Mùa thu hoạch, trong những lô cao su của các nông trường thuộc Công ty TNHH MTV Cao su Chư Mom Ray rộn ràng tiếng nói cười của công nhân.

 

Nằm trên địa bàn huyện Huyện Ia H'Drai, tỉnh Kon Tum, những vườn cao su của Công ty TNHH MTV Cao su Chư Mom Ray nằm cạnh dòng sông Sê San, tạo nên một mảng xanh khổng lồ xen kẽ giữa rừng và mặt nước trên đại ngàn Tây Nguyên.

 

Tháng 5/2007, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam thành lập Công ty TNHH MTV Cao su Chư Mom Ray để phát triển cao su tại vùng biên giới giáp với Vương quốc Campuchia.

 

Qua hơn 15 năm xây dựng và phát triển, Công ty đã trồng được khoảng 5.200ha cao su phát triển tốt, giải quyết việc làm cho hơn 1.100 người.

 

Trong đó, người dân tộc thiểu số là 831 người, chiếm 74% tổng số người lao động, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mường, Thái, Tày, Nùng... ở một số tỉnh phía Bắc vào lập nghiệp trên địa bàn huyện Ia H’Drai.

 

Từ năm 2015 đến nay, vườn cây của công ty bước vào khai thác, diện tích, sản lượng tăng qua từng năm; là một trong những đơn vị thuộc Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam trên địa bàn Tây Nguyên có năng suất, sản lượng cao.

 

Mức thu nhập của người lao động có những bước nhảy vọt, luôn bằng hoặc cao hơn mặt bằng chung của các đơn vị sản xuất, kinh doanh cao su trên địa bàn; đời sống, vật chất, tinh thần của người lao động được cải thiện đáng kể.

 

Năm 2022, vườn cây của Công ty TNHH MTV Cao su Chư Mom Ray đạt năng suất bình quân toàn công ty khoảng 1,9 tấn/ha, trở thành đơn vị tiếp theo trên vùng Tây Nguyên gia nhập CLB 2 tấn của VRG.

 

Cụ thể, trong năm 2022, công ty khai thác được hơn 8.300 tấn mủ, đạt trên 111% kế hoạch, vượt hơn 800 tấn, về đích sớm hơn 30 ngày. Năng suất bình quân toàn công ty đạt 1,93 tấn/ha, trong đó có Nông trường cao su số II đạt năng suất bình quân 2,2 tấn/ha và nhiều tổ sản xuất đạt năng suất trên 2 tấn/ha.

 

Sáng nào cũng vậy, từ khoảng 3h sáng, Hà Thị Hồng (giữa) đã nai nịt gọn gàng, chong đèn lên vườn cây cao su thuộc Nông trường cao su số III. Là nữ công nhân có tay nghề cao trong đội, Hồng luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức kỷ luật trong công việc hàng ngày. Trên nông trường, sau giờ cạo mủ, lúc nào cũng dễ dàng bắt gặp vẻ mặt rạng rỡ, tiếng cười nói rộn ràng của Hồng và các anh chị em công nhân khác.

 

Quê Thanh Hóa vào Kon Tum lập nghiệp, Hồng chính thức là thành viên gia đình cao su cách đây 4 năm. Sau những bỡ ngỡ ban đầu, chị ổn định cuộc sống, với thu nhập hiện khoảng 9 triệu đồng/tháng. “Nghề này cho mình thu nhập ổn định, có tiền lo cho con cái ăn học”, chị Hồng nói.

 

Trao đổi với anh Vũ Hữu Hớn, Giám đốc Nông trường Cao su số III, chúng tôi được biết, những gia đình có cả hai vợ chồng cùng làm cao su như nhà chị Hồng khá nhiều. Sau khoảng 3 - 4 tiếng làm việc đầu sáng, công nhân sẽ có thời gian tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế hộ gia đình.