Giá giảm thêm, ngành tôm chưa hết khó khăn
Theo tin tức từ người nuôi tôm phía Nam, giá tôm thẻ chân trắng bán ra tại hồ hiện ở mức trên dưới 77.000 đồng/kg (loại 100 con/kg), 80.000 - 85.000 đồng/kg (70-80 con/kg), 86.000 - 115.000 đồng/kg (30-60 con/kg), 120.000 - 165.000 đồng/kg (20-25 con/kg).
Mức giá trên giảm 4.000 - 6.000 đồng/kg so với khoảng nửa tháng trước đó, và giảm khoảng 20.000 - 30.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái.
Giá tôm bán ra như vậy là ở mức thấp nhưng giá thành đầu tư cao khiến nhiều nông dân có nguy cơ bị thua lỗ nặng nếu vụ nuôi không đạt năng suất, gặp rủi ro dịch bệnh.
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 15-7, ông Trương Đình Hòe, tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, cho rằng giá tôm ở mức thấp kéo dài trong nhiều tháng qua chủ yếu do nhu cầu tiêu thụ ở các thị trường lớn như Mỹ, EU... vẫn còn khá chậm, trong khi đó nguồn cung tôm trên thế giới nhìn chung ổn định, thậm chí có xu hướng tăng.
"Ấn Độ, Việt Nam, Indonesia, Ecuador... là những quốc gia xuất khẩu tôm hàng đầu thế giới, nếu nguồn cung những nước này giảm, thêm doanh nghiệp tăng mua tôm để dự trữ phục vụ cho nhu cầu cuối năm, thì giá mặt hàng này có thể khởi sắc. Tuy nhiên, mức giá khả năng khó tăng cao trở lại trong các tháng tới, khó khăn cho ngành tôm được dự báo vẫn còn", ông Hòe nhận định.
UBND TP.HCM chỉ đạo siết chặt, không cấp phép lái xe cho người nghiện ma túy
UBND TP.HCM vừa chỉ đạo các đơn vị triển khai các biện pháp cụ thể để phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong đào tạo, sát hạch và cấp đổi giấy phép lái xe trên địa bàn TP.HCM.
Trong đó, Sở Giao thông vận tải TP.HCM chủ trì phối hợp sở ngành liên quan, Công an TP.HCM, chính quyền từng địa phương lên kế hoạch triển khai.
Đặc biệt, Sở Y tế TP.HCM phối hợp Sở Giao thông vận tải TP.HCM yêu cầu cơ sở y tế khám sức khỏe cho người lái xe có cơ chế kiểm soát chặt chẽ, không cấp giấy phép lái xe cho người nghiện ma túy, người không đủ năng lực, hành vi, sức khỏe.
Ngoài ra, các đơn vị khẩn trương rà soát, ưu tiên bố trí tăng cường công chức, nhân sự quản lý đào tạo, sát hạch lái xe đảm bảo đáp ứng yêu cầu trên địa bàn TP.HCM.
500 gian hàng tham gia triển lãm về công nghệ, thiết bị điện và năng lượng
Từ ngày 19 đến 21-7, tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (Q.7, TP.HCM) sẽ diễn ra Triển lãm quốc tế lần thứ 16 về công nghệ và thiết bị điện - Vietnam ETE 2023 và Hội chợ triển lãm quốc tế lần thứ 13 công nghệ sản phẩm tiết kiệm năng lượng và năng lượng xanh - Enertec Expo 2023.
Sự kiện dự kiến có sự tham gia của khoảng 500 gian hàng đến từ đông đảo doanh nghiệp trong nước và quốc tế.
Theo đó, lĩnh vực trưng bày bao gồm: thiết bị và hệ thống phát điện; thiết bị và hệ thống truyền tải điện; công nghệ và thiết bị điện thông minh; công nghệ và thiết bị chiếu sáng; thiết bị điện dân dụng; thiết bị tự động và điều khiển; năng lượng tái tạo và năng lượng xanh...
Trong khuôn khổ triển lãm, hàng loạt sự kiện chuyên ngành đồng thời được tổ chức như hội thảo chuyên ngành; diễn đàn đối thoại giữa các doanh nghiệp với các đại diện cơ quan quản lý nhà nước; hoạt động tham quan thực tế tại các doanh nghiệp...
Đề xuất tăng lương tối thiểu cho lao động đi làm việc châu Âu, châu Mỹ...
Đó là điểm nổi bật của dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của thông tư 21/2021 của bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Dự thảo đề xuất quy định lao động làm việc tại châu Âu có hợp đồng từ 1 năm trở lên nhận lương cơ bản 600 USD/tháng trở lên. Lao động có hợp đồng từ 6 tháng đến dưới 1 năm nhận lương cơ bản từ 800 USD/tháng trở lên (mức cũ quy định chung lương cơ bản 500 USD/tháng trở lên).
Việc tăng lương này nhằm bù đắp chi phí cho lao động và lương cơ bản nhiều nước đã bằng hoặc cao hơn 600 USD/tháng trừ Nga (213,53 USD/tháng), Bulgaria (398,8 Euro/tháng).
Ở châu Mỹ, lao động có hợp đồng từ 1 năm nhận lương cơ bản từ 500 USD/tháng. Trường hợp làm 6 tháng đến dưới 1 năm nhận lương cơ bản từ 800 USD/tháng. Ở các thị trường này, nếu nước tiếp nhận có lương tối thiểu cao hơn các mức lương cơ bản thì áp dụng theo quy định của nước sở tại.
Tại châu Đại Dương, lao động cũng hưởng lương cơ bản không thấp hơn mức tối thiểu của nước tiếp nhận. Chẳng hạn năm 2023, lương tối thiểu ở Úc là 21,38 đô la Úc/giờ và 3.762,9 đô la Úc/tháng nếu làm 22 ngày công, 5 ngày/tuần, 8 tiếng/ngày. Mức tối thiểu ở New Zealand là 22,7 đô la New Zealand/giờ hoặc 2.261,942 đô la New Zealand/tháng.
Đối với thị trường Đài Loan, tiền lương cơ bản không thấp hơn 20.000 Đài tệ/tháng do Đài Loan tăng lương cơ bản từ tháng 5-2022. Mức cũ là 17.000 Đài tệ/tháng.
Thuyền viên tàu cá xa bờ làm việc trên biển quốc tế, lương cơ bản không thấp hơn quy định của Liên đoàn Công nhân vận tải quốc tế - ITF và nước tiếp nhận (từ năm 2023 ITF quy định lương cơ bản cho thuyền viên đi lần đầu là 490 USD, thuyền viên có kinh nghiệm 658 USD/tháng, mức cũ là 400 và 450 USD/tháng).
27 người đứng đầu bị kết luận thiếu trách nhiệm, để xảy ra tham nhũng
Theo Thanh tra Chính phủ, đối với công tác phòng, chống tham nhũng, trong 6 tháng đầu năm 2023, ngành thanh tra tiếp tục hướng dẫn, đôn đốc các ngành, các cấp thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng.
Kết quả kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, giải quyết khiếu nại, xử lý tố cáo, phòng chống tham nhũng được công bố, công khai theo đúng quy định của pháp luật. Các bộ, ngành, địa phương kiểm tra tại 7.700 cơ quan, tổ chức, đơn vị về công khai, minh bạch, phát hiện 374 đơn vị vi phạm.
Trong kỳ báo cáo có 27 người đứng đầu bị kết luận là thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, đã xử lý kỷ luật 18 người.
Tổng số vụ việc tham nhũng phát hiện được là 49 vụ, 72 người. Trong đó, qua hoạt động kiểm tra nội bộ phát hiện 7 vụ, 14 người.
Qua hoạt động thanh tra, kiểm tra đã phát hiện 26 vụ, 45 người; qua giải quyết khiếu nại, tố cáo phát hiện 13 vụ, 13 người liên quan đến tham nhũng.