Nhớ lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Tàn nhưng không phế”, người khuyết tật như được tiếp thêm động lực vượt qua khó khăn, vươn lên làm chủ cuộc sống và giúp đỡ người cùng hoàn cảnh. Câu chuyện của họ được viết nên bằng nghị lực phi thường và niềm tin vào cuộc đời hữu ích.

Sống cuộc đời thật đẹp

Lâu nay, nhà chị Huỳnh Thanh Thảo ở ấp Ràng, xã Trung Lập Thượng (huyện Củ Chi, TPHCM) là điểm đến của nhiều trẻ con trong ấp. Ở đây, các em được thỏa sức đọc sách từ thư viện mini Bé Ba và hỏi “cô giáo bé Ba” (tên gọi thân thương mọi người dành cho chị Thảo) những bài tập chưa tìm ra lời giải. Điểm đặc biệt là “cô giáo bé Ba” chưa một ngày đến trường, chỉ được học qua sách vở, nhưng 23 năm qua, lớp học của cô đã nâng bước hơn 100 học trò nghèo trong ấp vào giảng đường đại học.

Vẻ đẹp “vầng trăng khuyết” ảnh 1

Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Hiếu biểu dương chị Thúy Vy, chị Thanh Thảo và chị Lệ Xuân đã có nghị lực vượt khó vươn lên trong cuộc sống

Mang trong mình căn bệnh xương thủy tinh do bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam, cuộc sống của chị Thanh Thảo gắn liền với chiếc xe lăn. Thế nhưng, 37 năm qua, chị luôn chọn cách mỉm cười để sống tốt. Chọn lẽ sống ấy, chị Thanh Thảo thấy cuộc sống mỗi ngày của mình đều vô cùng ý nghĩa, khi vừa làm việc mình yêu thích vừa tham gia các hoạt động thiện nguyện. Năm 2009, thấy trẻ trong xóm “khát” sách, chị mở thư viện mini, ban đầu chỉ có vài chục quyển sách, để rồi đến nay có hơn 2.000 đầu sách.

Trong buổi giao lưu tại chương trình “Vẻ đẹp vầng trăng khuyết” năm 2023 do Hội Liên hiệp Phụ nữ TPHCM vừa tổ chức, chị Thanh Thảo bày tỏ, mỗi người đều có thể đóng góp một điều gì đó cho cuộc sống. “Tôi không có sức khỏe, cũng không có tiền bạc nhưng tôi khao khát trở thành người kết nối các bạn khuyết tật, giúp các bạn cùng nuôi ý chí kiên cường ấy”, chị Thanh Thảo chia sẻ.

Hiện chị Đào Lệ Xuân cùng chồng triển khai dự án chế tạo bàn cờ vua dành cho người mù, gậy dò đường khi di chuyển. Về phần mình, khi được hỏi về dự định tương lai, chị Huỳnh Thanh Thảo chia sẻ đang ấp ủ dự án thiết kế mô hình thư viện online. Từ các thư viện sách, chị hy vọng trẻ em có thêm kênh tiếp cận với sách, từ đó lan tỏa văn hóa đọc đến nhiều bạn trẻ như Bác Hồ hằng mong muốn.

Ngoài thư viện mini và lớp học tại nhà, bằng tinh thần sống tích cực, chị Thanh Thảo đang điều hành Quỹ học bổng Cô Ba ấp Ràng dành cho trẻ em nghèo hiếu học ở huyện Củ Chi và Quỹ hỗ trợ vốn cho người khuyết tật. Chị còn vận động kinh phí hỗ trợ bệnh nhân khó khăn và trao tặng quà đến những người già neo đơn, trao học bổng cho học sinh nghèo, khuyết tật.

Sự kỳ diệu tỏa sáng từ trái tim

Tại chương trình “Vẻ đẹp vầng trăng khuyết” năm 2023, nhiều người dừng lại khá lâu ở gian hàng trưng bày tranh giấy xoắn. Người xem bị thu hút bởi những đôi tay khéo léo của các bạn khuyết tật khi biến sợi dây đủ màu sắc thành bức tranh vô cùng sinh động. Chủ cơ sở tranh, cũng là cô giáo truyền nghề cho những người khuyết tật ấy là chị Trần Thụy Thúy Vy (ngụ quận 4, TPHCM). Đôi chân bị khuyết tật do cơn sốt bại liệt từ nhỏ, chị Thúy Vy tâm sự, cuộc sống với người lành lặn đã khó, với người khuyết tật càng khó gấp bội.

Từng đi làm công nhân, nhưng chị Thúy Vy nghĩ rằng nếu được vào giảng đường đại học thì cuộc sống của mình sẽ bớt khó khăn. Thế là chị dành dụm tiền để thực hiện ước mơ vào đại học, rồi bén duyên với tranh giấy xoắn từ câu lạc bộ sáng tạo của trường. Nhận ra sự kỳ diệu của tranh làm từ giấy xoắn và nhận thấy lĩnh vực này phù hợp với mình, chị mở xưởng sản xuất. Có nơi để làm việc, có thu nhập, chị liền nghĩ đến những người cùng cảnh ngộ. Vậy là chị Thúy Vy nhận những người khuyết tật vào cơ sở để dạy nghề, tạo việc làm cho họ. Nhiều năm nay, cơ sở tranh giấy xoắn Alice Quilling của cô chủ nhỏ Thúy Vy là nơi nhiều người khuyết tật đến học nghề và làm việc. Hiểu được những khó khăn và mặc cảm của người cùng hoàn cảnh, chị mong muốn truyền động lực tích cực đến các bạn, giúp xóa đi suy nghĩ người khuyết tật không làm được việc gì. Theo chị Thúy Vy, điều quan trọng là phải cố gắng để đến thành công.

“Cố gắng” cũng là điều chị Đào Lệ Xuân, Chủ tịch Hội Người mù quận Bình Thạnh, luôn tự nhủ với mình và khích lệ tinh thần những người cùng cảnh ngộ. Nhờ cố gắng mỗi ngày, cô gái khiếm thị Xuân tham gia học, hòa nhập cùng các bạn sáng mắt và được tuyển vào Trường ĐH Sư phạm TPHCM. Sau đó, chị học thêm văn bằng 2 Ngữ văn Anh tại Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM. Hiện nay, ngoài việc đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Hội Người mù quận Bình Thạnh, chị Xuân dạy thêm tiếng Anh, tiếng Trung và dịch sách, dịch những tài liệu giáo dục đặc biệt phục vụ cộng đồng người khiếm thị.

Nhiều năm qua, chị Đào Lệ Xuân còn được nhiều người biết đến trên các đấu trường cờ vua dành cho người khuyết tật trong nước và khu vực Đông Nam Á. Để có được thành quả ấy, chị Xuân cho rằng, người khuyết tật phải tin vào chính mình, nỗ lực cống hiến thì mới có thể khẳng định được giá trị của bản thân.