Thời gian gần đây liên tiếp xảy ra những vụ việc ảnh hưởng đến an toàn trường học như: Bạo lực học đường; giả danh giáo viên gọi điện cho phụ huynh học sinh để lừa đảo chiếm đoạt tài sản; dụ dỗ, lôi kéo học sinh sử dụng thuốc lá điện tử, nhận và sử dụng quà từ người lạ dẫn đến ngộ độc; tình trạng ngộ độc, mất an toàn thực phẩm; tai nạn đuối nước...
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Một số vụ việc điển hình như: Đầu tháng 4 có hai em học sinh lớp 2, Trường tiểu học và trung học cơ sở Sơ Pai (huyện Kbang, Gia Lai) bị chết đuối. Cuối tháng 3, tại Hà Nội, gần 50 học sinh Trường tiểu học Kim Giang (quận Thanh Xuân) nhập viện nghi bị ngộ độc. Những ngày vừa qua, dư luận xã hội xôn xao việc một học sinh Trường THPT chuyên (Trường đại học Vinh) tự tử, nghi do bị bạo lực học đường; học sinh THCS ở Đông Anh, Hà Nội bị đánh hội đồng, quay clip.

Trước đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, nửa đầu tháng 3 có 14 trường hợp phụ huynh học sinh bị lừa đảo với tổng số tiền 825 triệu đồng bằng thủ đoạn tự xưng là giáo viên, nhân viên y tế nơi học sinh đang học để gọi điện thoại thông báo cho phụ huynh về việc con bị tai nạn, nhập viện nên cần tiền để mổ gấp…

Để bảo đảm an toàn trường học, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của học sinh, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu các địa phương, cơ sở giáo dục tăng cường công tác truyền thông, cảnh báo về âm mưu, thủ đoạn của tội phạm, tệ nạn xã hội xâm nhập vào trường học; cảnh báo thủ đoạn dụ dỗ, lôi kéo học sinh sử dụng các sản phẩm độc hại, chất gây nghiện… để giáo viên, học sinh và gia đình học sinh đề cao cảnh giác và tích cực phát hiện, tố giác tội phạm.

Các trường học, cơ quan quản lý giáo dục khẩn trương rà soát công tác bảo mật, cung cấp thông tin của học sinh, sinh viên, kịp thời khắc phục các lỗ hổng bảo mật, không để các đối tượng xấu chiếm đoạt nhằm thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, gây mất an ninh trật tự.

Đáng chú ý, các trường học chủ động phối hợp, trao đổi thông tin với các cơ quan chức năng, tổ chức đoàn thể tại địa phương và gia đình học sinh tăng cường quản lý, theo dõi, giám sát việc học tập, sinh hoạt, vui chơi của học sinh tại gia đình, nhà trường, khu vực chung quanh trường học và cộng đồng nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời các vụ việc bạo lực học đường, học sinh vi phạm kỷ luật, đánh nhau hoặc vui chơi mất an toàn; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh và cha mẹ học sinh về công tác phòng, chống bạo lực học đường; gắn trách nhiệm trong lựa chọn, bảo quản, chế biến và sử dụng thực phẩm của cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, nhân viên nhà trường.

Các trường tổ chức giáo dục, hướng dẫn trẻ em, học sinh thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường. Trong các hoạt động giáo dục, tạo sự lan tỏa, hình thành thói quen, kỹ năng chủ động phòng, tránh tai nạn thương tích, đuối nước và phong trào tập luyện môn bơi nhằm nâng cao sức khỏe, bảo vệ bản thân trước tai nạn đuối nước.

Mặc dù triển khai nhiều giải pháp nhưng trước những sự việc mất an toàn trường học xảy ra ngày càng nhiều, trong đó một số vụ việc ngày càng nghiêm trọng, ngành giáo dục cần sớm đánh giá tình hình và nghiên cứu sửa đổi tiêu chí xây dựng trường học an toàn phòng, chống tai nạn thương tích, bảo đảm phù hợp thực tiễn.

Đối với các nhà trường cần thường xuyên xây dựng các chuyên đề về giáo dục giá trị sống, kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ bản thân, phòng, chống xâm hại, bạo lực học đường, phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước lồng ghép trong các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt lớp, hoạt động đoàn, đội…

Thông qua các hoạt động, tọa đàm, chia sẻ kinh nghiệm, nêu gương tốt, đề cao sự gương mẫu của người thầy để giáo dục học sinh. Đáng chú ý, trong bảo đảm an toàn trường học, sự nỗ lực của riêng nhà trường là chưa đủ mà cần có sự vào cuộc, phối hợp chặt chẽ của cả các cơ quan, đơn vị chức năng và phụ huynh học sinh.

Trong đó, chính quyền địa phương, cơ sở cần phối hợp và có các giải pháp bảo đảm an toàn trường học, xử lý dứt điểm tình trạng bán hàng rong, mất an ninh, an toàn trước cổng trường học. Các bậc phụ huynh cần chủ động phối hợp chặt chẽ với giáo viên để nắm bắt, thông tin kịp thời về học sinh, từ đó cùng giáo dục con em mình trong các hoạt động học tập, vui chơi khi ở trường cũng như các hoạt động học tập, vui chơi bên ngoài trường học, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng bạo lực học đường hay những tai nạn, sự việc đáng tiếc xảy ra.