Trung tâm Lưu trữ quốc gia III đã tiếp nhận nhiều tài liệu, kỷ vật và bản thảo viết tay tiểu thuyết về Chủ tịch Hồ Chí Minh từ gia đình nhà văn Sơn Tùng.
Khối tài liệu gồm bản viết tay, đánh máy tiểu thuyết "Búp sen xanh", "Bông sen vàng", "Chiến khu lõm", "Người vẽ cờ tổ quốc". Lần đầu tiên, gia đình gửi Trung tâm các băng tài liệu về câu chuyện "Bác Hồ đến Mỹ", "Người chụp ảnh Bác Hồ", "Những giờ phút cuối đời của Bác Hồ" và nhiều hiện vật gắn với cuộc đời sáng tác của nhà văn.
Ông Bùi Sơn Định, con trai nhà văn, cho biết nguyện vọng ban đầu của gia đình là giữ lại khối tài liệu làm nhà lưu niệm để bạn bè, người thân đến thăm, thắp nén nhang cho ông. Tuy nhiên, hoàn cảnh không cho phép nên gia đình quyết định gửi gắm số tài liệu này cho cơ quan lưu trữ quốc gia.
"Cha tôi có những năm tháng dài đi sưu tập tư liệu và viết 16 tác phẩm về Bác Hồ. Hôm nay, tôi thay mặt cha mẹ gửi lại để thế hệ mai sau biết về quá trình sáng tác những tác phẩm này và lao động của một nhà văn thương binh nặng", ông nói.
Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia III Trần Việt Hoa cho biết đây là lần thứ ba đơn vị tiếp nhận khối tài liệu quý từ gia đình nhà văn Sơn Tùng. Từ khi còn sống, cố nhà văn đã gửi nhiều bản thảo, tác phẩm vào cơ quan lưu trữ quốc gia, là một trong những người đầu tiên tin tưởng gửi gắm "đứa con tinh thần của mình vào cơ quan lưu trữ".
"Những kỷ vật, tài liệu gia đình nhà văn trao tặng đều mang những câu chuyện đặc biệt về cuộc đời, sáng tác của ông. Tư liệu này đã giúp người dân hiểu rõ hơn về sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh và là nguồn thông tin tin cậy, quý giá về chặng đường lịch sử của dân tộc", bà Hoa nói.
Nhà văn Sơn Tùng (1928-2021) tên thật là Bùi Sơn Tùng, quê tại xã Diễn Kim, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Ông được biết đến với nhiều tác phẩm viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó nổi tiếng nhất là tiểu thuyết Búp sen xanh viết về tuổi thơ, thời niên thiếu và tuổi đôi mươi của Bác.
Ông có 10 năm hoạt động cách mạng tại Đoàn thanh niên Cứu quốc xã Diễn Kim; Bí thư Huyện đoàn Diễn Châu và Tỉnh đoàn Nghệ An. Thời gian này, nhà văn gặp chị, anh ruột (bà Nguyễn Thị Thanh, ông Nguyễn Sinh Khiêm) và nhiều người thân khác của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nên biết rất rõ về những năm tháng tuổi thơ của Bác ở làng Chùa, làng Sen (Nam Đàn) và thời gian theo cha mẹ vào Huế (1895).
Nhà văn Sơn Tùng là thương binh hạng 1/4 với 14 vết thương trên người. Trong đó, 5 vết thương ở vùng vai đầu, cánh tay; tai trái cũng bị thương tật nặng, thủng màng nhĩ; thị lực còn 1/10. Rời chiến trường quay về miền Bắc, mọi sinh hoạt của ông phải có người khác giúp đỡ, song ông vẫn cầm bút viết. Từ 1974 đến năm 2010, nhà văn đã viết hàng chục tiểu thuyết, tập truyện ngắn, văn xuôi.