Trong bối cảnh thế giới đa kết nối và tương tác cao, việc bỏ qua những công cụ truyền thông cho mục đích công việc có thể ảnh hưởng lớn đến hoạt động của doanh nghiệp cũng như bản thân chủ doanh nghiệp ấy.
Doanh nhân và truyền thông
Là doanh nhân, lẽ đương nhiên thông tin và truyền thông trở thành một phần không thể thiếu đối với cuộc sống và công việc. Tuy vậy, không phải doanh nhân nào cũng hiểu rõ cách sử dụng thông tin và truyền thông cho công việc một cách hiệu quả nhất. Đặc biệt, trong bối cảnh thế giới đa kết nối và tương tác cao, việc bỏ qua những công cụ truyền thông cho mục đích công việc có thể ảnh hưởng lớn đến hoạt động của doanh nghiệp cũng như bản thân chủ doanh nghiệp ấy.
Đối mặt với những thông tin bất lợi trên truyền thông xã hội đang lây lan, doanh nhân cần làm gì?
Chỉ tính riêng tại TP.HCM, hiện nay có khoảng 1.373 trang thông tin điện tử tổng hợp đã được cấp phép. Theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến cuối năm 2022, cả nước có 953 mạng xã hội đã được cấp phép với khoảng 130 triệu tài khoản đã đăng ký. Cũng trong năm 2022, doanh thu toàn ngành công nghệ thông tin và truyền thông đạt khoảng 3,9 triệu tỷ đồng, tương đương 148 tỷ USD. Những con số này nói lên nhiều điều về chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
Theo báo cáo Digital 2023: Vietnam của Datareportal, tính đến đầu năm 2023, Việt Nam có khoảng 77,93 triệu người dùng Internet và khoảng 70 triệu người dùng mạng xã hội. Trong đó, dữ liệu từ Meta cho thấy, Facebook có khoảng 66,2 triệu người dùng ở Việt Nam.
Thông tin từ Google cho biết, YouTube có khoảng 63 triệu người dùng ở Việt Nam. Theo một khảo sát của Decision Lab vào quý IV/2022, YouTube là nền tảng mạng xã hội phổ biến để xem video, với 64% người tham gia khảo sát lựa chọn và 13% trong số đó thừa nhận sử dụng TikTok cho cùng một mục đích.
Trong bức tranh rộng lớn của truyền thông, báo chí chính thống đang gặp những thách thức rất nghiêm trọng. Báo giấy mất thị phần, doanh số sụt giảm, quảng cáo trên phát thanh và truyền hình sụt giảm theo từng năm. Đã vậy, truyền thông chính thống còn đang loay hoay giữa tình trạng "báo hóa" tạp chí, "báo hóa" trang thông tin điện tử tổng hợp, "báo hóa" mạng xã hội và kể cả biểu hiện "tư nhân hóa" báo chí.
Nhìn một cách tích cực, doanh nhân có thể vui mừng vì có quá nhiều sự lựa chọn đối với các nền tảng truyền thông và đầu mối chuyển tải thông tin. Tình trạng độc quyền nhóm về thông tin trước đây đã bị các nền tảng mạng xã hội làm cho suy yếu dần.
Vì tính chất đa dạng của thông tin, doanh nhân cần quan tâm đến báo chí chính thống. Bởi lẽ báo chí chính thống có đội ngũ nhà báo và kỹ thuật viên chuyên nghiệp. Thông điệp từ các nguồn này có tính chính xác và độ tin cậy cao; doanh nhân có thể yên tâm với nội dung cho đến hình thức thể hiện thông điệp. Ngược lại, tính cá nhân và quan điểm phiến diện của các dòng tình trạng và bài đăng trên mạng xã hội thì vừa thiếu tính chính xác vừa khó kiểm chứng.
Chiến lược truyền thông nhân hiệu
Chị K ở quận Bình Thạnh, TP.HCM, là nhà phân phối cho các tập đoàn mỹ phẩm nước ngoài. Với nhiệt huyết tuổi trẻ, chị phấn khích mở rộng công ty, đầu tư dàn máy tính mới và đội ngũ bán hàng chuyên nghiệp. 6 tháng sau khi chạy quảng cáo trên báo chí và mạng xã hội, tổng số tiền đầu tư lên đến tiền tỷ nhưng kết quả kinh doanh là con số âm.
Không phải việc đầu tư hay quảng bá của chị có vấn đề. Cũng không phải nhân viên bán hàng không chăm chỉ. Cái chị và công ty thiếu là chiến lược thương hiệu bài bản, gắn liền với một thương hiệu cá nhân (nhân hiệu) đáng tin cậy.
Cuối cùng, chị đành phải tìm đến đầu mối bán lẻ ở các chợ truyền thống tại các tỉnh, thành. Việc này tuy rất thủ công, nhưng doanh thu của doanh nghiệp được đảm bảo và việc điều hành dễ dàng hơn nhiều. Một chuyện ngược về chuyển đổi số phải không? Nhưng chính chuyện này có lý do của nó.
Chiến lược thương hiệu cá nhân được hoạch định chi tiết và bao quát là điều cần thiết đối với đa số doanh nhân. Một doanh nhân xuất hiện ở nhiều bài báo, nhiều nền tảng mạng xã hội nhưng thông tin về ngành nghề và quá trình làm việc không nhất quán, những cam kết và hành động để thực hiện cam kết ấy không tương đồng thì sự hiện diện trên truyền thông là chưa được hoạch định một cách khoa học.
Mỗi nền tảng truyền thông có thế mạnh và yếu khác nhau. Website, Facebook, Twitter, YouTube, Slack hay các nền tảng tương tự đều có thể đóng góp vào thương hiệu cá nhân của doanh nhân. Sử dụng tùy tiện và thông điệp mơ hồ sẽ không đem lại hiệu quả truyền thông như mong muốn. Có khi việc lựa chọn một nền tảng truyền thông để đưa ra thông điệp, tự nó đã là một thông điệp.
Các nền tảng mạng xã hội được thiết lập để cung cấp thông tin và thu tiền từ quảng cáo. Khi họ phát hiện ai đó tạo các nhóm nhằm bán hàng thì chắc chắn tương tác và hiển thị nội dung sẽ bị hạn chế. Trong trường hợp đó, chỉ còn cách trả phí để thúc đẩy nội dung. Và như vậy, hiệu quả kinh doanh chưa chắc được như mong đợi.
Thương hiệu cá nhân mạnh thể hiện được cá tính, bản sắc cũng như tinh thần doanh nghiệp. Cùng với sự hiện diện trên truyền thông nhất quán và có tính chiến lược, thương hiệu cá nhân có thể cộng hưởng cho hoạt động của doanh nghiệp. Nhưng làm như thế nào?
Để trả lời câu hỏi này, cần nhìn vào sự ra đời của khái niệm thương hiệu cá nhân. Có lẽ khái niệm này được nhắc đến lần đầu tiên năm 1997 bởi Tom Peters của tạp chí kinh doanh Fast Company. Trước đó, thương hiệu thường gắn liền với hàng hóa, đồ vật.
Thương hiệu cá nhân được xây nên từ các thông điệp truyền thông. Thông điệp truyền thông cần gắn liền với những yếu tố quan trọng, cần xây dựng hình ảnh thông qua kinh nghiệm, sự tin cậy và sự lôi cuốn.
Ngày nay, YouTube, Facebook, Twitter và Zalo đã trở thành một phần thiết yếu của cuộc sống. Doanh nhân có thể xây dựng hình ảnh cá nhân thông qua kinh nghiệm thực tiễn như một phần của chiến lược thương hiệu cá nhân. Cộng đồng luôn tin tưởng vào doanh nhân nghiêm túc, chuyên nghiệp, giàu kinh nghiệm.
Sự tin cậy chỉ có thể có được qua giao tiếp, tương tác với người khác. Nói đi đôi với làm chính là phương pháp hiệu quả nhất xây dựng lòng tin vào hình ảnh cá nhân. Sự tin cậy còn đến từ truyền miệng, hoặc những gì người khác nói tốt về mình.
Cuối cùng, charisma - hay còn gọi là sức hút cá nhân - chỉ có thể đến từ sự tin tưởng tuyệt đối vào bản thân, sự quan tâm đến người khác, có sự chân thành trong từng lời nói, hành động và có mục tiêu chính đáng, cao cả.
Trở lại với chuyện kinh doanh của nữ doanh nhân nói trên để thấy trong bối cảnh chuyển đổi số, xây dựng thương hiệu cá nhân không nằm ngoài việc xây dựng niềm tin nơi công chúng. Muốn làm được điều đó phải có thời gian và phải chịu sự kiểm nghiệm của công chúng. Sự sâu sắc và tính kết nối của thông điệp truyền thông chính là chất xúc tác làm nên sự bền vững của thương hiệu.