của môn bóng đá. Để tránh tình trạng nguy hiểm, các cổng sân được đóng mở liên tục, dẫn đến tình trạng nhiều cổ động viên đến giờ bóng lăn vẫn chưa thể vào sân dù sở hữu tấm vé hẳn hoi.
Câu chuyện về vé xem bóng đá luôn nóng bỏng. Chẳng vậy mà ngay cả một tổ chức đứng đầu thế giới thể thao như UEFA (Liên đoàn Bóng đá châu Âu) cũng từng để xảy ra sự cố ở chung kết Champions League.
Năm 2022, việc có nhiều khán giả không vé tràn vào sân khiến đông đảo người hâm mộ Liverpool dù có vé nhưng vẫn không thể vào sân trước giờ bóng lăn trận chung kết. Tình trạng hỗn loạn xảy ra khiến lực lượng chức năng phải xịt hơi cay. Sau đó, UEFA phải đứng ra xin lỗi và tìm cách đền bù cho tổn thất của các cổ động viên Liverpool.
Chủ nhà Campuchia có lẽ nên rút kinh nghiệm với lòng tốt của mình. Đôi lúc, miễn phí tạo ra rất nhiều vấn đề.