Quang cảnh một phiên họp toàn thể của Quốc hội khoá XV |
Theo tờ trình về việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, HĐND, Ban Công tác đại biểu (thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội), Nghị quyết số 85/2014/QH13 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn chỉ quy định về hệ quả đối với người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, nhưng không quy định rõ về thời hạn và thời điểm thực hiện. Theo đó, người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND đánh giá “tín nhiệm thấp” thì có thể xin từ chức.
Người được lấy phiếu tín nhiệm có từ 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND trở lên đánh giá “tín nhiệm thấp” thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội, Thường trực HĐND trình HĐND bỏ phiếu tín nhiệm.
Ban Công tác đại biểu nhận định, quy định như trên dẫn đến việc tùy nghi, không đồng bộ, thống nhất trong cả nước. Do đó, dự thảo nghị quyết (hoàn thiện ngày 8-5-2023) quy định: Người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa đến dưới 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND đánh giá “tín nhiệm thấp” thì xin từ chức.
Trong thời gian không quá 10 ngày kể từ ngày công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm mà không từ chức thì Quốc hội, HĐND xem xét, quyết định việc bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất, nhưng không quá 30 ngày kể từ ngày công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm.
Người được lấy phiếu tín nhiệm có từ 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND trở lên đánh giá “tín nhiệm thấp” thì cơ quan có thẩm quyền trình Quốc hội, HĐND tiến hành miễn nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất nhưng không quá 30 ngày kể từ ngày công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm.
Việc lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch UBND quận, thị xã, phường ở nơi không có HĐND thì kể từ thời điểm có đề nghị của HĐND quận, thị xã, Chủ tịch UBND cùng cấp xem xét, quyết định trong thời gian tối đa không quá 30 ngày.
Bên cạnh nội dung trên, dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 85/2014/QH13 còn có một số điểm mới khác, như bổ sung quy định công khai kết quả lấy phiếu tín nhiệm trên các phương tiện thông tin đại chúng. Dự thảo cũng sửa đổi, bổ sung các trường hợp không lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ khi có thông báo nghỉ công tác chờ nghỉ hưu, thông báo nghỉ hưu hoặc được bầu, phê chuẩn trong năm lấy phiếu tín nhiệm để bảo đảm đồng bộ, thống nhất với Quy định số 96-QĐ/TW.
Theo dự thảo, Quốc hội và HĐND đều lấy phiếu tín nhiệm bằng cách bỏ phiếu kín. Trên phiếu ghi rõ họ tên, chức vụ của những người được lấy phiếu tín nhiệm, các mức độ: “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm”, “tín nhiệm thấp”.
Ba mức tín nhiệm này được giữ nguyên như 3 lần lấy phiếu tín nhiệm đã tiến hành tại 2 nhiệm kỳ trước của Quốc hội.