Thông tin ban đầu, ngày 21-6, cơ quan công an tiếp nhận tin báo tố giác tội phạm từ một ngân hàng ở TP.HCM về việc Tâm có hành vi xâm nhập trái phép vào hệ thống thông tin tài chính ngân hàng này để thực hiện hành vi chiếm đoạt số tiền lớn.
Cùng ngày, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã khám xét khẩn cấp nhà Tâm, sau đó thực hiện bắt khẩn cấp.
Quá trình điều tra ban đầu xác định ngày 23-11-2022, Tâm mở tài khoản thanh toán tại ngân hàng này.
Ngày 23-5, Tâm đăng ký tài khoản qua ứng dụng của ngân hàng và cài đặt trên điện thoại di động, xác thực thông qua phương thức eKYC (hình thức định danh và xác thực khách hàng thông qua việc ứng dụng công nghệ để xác thực danh tính của khách hàng).
Hạn mức thanh toán qua ứng dụng điện tử của ngân hàng chỉ áp dụng đối với giao dịch không quá 100.000.000 đồng/ngày. Sau đó Tâm tiếp tục mở một sổ tiết kiệm online trên ứng dụng với trị giá 1 triệu đồng.
Theo quy định của ngân hàng, Tâm được cầm cố sổ tiết kiệm để vay online trên ứng dụng, số tiền tối đa 85%/trị giá của sổ tiết kiệm được cầm cố nhưng không vượt quá 2 tỉ đồng/lượt vay. Do đó với việc cầm cố sổ tiết kiệm 1 triệu đồng, Tâm chỉ vay được tối đa 850.000 đồng.
Tuy nhiên, để có tiền tiêu xài cá nhân, Tâm đã can thiệp trái phép vào hệ thống thông tin tài chính của ngân hàng, chỉnh sửa mã lệnh tài sản cầm cố là sổ tiết kiệm trị giá 1 triệu đồng thành trên 51.244 tỉ đồng.
Từ ngày 23-5 đến ngày 9-6, Tâm đã 7 lần thực hiện việc rút tiền từ hệ thống ngân hàng trên, chuyển về tài khoản của mình với tổng số tiền trên 10 tỉ 500 triệu đồng. Sau đó Tâm chuyển trả ngược hơn 500 triệu đồng, còn lại chiếm đoạt gần 10 tỉ đồng.
Tâm đã rút ra tiêu xài 6,5 tỉ đồng, còn khoảng 3,5 tỉ đồng chưa kịp rút thì bị ngân hàng phát hiện phong tỏa tài khoản, đồng thời trình báo cơ quan công an.
Khi bị bắt, Tâm nhận thức được hành vi vi phạm pháp luật và có đơn xin được phép khắc phục hậu quả từ nguồn tiền vay mượn của gia đình.
Hiện vụ việc đang được cơ quan công an tiếp tục mở rộng điều tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.