Học sinh, sinh viên tham quan, tìm hiểu quy trình sản xuất nước sạch tại Nhà máy nước Thủ Đức 3, TPHCM. Ảnh: SWIC |
Hiểu để chung tay bảo vệ môi trường
Vừa qua, 45 sinh viên Trường Đại học Sư phạm TPHCM đã được trải nghiệm tham quan Nhà máy nước Thủ Đức 3 trong hành trình “SAWACO Tour - Hành trình lịch sử ngành nước thành phố” do Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (SAWACO) tổ chức. Tham gia chương trình, các sinh viên được tìm hiểu về quy trình, công nghệ xử lý nước hiện đại tại Nhà máy nước Thủ Đức 3; hiểu quá trình hình thành và hoạt động của nhà máy nước; những khó khăn trong sản xuất, trong bối cảnh biến đổi khí hậu; hành trình để có được dòng nước sạch cung cấp đến người dân.
Sau khi tham quan Trạm bơm Hóa An - nơi tiếp nhận nguồn nước thô đầu nguồn từ sông Đồng Nai, các thành viên trong đoàn tiếp tục đến tham quan thực tế về quy trình xử lý nước sạch tại Nhà máy nước Thủ Đức 3 và được các chuyên viên nhà máy nước giải đáp các thắc mắc về lịch sử hình thành, xây dựng, phát triển ngành nước, cách để bảo vệ nguồn nước sạch… “Chuyến trải nghiệm giúp tôi hiểu để có được giọt nước sạch thì phải trải qua nhiều công đoạn xử lý và tốn nhiều công sức. Điều đó giúp tôi trân trọng những giọt nước sạch hơn. Là đoàn viên thanh niên, thời gian tới, tôi sẽ cùng tham gia tuyên truyền giúp sinh viên, học sinh và người dân hiểu để cùng chung tay bảo vệ nguồn nước và sử dụng nước sạch tiết kiệm hơn”, sinh viên Trần Huyền Trân bày tỏ.
Với Huyền Trân và các thành viên tham gia đoàn, hành trình tham quan Nhà máy nước Thủ Đức 3 đã mang lại những kiến thức về quá trình sản xuất nước, cũng như hiểu hơn về lịch sử hình thành ngành nước của Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn. Các bạn cũng hiểu những khó khăn của ngành nước do ảnh hưởng biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, từ đó có hành động đúng để chung tay bảo vệ nguồn nước sạch một cách hiệu quả hơn.
Theo ông Trần Đỗ Bảo Quế, Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh nước sạch Sài Gòn, thời gian qua, bên cạnh hoạt động sản xuất nước an toàn, hiệu quả, đơn vị đã tiếp nhiều đoàn chuyên gia, học sinh, sinh viên đến tham quan học tập, tìm hiểu về công nghệ xử lý nước nhà máy đang sử dụng, những khó khăn trong quá trình xử lý nước do chất lượng nước thô biến động, qua đó vận động người dân cùng chung tay bảo vệ nguồn nước, cũng như sử dụng nước tiết kiệm. Ngoài ra, đơn vị đã tham gia tích cực chương trình “SAWACO Tour - Hành trình lịch sử ngành nước thành phố” do Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn tổ chức, giúp người dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động hiểu hơn về quy trình sản xuất nước sạch.
Đầu tư cấp nước an toàn, hướng đến cộng đồng
Không chỉ chú trọng đầu tư công nghệ tiên tiến, hiện đại và theo dõi chặt chẽ công tác duy tu, bảo trì, đại tu tất cả công trình thiết bị trong dây chuyền sản xuất nước tại nhà máy, SWIC cũng rất quan tâm đến các hoạt động vì cộng đồng, góp sức cùng SAWACO chăm lo công tác an sinh xã hội.
Đại dịch Covid-19 vừa qua để lại nhiều mất mát cho người dân của thành phố, trong đó có người lao động của ngành nước. Năm 2020, SWIC thực hiện chương trình của SAWACO cùng chung tay chia sẻ với cộng đồng, hỗ trợ chăm lo người lao động của ngành nước. Mỗi tháng, SWIC hỗ trợ em P.K. (một trẻ mồ côi do dịch Covid-19) 2 triệu đồng từ nguồn quỹ phúc lợi của công ty. Ngoài ra, công ty còn chăm lo cho em P.K. vào các dịp lễ tết, trao tặng học bổng tiếp sức… để em có điều kiện tiếp tục học tập. Từ sự tiếp sức kịp thời của SWIC, em P.K. và gia đình dần ổn định cuộc sống, bản thân em không bỏ lỡ việc học hành.
Bên cạnh việc tập trung sản xuất, kinh doanh, đơn vị cũng quan tâm các hoạt động an sinh xã hội, chăm lo đời sống cán bộ, công nhân viên, người lao động tại đơn vị. Cụ thể, đơn vị thường xuyên phối hợp cùng SAWACO để đóng góp cho các hoạt động trao nhà tình nghĩa, tình thương, hỗ trợ học bổng cho học sinh, sinh viên vượt khó học tốt. Công ty cũng quan tâm cải thiện môi trường làm việc, các chương trình đào tạo để giúp người lao động đơn vị nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề, nâng cao năng suất lao động. Đặc biệt, lãnh đạo công ty luôn khuyến khích đội ngũ cán bộ kỹ thuật đưa ra các sáng kiến, giải pháp khắc phục khó khăn, tối ưu hóa quá trình sản xuất, nâng cao hiệu quả, chất lượng và an toàn cấp nước. Năm 2022, công ty có 4 sáng kiến, trong đó có 2 sáng kiến được Hội đồng khoa học Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn công nhận.
Ông Trần Đỗ Bảo Quế cho biết, SWIC luôn quan tâm đến môi trường, từ khi thành lập đến nay, cảnh quan nhà máy cũng được chăm chút, trồng nhiều cây xanh để tạo môi trường xanh, sạch, giúp cán bộ, công nhân viên và khách tham quan thoải mái khi đến làm việc. SWIC cũng đã đầu tư và đưa vào sử dụng dự án điện năng lượng mặt trời, cung cấp nguồn năng lượng thân thiện với môi trường xanh, sạch cho hoạt động của công ty.
Với phương châm hoạt động “chất lượng - an toàn - hiệu quả”, SWIC không ngừng đầu tư đào tạo đội ngũ kỹ thuật, hiện đại hóa trang thiết bị, công nghệ, đảm bảo môi trường lao động. Từ khi đi vào hoạt động, Nhà máy nước Thủ Đức 3 được vận hành tự động thông qua hệ thống SCADA. Quá trình sản xuất nước được giám sát chặt chẽ, liên tục, kịp thời phát hiện biến động bất thường về chất lượng nước sông để kiểm soát hoạt động xử lý nước, duy trì ổn định chất lượng nước của nhà máy.
Nhà máy nước Thủ Đức 3 chính thức vận hành, cung cấp những giọt nước sạch đầu tiên hòa vào mạng lưới của SAWACO vào tháng 12-2015. Nhà máy sử dụng nước thô từ sông Đồng Nai để xử lý, cung cấp nước sạch cho người dân thành phố. Với công nghệ hiện đại từ CHLB Đức, đến nay, nhà máy vận hành ổn định với công suất thiết kế 300.000m3/ngày, đạt tỷ lệ khoảng 15% tổng công suất phát nước của TPHCM, góp phần thực hiện chỉ tiêu 100% hộ dân thành phố được sử dụng nước sạch.
Công suất 315.000 m3/ngày. Gồm 03 bơm ly tâm trục ngang có lưu lượng Q=6565 m3/h, cột áp H=50m, công suất P=1800kW, điều khiển bằng biến tần.
Hệ thống châm Clor tiền xử lý có công suất 70kg/h
Hệ thống thổi rác tự động, sử dụng khí nén áp suất cao
Hệ thống chống va bằng bồn kết hợp khí nén
2. Bể tiếp nhận
Bể tiếp nhận nước thô, tiêu năng và phân phối nước cho 03 cặp bể lắng LME qua 03 tuyến ống D1200. Đồng thời nhận thêm lượng nước từ bể chứa nước sau rửa lọc bơm hồi lưu.
Kích thước bể 16m x 13,5m x 9,2m.
3. Bể lắng Turbo – LME
Bể lắng Turbo – LME bao gồm gồm 03 cặp bể lắng. Mỗi bể lắng bao gồm các bể trộn sơ cấp, thứ cấp, bể tạo bông và bể lắng lamella.
Hóa chất được châm tại bể lắng bao gồm phèn sắt FeCl3, vôi, polymer. Để hỗ trợ tốt hơn quá trình tạo bông và tiết kiệm hóa chất xử lý nước, hệ thống được châm tuần hoàn một lượng bùn tiếp xúc.
Kích thước một bể lắng Lamella: 13,7m x 13m x 8,45m.
4. Bể lọc
Nước sau lắng sẽ được châm Flo và chảy về bể lọc qua kênh dẫn chung để sau đó được phân làm hai nhánh vào các bể lọc. Hệ thống lọc gồm 14 bể lọc nhanh, mỗi bể có 03 lớp vật liệu lọc bao gồm: lớp sỏi, cát và than anthracite.
Với mục đích sử dụng hiệu quả tài nguyên nước, nước rửa lọc được hồi lưu về bể chứa nước sau rửa lọc để được bơm tuần hoàn về bể tiếp nhận.
Kích thước mỗi bể lọc: 12m x 11,2m x 4,6 m.
Diện tích lọc mỗi bể: 109 m2.
Tốc độ lọc trung bình: 8,6 m/h.
5. Bể tiếp xúc
Nước sau lọc được thu về mương chung rồi dẫn về bể tiếp xúc. Tại đây, nước sạch sẽ được châm dung dịch Clo để đạt nồng độ Clo dư từ 0,3-0,5 mg/l trước khi vào bể chứa.
6. Trạm bơm nước sạch
Trạm bơm nước sạch gồm 03 bơm ly tâm trục ngang có lưu lượng Q=6600 m3/h, cột áp H=55m, công suất P=1400 kW, điều khiển bằng biến tần.
Hệ thống chống va bằng bồn kết hợp khí nén.
7. Trạm xử lý bùn
Lượng bùn dư tại bể lắng LME sẽ được bơm về bể chứa bùn trung gian trước khi đưa vào trạm xử lý.
Trạm xử lý được trang bị 02 máy ép bùn ly tâm phục vụ cho giai đoạn 50% công suất nhà máy và 03 máy cho giai đoạn hoạt động 100% công suất. Công suất mỗi máy xử lý bùn là 15m3/h được điều khiển tự động; 02 trạm pha và châm polymer xử lý bùn, công suất mỗi trạm 03m3/h.
Bùn sau xử lý đạt độ khô 35% và được đơn vị chức năng thu gom và vận chuyển phù hợp với quy định môi trường.
8. Khu nhà hóa chất
Hệ thống châm phèn sắt gồm 04 bồn chứa, thể tích V=30 m3/bồn, 08 bơm màng định lượng công suất 20 – 150 l/h.
Hệ thống pha và châm vôi sữa gồm 01 silo vôi bột, thể tích V = 100 m3, 02 bồn tôi vôi V= 2 m3/bồn, 02 bồn vôi sữa V= 10 m3/bồn, 02 bơm vôi sữa công suất Q=30m3/h và 06 van châm vôi tự động.
Hệ thống châm Clo sau lọc công suất 10kg/h, hệ thống châm Clo trước hòa mạng công suất 20kg/h.
02 trạm pha và châm polymer xử lý nước, công suất mỗi trạm 3000 l/h, 08 bơm định lượng Q = 100 - 1000 l/h.
Hệ thống định lượng Fluoride gồm 02 bồn pha V= 03m3/bồn, 02 bơm định lượng có Q = 300 -3000 l/h.
9. Hệ thống điện
Trạm bơm nước thô Hóa An được cấp điện từ 02 tuyến cáp ngầm trung thế 22kV, 01 hoạt động và 01 dự phòng.
Trạm biến áp có 03 máy biến áp 22/6,6kV, 2500kVA cấp điện cho 3 bơm nước thô, 2 máy biến áp 22/0,4kV, 400kVA cấp điện cho phụ tải hạ thế.
Khu xử lý và trạm bơm nước sạch được cấp điện từ 02 tuyến cáp ngầm trung thế 22kV, 01 hoạt động và 01 dự phòng.
Trạm bơm nước sạch có 03 máy biến áp 22/6,6kV, 2000 kVA cấp điện cho 03 bơm nước sạch và 02 máy biến áp 22/0.4kV, 250 kVA cấp điện cho phụ tải hạ thế trạm bơm.
Khu xử lý có 02 máy biến áp 22/0,4kV, 1600 kVA cấp điện cho hệ thống xử lý nước và nhà hành chánh.