PNO - Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, trong đợt dịch này, Việt Nam đối mặt với sức ép lớn vì phải đảm bảo mục tiêu kép, không "bế quan tỏa cảng".
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ, công tác chống dịch trong giai đoạn này gặp sức ép lớn do phải đảm bảo mục tiêu kép - Ảnh VGP |
Ngày 11/8, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, đến nay Việt Nam đã trải qua 3 đợt dịch. Đợt đầu tiên khởi phát từ sát Tết Nguyên đán (ca bệnh nhập cảnh từ Trung Quốc) với tổng số 16 ca. Đợt 2, bắt đầu từ ngày 7/3, với ca bệnh xâm nhập từ người về từ châu Âu (bệnh nhân thứ 17) và lan ra hơn 124 ca trong cộng đồng. Tất cả các ca bệnh trong hai đợt này đều được chữa khỏi, không có người tử vong.
Sau gần 100 ngày không ghi nhận ca nhiễm mới trong cộng đồng, đợt dịch thứ ba bùng phát từ Đà Nẵng (từ ngày 25/7), và chỉ qua hơn 2 tuần đã có hơn 400 trường hợp bị lây nhiễm, 15 người tử vong.
Theo Phó thủ tướng, ngay từ khi dịch bệnh bắt đầu xâm nhập, Việt Nam đã xác định phương châm kiểm soát thật chặt để ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập qua đường biên giới và lực lượng trên tuyến đầu chính là Bộ đội biên phòng.
Đến đợt dịch thứ hai, bên cạnh việc tiếp tục quản lý chặt chẽ đường biên, Việt Nam tập trung kiểm soát người nhập cảnh qua đường hàng không.
Tuy nhiên, bước vào đợt dịch thứ ba, Việt Nam phải đối mặt với sức ép rất lớn: không thể "bế quan tỏa cảng" mà phải thực hiện mục tiêu kép trong trạng thái bình thường mới, vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Việt Nam phải đón các chuyên gia, nhà quản lý, lao động kỹ thuật cao là người nước ngoài vào làm việc.
Chính vì vậy, ngay sau khi ghi nhận ca nhiễm mới ở Đà Nẵng, Thường trực Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo không thể cứ xuất hiện 1 ca bệnh mới là đình chỉ mọi hoạt động, “đóng băng” cả một huyện, một tỉnh. Chủ trương phòng, chống dịch đợt này là phát hiện ở đâu, khoanh vùng ở đó, khoanh vùng nhỏ nhất có thể, bởi nếu tê liệt thì không phát triển được kinh tế, càng lâu dài càng nguy hiểm.
Phó thủ tướng một lần nữa nhấn mạnh, phương châm phòng, chống dịch của Việt Nam là: ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch. Đến bây giờ, phương châm này vẫn không thay đổi. Chiến lược của Việt Nam là chiến lược của nước còn nghèo, Việt Nam buộc phải ngăn chặn để hạn chế ít nhất các ca lây nhiễm trong cộng đồng.
Đến thời điểm hiện tại, dù Việt Nam đang phải tập trung khống chế đợt dịch thứ ba, dù đã có những bệnh nhân không qua khỏi, nhưng có thể nói, Việt Nam vẫn là một trong không nhiều nước chống dịch hiệu quả. Điều này đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và nhiều tổ chức, chuyên gia quốc tế ghi nhận.
Tới đây, dịch bệnh còn kéo dài, Việt Nam phải xác định tinh thần “sống chung với dịch”, Phó thủ tướng đề nghị lực lượng biên phòng phải tiếp tục động viên cán bộ, chiến sĩ tiếp tục bám chốt. Bên cạnh đó, lực lượng công an kiểm soát chặt chẽ những người xuất nhập cảnh cũng như những người cư trú trên địa bàn, đảm bảo các trường hợp nhập cảnh theo đúng quy định để có các biện pháp kiểm dịch. Cùng với đó, tăng cường kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn những trường hợp lợi dụng chính sách để đưa người nhập cảnh trái phép, nhất là tại các khu công nghiệp; điều tra, khởi tố, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này.