Thủ tướng chỉ đạo ngành ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, góp phần phục hồi nền kinh tế.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu ngành Ngân hàng tiếp tục hạ lãi suất cho vay để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp - Ảnh: VGP

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu ngành Ngân hàng tiếp tục hạ lãi suất cho vay để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp - Ảnh: VGP

Lãi suất cho vay vẫn còn cao

Phát biểu chỉ đạo hội nghị sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của ngành Ngân hàng hôm 15-7, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận những nỗ lực của ngành ngân hàng. 

Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành chủ động, linh hoạt các công cụ của chính sách tiền tệ như nghiệp vụ thị trường mở, lãi suất, tăng trưởng tín dụng. 

Từ đầu năm đến nay đã giảm liên tục 4 lần lãi suất điều hành. Đến nay lãi suất tiền gửi bình quân còn 5,8%/năm và lãi suất cho vay bình quân còn 8,9%/năm. Mức giảm tương ứng giảm 0,7% và giảm 1%, so với cuối năm 2022. 

Điều hành tỉ giá linh hoạt, phù hợp; bảo đảm ổn định thị trường tiền tệ, tỉ giá, ngoại hối, trong khi nhiều nước tiếp tục thắt chặt tiền tệ và nâng lãi suất điều hành.

Bên cạnh kết quả đạt được, Thủ tướng cho rằng hoạt động của ngành ngân hàng còn những hạn chế, bất cập. Mặt bằng lãi suất, đặc biệt là lãi suất cho vay vẫn còn cao. Dư nợ tín dụng tăng thấp, nhiều doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận tín dụng mới. 

Nợ xấu tiếp tục được xử lý, nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Tiến độ xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém còn chậm. Công tác nắm bắt, dự báo tình hình chưa sát; việc giải quyết khó khăn, vướng mắc của người dân, doanh nghiệp có lúc, có nơi còn chậm, chưa kịp thời… 

Vốn là vấn đề sống còn của doanh nghiệp, cho vay là hoạt động sống còn của ngân hàng

Để góp phần giải quyết kịp thời khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, Thủ tướng nhấn mạnh ngân hàng là huyết mạch của nền kinh tế, mạch máu có lưu thông tốt hay không chính là do hiệu quả hoạt động của ngành ngân hàng và vai trò điều tiết của Ngân hàng Nhà nước. 

Do đó, chính sách tiền tệ phải được điều tiết nhanh chóng, kịp thời, linh hoạt, hiệu quả.

Bản thân các ngân hàng thương mại cũng là doanh nghiệp. Mặt khác, ngân hàng và doanh nghiệp có mối quan hệ "cộng sinh", "nhân quả" nên phải đặt mình vào địa vị của người khác để lắng nghe, chia sẻ nhiều hơn. 

"Nguồn vốn là vấn đề "sống còn" của doanh nghiệp, cho vay là hoạt động "sống còn" của ngân hàng, trong khi khách hàng chủ yếu của ngân hàng là doanh nghiệp. 

Đây là mối quan hệ cộng sinh cùng có lợi, nên cần phải được thực hiện theo cơ chế thị trường trên cơ sở nguyên tắc bảo đảm lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ" - Thủ tướng nhấn mạnh

Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tập trung điều hành tăng trưởng dư nợ tín dụng với cơ cấu hợp lý, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế; hướng nguồn vốn tín dụng vào sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng.

Đặc biệt, người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo tiếp tục có những giải pháp quyết liệt để giảm mặt bằng lãi suất, nhất là giảm lãi suất cho vay. Xác định hạn mức tăng trưởng tín dụng phù hợp với tình hình thực tiễn.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước rà soát các điều kiện, tiêu chí cho vay để điều chỉnh phù hợp, thuận lợi hơn, bảo đảm tăng khả năng tiếp cận tín dụng của người dân, doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đẩy mạnh triển khai thực hiện gói tín dụng 40.000 tỉ đồng hỗ trợ lãi suất và 120.000 tỉ đồng cho vay nhà ở xã hội.

Đối với các tổ chức tín dụng, Thủ tướng yêu cầu tiết giảm chi phí, cắt giảm các loại phí để giảm lãi suất cho vay; rà soát, điều chỉnh điều kiện, tiêu chí cho vay, cắt giảm, đơn giản hóa, công khai, minh bạch thủ tục cho vay để tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho khách hàng.