Bán từ khách sạn đến bất động sản
Thực tế chuyện bán bớt tài sản hay thậm chí bán luôn cả DN kể từ sau đại dịch Covid-19 đến nay không còn là hiếm khi DN rơi vào khó khăn, thiếu vốn. Chẳng hạn, đầu tháng 3 vừa qua, chủ khách sạn dát vàng Dolce by Wyndham Hanoi Golden Lake ngay giữa trung tâm Hà Nội công bố sẽ bán khách sạn này với giá khởi điểm 250 triệu USD (khoảng 5.900 tỉ đồng).
Trao đổi với báo chí về nguyên nhân phải rao bán khách sạn, ông Nguyễn Hữu Đường, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Hòa Bình, đồng thời là chủ khách sạn, cho biết do dự án nhà ở xã hội của DN chưa được cấp giấy phép xây dựng, dẫn đến DN rơi vào tình trạng khó khăn về dòng tiền và phải bán tài sản để giải quyết thanh khoản.
Ông Đường cũng thông tin nhiều đối tác đang đàm phán mua khách sạn là những doanh nhân tới từ Trung Quốc, Ấn Độ và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE). Không chỉ riêng khách sạn dát vàng nói trên, theo ước tính có hàng trăm khách sạn lớn nhỏ ở nhiều nơi như TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng đã được rao bán trong vòng 2 năm trở lại đây do chủ đầu tư không đủ kinh phí để mở cửa hoạt động trở lại sau dịch Covid-19 hay vắng khách khiến doanh thu không bù đắp nổi chi phí.
Mới đây, Tập đoàn Egroup đã thông báo "cấn nợ" 75 lô đất ở Thanh Hóa, mỗi lô có diện tích từ 100 - 194 m2, bán đồng giá là 300 triệu đồng/nền. Số lô đất này dành cho "chủ nợ" có dư nợ dưới 1 tỉ đồng tại Egroup và các công ty liên quan. Nhà đầu tư được gạt nợ 100, 200 triệu đồng, còn lại phải đóng tiền mặt.
Egroup là chủ sở hữu nhiều hệ thống giáo dục - đào tạo, chăm sóc sức khỏe đến thực phẩm gồm chuỗi trung tâm tiếng Anh Apax Leaders, hệ thống mầm non Igarten, trường liên cấp Firbank Australia. Năm 2022, Chủ tịch Hội đồng quản trị Egroup Nguyễn Ngọc Thủy thừa nhận hệ sinh thái Egroup đang gặp khó khăn trên nhiều mặt, trong đó vấn đề lớn nhất là dòng tiền do các hệ thống giáo dục bị đóng cửa vì dịch Covid-19…
Có những thương vụ mua bán đến từ cá nhân, DN trong nước nhưng phần lớn các tài sản có giá trị lớn được thâu tóm gần đây là rơi vào tay khối ngoại. Trong năm 2022, Tập đoàn Gamuda Land đến từ Malaysia đã thành công mua lại dự án Artisan Park tại thành phố mới Bình Dương từ TDC. Thương vụ này có giá trị lên đến 54 triệu USD và cũng được xếp vào top 10 thương vụ M&A tiêu biểu năm 2022. Ngay tiếp sau đó, Gamuda Land liền sáp nhập một công ty nội địa để qua đó sở hữu Elysian - dự án khu phức hợp căn hộ cao tầng rất tiềm năng tại TP.Thủ Đức (TP.HCM). Dự án này có tổng diện tích khoảng 3 ha, quy hoạch 1.300 căn hộ có tổng giá trị phát triển (GDV) ước tính lên đến trên 250 triệu USD.
Vào giữa tháng 3, Reuters cũng đưa tin CapitaLand Group có thể đang đàm phán với một ông lớn bất động sản (BĐS) trong nước để mua một dự án ở phía bắc TP.Hải Phòng. Giá trị của thương vụ ước tính lên tới 1,5 tỉ USD (hơn 35.000 tỉ đồng). Không bình luận trực tiếp về vấn đề thỏa thuận nêu trên khi được Reuters liên hệ nhưng đại diện CapitaLand Group cho rằng VN là một trong những thị trường cốt lõi và công ty liên tục đánh giá các cơ hội đầu tư để phát triển sự hiện diện của mình tại nước ta. Ngoài ra, còn có hàng loạt vụ rao bán khoản nợ gồm nhiều tài sản mà chủ yếu là nhà đất ở nhiều ngân hàng kể từ sau đại dịch Covid-19 đến nay. Thậm chí, nhiều ông chủ DN phải bán bớt từ nhà cửa đến ô tô, đồng hồ để lấy tiền trả lương cho nhân viên, duy trì hoạt động cho công ty…
Doanh nghiệp khó khăn kép
Tại cuộc gặp với lãnh đạo UBND TP.HCM vào giữa tháng 2 qua, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực - Thực phẩm TP.HCM, cho hay từ đầu năm 2023 đến nay, hầu hết DN ngành chế biến lương thực - thực phẩm duy trì tốt sản xuất, người lao động hoạt động hết công suất. Tuy nhiên, biên lợi nhuận đang "cực kỳ thấp" do lãi vay quá cao, chi phí đầu vào đều tăng. Với lãi suất cho vay trên 10% một năm như hiện nay, để tồn tại và duy trì hoạt động cũng đã rất áp lực, chưa nghĩ đến kinh doanh có lãi. Vì vậy, một vài DN lớn có thương hiệu hàng chục năm trong ngành gần đây đã phải chuyển nhượng, hợp tác với các DN, quỹ đầu tư nước ngoài. Điều này rất đáng báo động và ưu tư vì không ai muốn "bán mình" cho đơn vị khác.
Trên thực tế, có nhiều DN đã phải bán bớt cổ phần hoặc thậm chí chuyển giao luôn DN cho đối tác mới sau một thời gian dài khó khăn. Nhưng câu chuyện này hiếm khi được công khai vì nhiều lý do. Trong đó, quan trọng nhất là vì chính các chủ DN cho rằng đây là câu chuyện buồn nên không muốn nói ra.
Đó là chưa nói đa số tài sản đều bị thế chấp để vay ngân hàng nhưng DN không đủ tiền trả nợ thì cũng phải lo bán. Có DN ngành sản xuất xuất khẩu gỗ cho biết nếu không bán tài sản để tự cứu thì DN phá sản và 600 công nhân bị mất việc. "Kinh tế thị trường chấp nhận thua thì thiệt. Nhưng nhìn lịch sử phát triển gầy dựng để có đội ngũ DN Việt như ngày hôm nay là điều không dễ, để họ phải bán tài sản vào tay DN nước ngoài với giá rẻ là điều quá xót xa", PGS-TS Nguyễn Thường Lạng chia sẻ.
Trong khi đó, chuyên gia tư vấn Đỗ Hòa cho rằng vấn đề không phải bán tài sản mà đánh mất tài sản vô hình là thương hiệu sản phẩm của đất nước. Ông dẫn chứng mới đây, qua thông tin báo chí nước ngoài, được biết một nhà bán lẻ trong nước đang đàm phán bán cho tập đoàn nước ngoài. Nếu đúng như vậy thì hàng hóa Việt chịu thiệt nhất. Vì vậy, thay vì để cho các tập đoàn, DN lớn bán dần tài sản thì có thể tái cấu trúc. Mảng nào còn tốt thì tách ra độc lập, hoặc chuyển sở hữu cho các tập đoàn VN khác có năng lực để tiếp tục quản lý. "Làm như thế thì nhiều mảng kinh doanh của DN đó vẫn có thể tiếp tục hoạt động dưới danh nghĩa là DN của VN và tài sản hữu hình, vô hình ấy vẫn còn là sở hữu của chúng ta. Chính phủ nhiều khi phải can thiệp để bảo vệ lợi ích của đất nước, nhất là đối với các tập đoàn lớn", ông Đỗ Hòa nói.
PGS-TS Nguyễn Thường Lạng đề xuất một số giải pháp cần tăng tốc ngay. Đó là ngân hàng tiếp tục giảm mạnh lãi suất cho vay để DN có cơ hội sáng tạo, phục hồi, tồn tại, ngăn việc "bán mình" và phát triển. Mức lãi suất cho vay nên giảm xuống bằng hoặc thấp hơn mức trước khi tăng, ngang bằng hoặc cao hơn lạm phát một ít. Hiện lãi suất cho vay của DN Việt đang ăn mòn vào vốn, vào tài sản chứ không phải vào lợi nhuận nữa. Thứ hai, cần có giải pháp để đơn giản hóa thủ tục, điều kiện để giải ngân gói vay hỗ trợ 2% lãi suất càng sớm càng tốt. Bên cạnh đó, tiếp tục giãn và hoãn thuế cho DN; cải thiện môi trường đầu tư thông thoáng cởi mở hơn.