Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng trực tiếp trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh cho 16 tác giả, đồng tác giả hoặc người nhà tác giả với những văn nghệ sĩ đã qua đời.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng: Nhân dân rất cần sự dấn thân và lòng dũng cảm của văn nghệ sĩ - Ảnh 1.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng trao giải cho các tác giả và đại diện các tác giả nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Buổi trao tặng giải thưởng danh giá bậc nhất dành cho giới văn học, nghệ thuật - Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước - sáng 19-5 tại Nhà hát lớn Hà Nội diễn ra trang trọng và cảm động khi nhiều người xứng đáng đã được gọi tên.

"Mở rộng biên độ tự do sáng tạo hơn nữa"

Chủ tịch nước khẳng định Đảng ta coi văn học nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hóa, là nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người, là một trong những động lực to lớn, trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tư tưởng của xã hội và sự phát triển của con người Việt Nam.

Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, khuyến khích, biểu dương và tạo điều kiện để văn nghệ sĩ sáng tạo.

Chủ tịch nước nhấn mạnh sự đóng góp to lớn của văn nghệ sĩ vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng: Nhân dân rất cần sự dấn thân và lòng dũng cảm của văn nghệ sĩ - Ảnh 2.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng trao Giải thưởng Hồ Chí Minh cho đại diện gia đình nhạc sĩ Văn Ký - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Với văn nghệ sĩ, Chủ tịch nước một lần nữa khẳng định vai trò to lớn của giới này khi chia sẻ đất nước đang cần nhiều hơn nữa những tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật.

Đó là những tác phẩm phản ánh sinh động về thực tiễn xã hội, tầm vóc của công cuộc đổi mới ở mọi lĩnh vực, thúc đẩy đời sống dân chủ lành mạnh, phản ánh vẻ đẹp tâm hồn người Việt Nam và khát vọng dân tộc.

"Tổ quốc và nhân dân đang rất cần sự dấn thân và lòng dũng cảm của văn nghệ sĩ. Bằng tâm thế sáng tạo, trách nhiệm và tâm huyết với sự nghiệp chung…, các văn nghệ sĩ phải có bản lĩnh vững vàng và sự tỉnh táo vượt qua thách thức bên ngoài và vượt lên chính mình…", Chủ tịch nước nói.

Đảng và nhân dân tiếp tục tin tưởng, chờ đợi những tác phẩm văn học nghệ thuật mới ngang tầm với sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta, có giá trị bồi đắp phẩm chất con người mới, vun trồng các giá trị tốt đẹp…

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trao giải thưởng Nhà nước cho NSƯT Trần Ly Ly - quyền cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH 

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trao giải thưởng Nhà nước cho NSƯT Trần Ly Ly - quyền cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Song song đó, các cơ quan quản lý phải tiếp tục nhận thức sâu sắc vai trò của văn học nghệ thuật và văn nghệ sĩ, kịp thời tôn vinh, biểu dương văn nghệ sĩ có nhiều thành tựu, cống hiến cho đất nước.

Chú trọng phát triển môi trường dân chủ tôn trọng đặc trưng tự do trong sáng tạo nghệ thuật, mở rộng biên độ tự do sáng tạo hơn nữa, phát huy tài năng văn học nghệ thuật, chăm lo đời sống cho văn nghệ sĩ để họ có thể sống được với nghề bằng tài năng và sự cống hiến.

Bùi Trang Chước, Xuân Trình, Nguyễn Huy Thiệp được vinh danh

Năm nay, Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước được trao tặng, truy tặng cho 128 tác giả, đồng tác giả.

Trong đó có 16 tác giả, đồng tác giả được tặng, truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh; 112 tác giả, đồng tác giả được tặng, truy tặng Giải thưởng Nhà nước năm 2022.

  • Khóc cười với giải thưởng văn chương

    Khóc cười với giải thưởng văn chương

Trong 16 tác giả, đồng tác giả được tặng, truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, có nhạc sĩ Hồng Đăng, nhà nhiếp ảnh Chu Chí Thành với bộ ảnh Hai người lính, nhạc sĩ Văn Ký, nhà văn Bùi Hiển, họa sĩ Bùi Trang Chước (Nguyễn Văn Chước), nhà viết kịch Xuân Trình…

Họa sĩ Bùi Trang Chước sau hơn nửa thế kỷ cuối cùng đã được trả lại là đồng tác giả sáng tác mẫu Quốc huy Việt Nam, cùng họa sĩ Trần Văn Cẩn.

Nhà viết kịch Nguyễn Xuân Trình có nhiều tác phẩm kịch khiến người trong giới rất vị nể, nhưng đồng thời cũng khiến ông gặp bao lận đận buổi đầu bởi cái nhìn của một thời và bởi hoàn cảnh của đất nước lúc bấy giờ chưa cho phép.

Họa sĩ Nguyễn Phan Bách (trái) - trưởng nam của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp - nhận Giải thưởng Nhà nước được trao cho bố mình - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH 

Họa sĩ Nguyễn Phan Bách (trái) - trưởng nam của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp - nhận Giải thưởng Nhà nước được trao cho bố mình - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp được truy tặng Giải thưởng Nhà nước với truyện ngắn Tướng về hưu và tập truyện ngắn Những ngọn gió Hua Tát.

Trường hợp Giải thưởng Nhà nước được trao cho nhà văn hàng đầu của văn học Việt Nam thời đổi mới được chú ý nhất trong kỳ trao giải thưởng lớn này.

Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Bình Phương đặc biệt vui mừng trước giải thưởng cho tác giả Tướng về hưu.

Cuối cùng, nhà văn từng gặp nhiều khó khăn một thời vì những truyện ngắn dũng cảm phơi bày cái ác của con người trong một giai đoạn chuyển giao nhiều đứt gãy giá trị đã được Nhà nước ghi nhận bằng giải thưởng lớn.

Cùng nhận Giải thưởng Nhà nước còn có nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn, nhạc sĩ Nguyễn Văn Vĩnh (Thao Giang) nhạc sĩ Thụy Kha, nhà thơ Hoàng Trần Cương...

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng: Nhân dân rất cần sự dấn thân và lòng dũng cảm của văn nghệ sĩ - Ảnh 4.

Nhiếp ảnh gia Nguyễn Á là một trong những gương mặt trẻ nhận Giải thưởng Nhà nước lần này