Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, những khó khăn của thị trường bất động sản đang được tháo gỡ, nhất là các vướng mắc liên quan tới thủ tục đầu tư, nộp tiền sử dụng đất;...
Nền kinh tế đối mặt với nhiều thách thức
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, trong 5 tháng đầu năm 2023, kinh tế Việt Nam tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, các chỉ số tăng trưởng kinh tế chưa thể bứt phá.
Đơn cử, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) 5 tháng giảm 2% so với năm ngoái. Một số ngành công nghiệp chủ lực như dệt may, điện thoại, điện tử, chế biến gỗ, ô tô… tiếp tục giảm.
Du lịch có dấu hiệu chậm lại, khách quốc tế đến Việt Nam tháng 5 giảm 6,9% so với tháng trước, trong khi thiếu các giải pháp hiệu quả, quyết liệt để kiểm soát giá cả, chất lượng dịch vụ ăn uống, lưu trú, quảng bá, xúc tiến du lịch, kích cầu du lịch…, khắc phục “tính mùa vụ” trong hoạt động du lịch.
Cùng với đó, đầu tư xã hội, thu hút vốn đầu tư nước ngoài tuy đã có tín hiệu phục hồi, nhưng còn chậm. Vốn đầu tư nước ngoài thực hiện 5 tháng giảm 0,8% so với cùng kỳ năm 2022; vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vẫn giảm 7,3%, đặc biệt là vốn tăng thêm của các dự án đang triển khai giảm 59,4% so với cùng kỳ.
“Một số dự án đầu tư, dự án bất động sản lớn bị ngưng trệ, dừng đầu tư hoặc chậm triển khai”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Bên cạnh đó, kim ngạch xuất nhập khẩu, xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa dù đã phục hồi nhẹ trong tháng Năm, nhưng tính chung 5 tháng lần lượt giảm 14,7%, 11,6% và 17,9% so với cùng kỳ năm trước.
“Các thị trường xuất khẩu lớn là Trung Quốc, Hàn Quốc, ASEAN cần lưu ý khi tiếp tục giảm trong tháng Năm. Nhập khẩu tư liệu sản xuất 5 tháng giảm 18,2% so với cùng kỳ năm trước (4 tháng giảm 15,7%). Điều này cho thấy nhu cầu đầu vào sản xuất trong nước tiếp tục chậm lại”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Một khó khăn khác được Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chỉ ra, đó là các doanh nghiệp đang đối mặt với thách thức lớn để tồn tại, duy trì sản xuất - kinh doanh, chờ đợi cơ hội tích cực hơn từ thị trường.
Dù vậy, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng tiết lộ một số điểm sáng của nền kinh tế. Trong đó, các vấn đề tồn đọng, vướng mắc tiếp tục được tập trung tháo gỡ, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản bước đầu chuyển biến tích cực, giải ngân vốn đầu tư công được đẩy nhanh…
“Tất cả đã hỗ trợ tích cực, từng bước khơi thông dòng tiền cho doanh nghiệp, nâng cao khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tính đến ngày 19/5/2023, sau 2,5 tháng ban hành Nghị định số 08/2023/NĐ-CP, khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành là 25.500 tỷ đồng (chiếm 96,7% khối lượng phát hành từ đầu năm); một số doanh nghiệp đã đàm phán với nhà đầu tư để kéo dài kỳ hạn hoặc chuyển khoản nợ sang tài sản khác.
Trong khi đó, một số vướng mắc của dự án, doanh nghiệp bất động sản về thủ tục đầu tư, cấp giấy chứng nhận, nộp tiền sử dụng đất… đã được tháo gỡ. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong cải cách thủ tục hành chính.
“Giải ngân vốn đầu tư công đến 31/5 đạt trên 157.000 tỷ đồng, bằng 22,22% kế hoạch Thủ tướng giao, tương đương cùng kỳ năm 2022 (22,37%), nhưng số tuyệt đối cao hơn 41.000 tỷ đồng. Chúng ta đã đẩy một lượng vốn lớn ra nền kinh tế, hỗ trợ đầu ra cho nhiều ngành, lĩnh vực, giải quyết việc làm”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng báo cáo.
Mặc dù nhấn mạnh những điểm tích cực của nền kinh tế như vậy, song một cách thẳng thắn, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, do những khó khăn, thách thức chung của thế giới, sản xuất -kinh doanh, doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là về dòng tiền, thị trường và đơn hàng; nhiều dự án đầu tư, dự án bất động sản bị đình trệ, chậm triển khai…
“Đây là thách thức lớn, cần tập trung hỗ trợ, tháo gỡ để củng cố, thúc đẩy các xu hướng chuyển biến tích cực của nền kinh tế, tạo điều kiện phấn đấu thực hiện các mục tiêu tăng trưởng và phát triển năm 2023”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.