Chợ vắng vẻ, tiểu thương khó khăn
Khảo sát của phóng viên tại một số chợ truyền thống, như: chợ Tân Định (Quận 1), chợ Sơn Kỳ (quận Tân Phú), chợ Phạm Văn Hai (quận Tân Bình)… các con đường quanh chợ vẫn đông người qua lại nhưng chỉ có vài người ghé mua. Không chỉ các sạp quần áo, trang sức vắng khách mà những quầy thực phẩm cũng thường rơi vào cảnh người bán đông hơn người mua.
Tại chợ Bến Thành, tình hình cũng không khá hơn là bao khi dịch bệnh có dấu hiệu bùng phát trở lại, khách tới chợ chưa kịp phục hồi lại tiếp tục giảm sút.
Mỗi tháng, ông Long trả tiền thuê sạp cùng một số phí quản lý lên đến hơn 40 triệu đồng nên có những tháng cộng trừ thu chi xong có thể lỗ đến vài chục triệu đồng. Bởi vậy, ông Long phải đi vay mượn nhằm duy trì kinh doanh, mong vượt qua giai đoạn khó khăn.
Cũng như ông Long, tình trạng chợ ế khách, buôn bán thua lỗ khiến cuộc sống của các tiểu thương bị ảnh hưởng nặng nề. Khi được hỏi, nhiều người bán hàng đều thở dài ngao ngán: “Chợ vắng hẳn, lượng khách không còn đông. Nguồn nguồn thuê sạp, mướn nhân viên bị thiếu hụt. Nói chung là không làm ăn được, bị ảnh hưởng nhiều”.
Cần phải thay đổi dù rất khó
Chuyên gia Nguyễn Hoàng Dũng- Viện trưởng Viện nghiên cứu và phát triển Bền vững TP.HCM (IRSH) lý giải, chợ vắng và buôn bán ế ẩm có phần vì người dân thắt chặt chi tiêu do kinh tế khó khăn.
Thêm vào đó, nhiều siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi mở ra nhiều nơi cùng với sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử đang cạnh tranh trực tiếp với các chợ dân sinh. Tại các cửa hàng tiện lợi và siêu thị, khách hàng có thể được hưởng các hình thức thanh toán nhanh gọn, môi trường sạch sẽ, mát mẻ và có thể thoải mái lựa chọn hàng hóa, giao dịch mua bán qua các hình thức trực tuyến.
Các tiểu thương tại các chợ còn gặp khó về các vấn đề liên quan đến giá nguyên vật liệu gia tăng, nhà nước kiểm soát chặt chẽ hơn về thuế phí, chất lượng hàng hóa, hóa đơn chứng từ...Điều này dẫn tới việc các nhà cung cấp phải đổi mới phương thức sản xuất, tệp khách hàng, hình thức tiêu thụ sản phẩm. Do vậy, các tiểu thương vừa không thể đa dạng nguồn hàng trong khi chi phí bán hàng tăng cao.
Chuyên gia Nguyễn Hoàng Dũng kiến nghị, để ứng phó với tình hình khó khăn hiện nay, nhà nước cần một số biện pháp hỗ trợ ngắn hạn cũng như đào tạo, hướng dẫn để tiểu thương chợ truyền thống có thể thích ứng.
“Phải có sự hỗ trợ cho tiểu thương các chợ truyền thống, những người bán hàng. Thứ nhất là phải có chính sách trợ giá khi có lạm phát, biến động xảy ra, hỗ trợ vốn liếng, lãi suất cho họ. Thứ hai nhà nước cùng với các tiểu thương tìm kiếm nguồn hàng, tìm kiếm thị trường, tìm kiếm cách thức sản xuất kinh doanh mới, mô hình mới, hướng dẫn chỉ bảo cho các tiểu thương về cách làm ăn mới, nâng cao nhận thức lên” - ông Nguyễn Hoàng Dũng nói.
Về lâu dài, để chợ truyền thống tồn tại như một kênh thương mại thiết yếu cho người dân, ngành chức năng cần có những kênh đào tạo miễn phí cho các tiểu thương, hộ sản xuất kinh doanh về kết hợp bán hàng online, áp dụng công nghệ 4.0, văn minh thương mại, kinh doanh bền vững, thực hiện các chủ trương chính sách của nhà nước./.