Logistics được xác định là một ngành dịch vụ quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam. Do vậy, Việt Nam sẵn sàng tăng cường hợp tác với các nước ASEAN để mở rộng và phát triển ngành logistics trên phạm vi toàn cầu và chuyển đổi theo hướng xanh, bền vững hơn.
Quản lý, theo dõi việc vận chuyển, hàng hóa qua camera. Ảnh: XUÂN QUỲNH
Quản lý, theo dõi việc vận chuyển, hàng hóa qua camera. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Ngày 15-7, tại TP Đà Nẵng, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) tiếp tục tổ chức Hội nghị giữa năm của Liên đoàn Giao nhận vận tải ASEAN (AFFA).

Tại hội nghị, các đại biểu đã cùng trao đổi, thảo luận về các chủ đề tạo thuận lợi cho vận tải xuyên biên giới; đào tạo nguồn nhân lực ngành logistics; phát triển bền vững và chuyển đổi số trong ngành logistics.

Việt Nam phát triển ngành logistics theo hướng xanh, bền vững hơn ảnh 1

Các đại biểu trao đổi bên lề hội nghị. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Ông Edwin Chee, Giám đốc điều hành SLP Việt Nam nhấn mạnh, vị trí chiến lược của Việt Nam là một trung tâm trung chuyển nổi bật ở châu Á. Việc tận dụng lợi thế này sẽ giảm đáng kể chi phí logistics cho doanh nghiệp. Do đó, Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư FDI và các nhà cung cấp dịch vụ logistics bên thứ ba (3PL) toàn cầu.

Theo ông Somsak Wisetruangrot, Chủ tịch Viện Đào tạo Logistics Liên đoàn Giao nhận Vận tải ASEAN (AFFA), hiện đã có một số Chính phủ đang rất tích cực hỗ trợ công tác đào tạo nhân lực logistics như Malaysia và Thái Lan, nhưng cũng có một số nước chưa thực sự chú trọng. Nếu Việt Nam muốn trở thành trung tâm vận tải và logistics mới của châu Á, Việt Nam cần tăng cường kết nối, chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức và tăng cường các khóa đào tạo, tập huấn trực tiếp hoặc trực tuyến để nâng cao chất lượng nhân lực ngành logistics trong thời gian tới.

Việt Nam phát triển ngành logistics theo hướng xanh, bền vững hơn ảnh 2

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Theo ông Trần Chí Dũng, Nhóm Phát triển bền vững và Chuyển đổi số, Liên đoàn Giao nhận Vận tải ASEAN (AFFA), thời gian gần đây, nhiều trường đại học ở Việt Nam mở ngành losgitics. Tuy nhiên một điều dễ nhận thấy, các giảng viên của các trường chưa có nhiều kinh nghiệm. Các giáo trình cơ bản khá giống nhau và thiếu thực tế. Vì vậy các trường cần xác định rõ các tiêu chuẩn cơ bản đối với đầu ra cho ngành losgitics. Đồng thời, cần thực tế hóa những chương trình đào tạo và ứng dụng mạnh mẽ về chuyển đổi số để các chương trình đó luôn sát với thực tiễn mang lại hiệu quả cao.

Bà Nguyễn Minh Hằng, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết, ngành logistics toàn cầu đang bước vào giai đoạn phục hồi, vượt qua khó khăn do dịch bệnh, xung đột trên thế giới. Nhờ nỗ lực lớn của các hiệp hội và doanh nghiệp, ngành logistics đã hạn chế được những tác động tiêu cực và dần dần phục hồi, với tốc độ tăng trưởng dự kiến là 4% năm 2023 và 3% năm 2024.

Việt Nam phát triển ngành logistics theo hướng xanh, bền vững hơn ảnh 3

Các đại biểu chụp hình lưu niệm. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Những năm gần đây, nền kinh tế Việt Nam đã trở thành một động lực tăng trưởng quan trọng trong kinh tế khu vực và đã lọt vào Top 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Dự báo năm 2028, GDP tính theo sức mua tương đương (PPP) của Việt Nam sẽ đứng thứ 20 trên thế giới.

“Logistics được xác định là một ngành dịch vụ quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam. Do đó, Việt Nam sẵn sàng tăng cường hợp tác với các nước ASEAN để mở rộng và phát triển ngành logistics trên phạm vi toàn cầu và chuyển đổi theo hướng xanh, bền vững hơn”, bà Hằng thông tin.