Thu phí vỉa hè gắn với hoạt động truyền thông đô thị
Lâu nay, khu vực trung tâm thành phố thường được ưu tiên cho các sự kiện truyền thông lớn, mang tính chất quảng bá, tạo hiệu ứng cũng như phục vụ nhu cầu tuyên truyền, quảng cáo của tổ chức, doanh nghiệp. Nếu nhìn ở phía truyền thông, trình diễn truyền thông (media spectacle) rất cần thiết cho việc xây dựng thương hiệu thành phố. Còn nếu nhìn ở góc độ đô thị học, trình diễn truyền thông cũng gắn với thiết kế đô thị (urban design, urban spectacle). Có thể hiểu như những kết nối qua lễ hội văn hóa truyền thống, lễ hội trái cây, áo dài, bánh mì.
Vậy chuyện thu phí vỉa hè, lòng đường và các khái niệm trình diễn truyền thông, thiết kế đô thị có liên quan gì với nhau, cách làm ra sao? Câu hỏi này dẫn đến một chủ trương lớn khác của TP HCM là quản lý hoạt động quảng cáo ngoài trời, trên không gian mạng đang được gấp rút nghiên cứu, lấy ý kiến để triển khai trong thời gian tới. Nếu biết được số liệu về dân số một khu vực, số lượng hàng quán, ngành nghề, lưu lượng xe và khách bộ hành thì việc kết hợp giữa thiết kế đô thị, quảng cáo trên màn hình và việc quy hoạch những điểm bán hàng thuận tiện, có cá tính với màu sắc, mã QR thanh toán và kết nối với hệ thống điều hành thông minh của thành phố thì chắc chắn đó sẽ là một bước tiến mới của dòng chảy đô thị.
Chúng ta chỉ có thể hiểu hồn cốt của một đô thị, hay nói đúng hơn là một đại đô thị trên từng bước chân trải nghiệm. Từng góc phố, con đường chỉ có thể đi vào ký ức du khách, người dân bằng những nét cá tính, những tấm ảnh lưu niệm hay món ăn đường phố quyến rũ qua hương vị, âm thanh và tấm lòng người dân thành phố. Đời sống trên mạng internet của TP HCM cũng sống động và thú vị qua biết bao hình ảnh, video, lời kể, câu chuyện. Nơi đây có cảnh trên bến dưới thuyền, góc phố có nét cổ kính xa xưa… Việc thu phí để tái đầu tư chính là trách nhiệm và gìn giữ những giá trị văn hóa cho mai sau.
Với khả năng tính toán hiện nay, dữ liệu có thể cho ta biết hằng năm việc thu phí này, nếu thành công sẽ đem lại cho thành phố khoảng 1.500 tỉ đồng cho tái đầu tư. Còn với ngành quảng cáo, một con số thống kê năm 2019 cho thấy doanh thu ngành này đạt hơn 51.000 tỉ đồng (bao gồm cả nội dung trên màn hình LED, LCD), trong đó doanh thu của quảng cáo trên các phương tiện truyền thông đại chúng đạt gần 14.000 tỉ đồng, quảng cáo trên internet đạt hơn 20.000 tỉ đồng và quảng cáo ngoài trời đạt gần 13.000 tỉ đồng. Riêng đối với các cơ quan truyền thông, dòng chảy sự kiện và các lễ hội văn hóa sẽ là nguồn cảm hứng, đề tài quanh năm cho nội dung truyền thông. Hơn thế nữa, nếu thành phố có thể nghiên cứu ứng dụng những công nghệ mới để dõi theo từng bước chân du khách và người dân nhằm cung cấp internet miễn phí kèm theo quảng cáo như S-wifi thì càng hay hơn. Công nghệ này cũng cho phép chúng ta xây dựng một không gian văn hóa Hồ Chí Minh trên mạng, mà bất cứ người dân, du khách nào cũng có thể truy cập, trước khi được điều hướng sang các nội dung truy cập khác.
Vỉa hè trên đường Võ Văn Ngân (TP Thủ Đức, TP HCM) bị chiếm dụng. Ảnh: ANH VŨ
. Luật sư TRẦN MINH HÙNG, Trưởng Văn phòng Luật sư Gia Đình, TP HCM:
Đấu thầu công khai mức giá cho thuê
Ở TP HCM, Hà Nội…, từ lâu đã có quy định cụ thể việc sử dụng vỉa hè nhưng tình trạng lấn chiếm vẫn tái diễn vì nhu cầu kinh doanh, buôn bán, đậu xe ở vỉa hè là rất lớn.
Nghiên cứu của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy khu vực kinh tế phi chính thức (bao gồm cả kinh tế vỉa hè) thu hút 11 triệu lao động trong tổng số 46 triệu lao động cả nước (tương đương 24%).
Cho thuê vỉa hè không là "cho thuê - thu tiền" mà cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để thay đổi tư duy sử dụng vỉa hè của người dân.
Với người bán hàng rong, cần quy hoạch, bố trí vị trí buôn bán tập trung theo hướng xã hội hóa, khuyến khích tư nhân tham gia đầu tư mặt bằng, không gian và thu phí phù hợp. Điều này bảo đảm được sinh kế và hạn chế nguy cơ tái lấn chiếm vỉa hè.
Các địa phương, quận, huyện cũng cần nghiên cứu, lấy ý kiến người dân trong thu phí sử dụng vỉa hè. Cần tính toán kỹ, theo dõi thực tế từ lúc chưa và đã cho thuê vỉa hè để thay đổi cho phù hợp với thực tế.
Để tránh trục lợi, mức giá cho thuê vỉa hè cần được đấu thầu công khai, minh bạch theo giá thị trường, quản lý bằng số hóa và mọi người có thể tìm kiếm thông tin dễ dàng.
Số thu được từ cho thuê vỉa hè, cần bỏ vào ngân sách thành phố để phục vụ tôn tạo lại lòng đường, vỉa hè. Đồng thời, cũng cần tính đến phương án phát triển bãi đậu xe, kết hợp thương mại, dịch vụ để giải quyết bài toán lâu dài.
Thu phí qua ứng dụng có sẵn
Thu phí sử dụng tạm thời vỉa hè cần có sự đồng thuận của người dân để có thể triển khai hiệu quả. Phân chia rạch ròi giữa không gian để kinh doanh, để xe và phần còn lại để đi bộ, phải làm sao cho hài hòa giữa mục đích giao thông đô thị và kinh tế thu phí. Cùng với đó, người đi đường có thể chụp lại và báo cáo qua ứng dụng điện thoại di động nếu người sử dụng lấn chiếm không gian.
Cần sử dụng thu phí qua ví điện tử, tận dụng những ứng dụng có sẵn như MoMo, Zalo Pay…, tránh phát triển phần mềm nhưng liên tục gặp lỗi như đã áp dụng trong thu phí đỗ ôtô, tránh xảy ra thất thoát nguồn thu trong quá trình thực hiện.
Các thủ tục đăng ký thuê lòng đường, vỉa hè cần đơn giản, minh bạch. Cần có những biện pháp căn cơ để tránh xảy ra tiêu cực trong việc cho thuê lòng đường, vỉa hè; tránh việc biến lòng đường, vỉa hè thành của riêng.
Thu phí vỉa hè khoa học, áp dụng công nghệ thông tin giúp không gian đô thị TP HCM văn minh hơn và giảm tỉ lệ người lao động bị mất việc, bớt được gánh nặng cho bộ máy quản lý nhà nước.
. Bạn đọc MAI TRANG:
Cần quy hoạch bài bản
Dự thảo đề án thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè của Sở Giao thông Vận tải TP HCM không chỉ để phát triển kinh tế vỉa hè, gìn giữ một nét văn hóa mà còn giúp giảm thiểu xung đột, bất mãn giữa người với người. Lợi ích và tiềm năng do kinh tế vỉa hè mang lại có thể thấy rõ.
Có ý kiến cho rằng kinh tế vỉa hè sẽ ngược chiều với đô thị văn minh. Nhưng đô thị văn minh không phải chỉ có cảnh đẹp, nhà đẹp, nó còn có sinh hoạt của con người. Mà sinh hoạt của con người thì biến đổi theo nhu cầu của con người hiện đại.
Vỉa hè phù hợp, thuận lợi nhất hiện nay phải giải quyết được 2 mục tiêu: Thứ nhất là cảnh quan, văn minh đô thị, người đi bộ; thứ hai là hỗ trợ hoạt động kinh tế của người dân trong bối cảnh thất nghiệp đang tăng, các hoạt động kinh tế đang khó khăn…
Vấn đề của TP HCM chính là quy hoạch để kinh tế vỉa hè phát triển phù hợp với mỹ quan và giao thông đô thị.
Tại các khu vực có vỉa hè rộng có thể cho phép tổ chức kinh doanh dưới sự quản lý chặt chẽ; những khu vực đông dân cư, tập trung trường học, bệnh viện, nhà máy có thể tổ chức kinh doanh theo giờ, cấm kinh doanh vào giờ cao điểm để không ảnh hưởng đến giao thông, đi lại của người dân. Trên cơ sở quy hoạch bài bản, tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức và bảo đảm điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm cho các hộ kinh doanh.
Cần có hướng dẫn cụ thể
Theo đại diện Phòng Quản lý đô thị quận 3, dự thảo đề án thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè đã được Sở Giao thông Vận tải TP HCM nghiên cứu kỹ; được khảo sát với các nhóm đối tượng khác nhau và có tham khảo mức thu phí ở các thành phố lớn là Hà Nội và Đà Nẵng. Ngoài ra, mức thu đã dựa trên thực tế giá đất của các tuyến đường trên địa bàn thành phố.
Tuy nhiên, cần có hướng dẫn thêm về cơ quan chủ trì thu phí. Bên cạnh đó, địa phương cũng cần được giữ lại số tiền thu phí này hoặc được giao lại một phần để phục vụ công tác duy tu, sửa chữa những đoạn đường hẻm, vỉa hè khác của quận.
Ngoài ra, quận 3 cũng đề xuất dự thảo bổ sung ngoài việc đóng phí sử dụng vỉa hè, lòng đường, người được cấp giấy phép sử dụng tạm phải có trách nhiệm sửa chữa, duy tu, bảo quản những vỉa hè, lòng đường được sử dụng. Nếu cá nhân, tổ chức vô trách nhiệm trong việc bảo quản vỉa hè, quận sẽ từ chối cấp phép.