Ở huyện mới Ia H’Drai, những khu dân cư mới thành lập, quây quần, sum tụ trên các xã vùng biên, được những cánh rừng cao su 20 năm tuổi chở che, bao bọc.

Được thông báo có khách tới thăm nhà, chị Hà Thị Lận (SN 1988), nữ công nhân xuất sắc của Nông trường cao su Suối Cát (Công ty Cao su Sa Thầy) bỗng trở nên bối rối. Chị là gương mặt điển hình, được nhận nhiều bằng khen của Công đoàn Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Công ty Cao su Sa Thầy, bằng khen của tỉnh Kon Tum, của huyện Ia H’Drai, đang được bồi dưỡng kết nạp Đảng để tham gia công tác phụ nữ của xã Ia Dom…

Giấc mơ Ia H’Drai

Tết năm 2011 sẽ là cái tết không thể quên của đôi vợ chồng trẻ Lò Văn Dựa (người Thái, sinh năm 1987) và Hà Thị Lận (cô gái Mường, sinh năm 1988) ở đất Quan Sơn (tỉnh Thanh Hóa).

Hà Thị Lận, nữ công nhân xuất sắc của Nông trường Suối Cát (Công ty Cao su Sa Thầy, huyện Ia H'Drai). Ảnh: Kiên Trung.

Hà Thị Lận, nữ công nhân xuất sắc của Nông trường Suối Cát (Công ty Cao su Sa Thầy, huyện Ia H'Drai). Ảnh: Kiên Trung.

Số là, bà con họ hàng của anh Dựa, chị Lận làm công nhân Công ty Cao su Sa Thầy (huyện Ia H’Drai, tỉnh Kon Tum) về quê ăn Tết sau mấy năm xa nhà. Trong bữa cơm sum họp đầm ấm đầu năm, Lận và Dựa được nghe kể chuyện về một công ty cao su đang tuyển công nhân, được ký hợp đồng dài hạn, có chế độ chính sách, được đóng bảo hiểm, sau này hết tuổi lao động sẽ có sổ lương hưu dưỡng già. Chưa hết, công ty còn cho đất ở, hỗ trợ tiền làm nhà… Một điều như mơ đối với cặp vợ chồng trẻ đang vật lộn mưu sinh trên vùng quê nghèo miền Tây Thanh Hóa…

Nhưng lúc ấy, thâm tâm của vợ chồng Lận vẫn phân vân chia làm hai nửa. Từ nhỏ tới giờ, Lận chưa bao giờ bước ra khỏi vùng núi bạt ngàn tre luồng, mảnh nương trồng cấy theo mùa, lúc nông nhàn vào rừng hái măng về làm măng khô đem bán, rồi đi làm thuê, làm mướn… Sau này nhận khoán chăm sóc rừng, mỗi ha được nhận vài trăm ngàn đồng/năm. Cuộc sống bấp bênh lấy ngắn nuôi dài, làm được đồng nào nhẵn quẹn đồng ấy, cứ ráo mồ hôi là hết tiền, không có thu nhập ổn định.

Căn nhà đơn sơ của vợ chồng anh Dựa, chị Lận chật kín bằng khen của hai vợ chồng. Ảnh: Duy Học.

Căn nhà đơn sơ của vợ chồng anh Dựa, chị Lận chật kín bằng khen của hai vợ chồng. Ảnh: Duy Học.

Lên Kon Tum làm công nhân cao su như câu chuyện của người họ hàng kể, Lận không tin là sự thật, ngỡ đó là một giấc mơ ngoài tầm tay với. Hai vợ chồng nông dân, chưa biết gì về cây cao su, chưa biết cạo mủ, lại không có bằng cấp, không có kỹ năng nghề…, làm sao được công ty nhận?

Cái khó nữa, đó là hai đứa con đỏ hỏn còn đang lẫm chẫm, cả nhà bồng bế nhau vào vùng đất mới, cứ hiểu nôm na là “đi khai hoang”, lấy ai trông nom, chăm bẵm? Mà nếu có được nhận, liệu có làm được hay không? Trong khi đó, ở vùng quê miền núi nghèo khổ như quê Lận, vào được biên chế, nếu không có tiền chạy việc, thì cũng cần người quen dẫn dắt…

Những lo lắng ấy cứ dày vò khiến cô gái Mường Hà Thị Lận mất ăn mất ngủ. Chồng Lận, anh Lò Văn Dựa - chàng trai người Thái hiền lành, chăm chỉ, nhưng cũng băn khoăn, lo lắng như vợ. Sau mấy đêm mất ngủ, Dựa động viên vợ quyết tâm lên đường. Hai đứa trẻ để lại quê cho ông bà nuôi, đôi vợ chồng khăn gói vào Sa Thầy, vào với giấc mơ có tên “cây cao su” mà chưa bao giờ Lận được nhìn thấy ngoài đời nó như thế nào. Cao su Sa Thầy đón Hà Thị Lận, Lò Văn Dựa như thế…

Anh Lò Văn Dựa sắm một chiếc công nông để chở hàng thuê cho bà con, được nông trường ưu ái thuê chở phân bón cao su để vợ chồng anh có thêm thu nhập. Ảnh: Duy Học.

Anh Lò Văn Dựa sắm một chiếc công nông để chở hàng thuê cho bà con, được nông trường ưu ái thuê chở phân bón cao su để vợ chồng anh có thêm thu nhập. Ảnh: Duy Học.

“Thời gian đầu buồn lắm, nhớ nhà, nhớ con, em chỉ muốn bỏ về thăm con. Nhưng lại nghĩ, đã quyết tâm đi thì phải làm bằng được. Bỏ việc ngang chừng thấy có lỗi với bao người, nhất là nơi đã mở rộng cửa đón mình”, Lận kể về câu chuyện 12 năm trước.

Ngôi nhà thưng gỗ của vợ chồng Lận dựng trên ô đất Công ty Cao su Sa Thầy cấp cho công nhân, đúng như câu chuyện người họ hàng nói trong bữa cơm đầu năm, bề rộng 10m, chạy sâu 50m, đẹp đẽ và vuông vắn. Sau nhà, anh Dựa đã bỏ công khai khẩn, vỡ được một khoảng đất ở khu đồi dốc để trồng điều. Vườn điều sau gần chục năm đã sum suê. Dựa làm thêm khu chuồng heo thả hai con heo nái sinh sản, mỗi năm bán mấy lứa heo giống. Thêm con gà, con vịt chạy nhông nhông, có thêm cái ăn tươi…

Quốc lộ 14C làm mới, thảm nhựa đẹp đẽ chạy qua vùng biên, đánh thức huyện mới Ia H’Drai. Nhà Lận thành đất mặt đường. Cả khu dân cư của xã Ia Dom gồm ba thôn, hầu hết đều quần cư bám theo quốc lộ bỗng trở nên sáng bừng…

Hạnh phúc thường nhật của nữ công nhân 'giỏi việc công ty, đảm việc nhà' Hà Thị Lận. Ảnh: Kiên Trung.

Hạnh phúc thường nhật của nữ công nhân "giỏi việc công ty, đảm việc nhà" Hà Thị Lận. Ảnh: Kiên Trung.

Giám đốc Nông trường cao su Suối Cát, anh Hoàng Văn Nguyên, trên đường dẫn chúng tôi từ nông trường lên thăm nhà cô công nhân xuất sắc nhất của mình có tên Hà Thị Lận, khoe: “Vợ chồng nhà này đang có kế hoạch xây nhà, tiền nong đã chuẩn bị cả, nhưng còn đang đợi vì chưa được tuổi. Ở Nông trường Suối Cát, cô Lận là điển hình xuất sắc, giỏi việc công ty, đảm việc nhà, lại tham gia nhiệt tình công tác xã hội, hai vợ chồng đều làm kinh tế giỏi”.

Tận thấy những điều anh Nguyên nói, chúng tôi cũng thấy râm ran một niềm xúc động trước hạnh phúc của vợ chồng anh Dựa. Trong ngôi nhà nhỏ nhưng sạch sẽ, ngăn nắp, Lận líu ríu pha trà mời khách. Bên cạnh, gần chục bao tải cám được chất thành đống, là thức ăn trữ sẵn cho đàn heo sau nhà.

 
Bằng quyết tâm và tình yêu cây cao su, Hà Thị Lận cùng chồng, con đã hái được quả ngọt trên vùng đất mới, đã chạm tay vào giấc mơ Ia H'Drai sau hơn chục năm dời quê lên Kon Tum lập nghiệp. Ảnh: Kiên Trung.

Bằng quyết tâm và tình yêu cây cao su, Hà Thị Lận cùng chồng, con đã hái được quả ngọt trên vùng đất mới, đã chạm tay vào giấc mơ Ia H'Drai sau hơn chục năm dời quê lên Kon Tum lập nghiệp. Ảnh: Kiên Trung.

“Nông trường hầu hết đều là những công nhân ngoại tỉnh như chúng em, vào Sa Thầy quãng đầu năm 2011. Chị em người Thái, người Mường đã tập hợp thành lập đội văn nghệ, các sự kiện mặc trang phục lễ hội người Mường, người Thái, biểu diễn trong các hội thi của công ty, của huyện, của tỉnh. Các anh đang động viên chúng em mang khung cửi vào để thành lập làng nghề thổ cẩm. Phụ nữ người Thái, người Mường ai cũng biết xòe, biết dệt thổ cẩm, nên cũng sớm thôi”, Hà Thị Lận nói về những dự định tươi vui, gương mặt xinh xắn, trắng trẻo của em trong chốc lát bỗng nhiên ửng hồng.

Tôi nhìn lên vách tường gỗ ở chính giữa ngôi nhà, những bằng khen, giấy khen của vợ chồng Lận, nhiều nhất là của Lận, treo chật kín tới mức không còn chỗ, một chồng giấy khen khác phải bọc trong túi ni lông, xếp trên chiếc lộc bình gỗ mà anh Dậu mới đưa từ quê Quan Sơn ra với dụng ý sẽ trang trí cho ngôi nhà mới.

Ngôi nhà mới khang trang của công nhân Nông trường Suối Cát (Công ty Cao su Sa Thầy) trên xã Ia Dom của huyện mới Ia H'Drai. Ảnh: Kiên Trung.

Ngôi nhà mới khang trang của công nhân Nông trường Suối Cát (Công ty Cao su Sa Thầy) trên xã Ia Dom của huyện mới Ia H'Drai. Ảnh: Kiên Trung.

Lên Sa Thầy được vài năm, khi cuộc sống đã tạm ổn định, vợ chồng Lận đón hai đứa con lên ở cùng. Vèo cái, thằng bé lớn năm nay lên lớp 9, cao lênh khênh hơn bố một cái đầu. Con bé thứ hai hết hè vào lớp 3, đen trùi trũi và mạnh khỏe như một bé gái Jrail, Bahnar, Êđê… chính hiệu.

Anh Dậu ngoài việc chăm sóc, cạo mủ 2.000 cây cao su nhận khoán của nông trường còn sắm thêm một chiếc xe công nông chở thuê cho bà con trong xã. Nông trường ưu ái dành việc chở phân đạm bón vườn cao su cho vợ chồng Lận. Hà Thị Lận là một trong số rất nhiều những công nhân từ ngoại tỉnh đến Tây Nguyên làm cao su, sớm có cuộc sống ổn định trong vùng đất mới.

Quần cư ở Ia Tơi

Khu dân cư 41 của xã Ia Tơi (huyện Ia H’Drai) là khu dân cư mới lập chừng 6 năm tuổi. Thế mà nơi đây đã có gần 50 nóc nhà quần cư dọc con đường trổ từ ngã ba trung tâm xã, an ninh vững vàng hơn nhờ trụ sở công an xã đứng chốt ngay đầu con đường vào thôn.

Khu dân cư số 41, xã Ia Tơi - nơi tập trung 50 mái nhà của công nhân nông trường Mom Ray 4 (Công ty Cao su Chư Mom Ray). Ảnh: Kiên Trung.

Khu dân cư số 41, xã Ia Tơi - nơi tập trung 50 mái nhà của công nhân nông trường Mom Ray 4 (Công ty Cao su Chư Mom Ray). Ảnh: Kiên Trung.

Một cây bơ bẽn lẽn đứng bên mé con đường đất còn đỏ hỏn, dấu hiệu cho thấy nó mới được trồng dăm năm trở lại đây, khi có con người đến sinh cơ, lập ấp. Chỉ chục năm nữa, nó sẽ vụt trở thành một cái cây cường tráng, rồi theo thời gian, nó sẽ là cây cổ thụ ở vùng đất mới, xúm xít xung quanh là những khu dân cư đông đúc, bình yên.

Kể từ lúc Võ Công Mỹ (SN 1988, người Bình Định), giám đốc Nông trường Mo Ray 4 (Công ty Cao su Chư Mom Ray) điện thoại gọi chị em đến nhà Vi Văn Dự - công nhân của nông trường đón khách, mươi phút sau, hơn chục công nhân đã có mặt. Tiếng cười nói râm ran giữa chiều hè.

Vi Văn Dự có lẽ là người vui nhất, bởi ngoài ngôi nhà mới vừa hoàn thiện, bên hông nhà, một chiếc xe máy mới coóng vừa dắt về còn chưa kịp lắp biển. Đồng nghiệp cũng là hàng xóm cùng khu dân cư 41 của Dự, hầu hết mọi người đều đi xe máy cũ, có những chiếc xe chỉ có mỗi bộ khung, là phương tiện di chuyển từ nhà đến các lô cao su mà họ nhận khoán chăm sóc, cạo mủ… hàng ngày. Cho nên, những ánh mắt khi nhìn vào chiếc xe chưa “bóc tem” của Dự, có những ánh nhìn gần như ghen tị.

Cuộc gặp mặt đầu giờ chiều của những công nhân đến từ vùng Quan Hóa (tỉnh Thanh Hóa) lập nghiệp trên đất mới Ia H'Drai, tỉnh Kon Tum. Ảnh: Kiên Trung.

Cuộc gặp mặt đầu giờ chiều của những công nhân đến từ vùng Quan Hóa (tỉnh Thanh Hóa) lập nghiệp trên đất mới Ia H'Drai, tỉnh Kon Tum. Ảnh: Kiên Trung.

“Em mua trả góp, 22 triệu đồng đó anh”, Dự khoe. “Chừng nào khao xe mới, nhớ mời cả khu đến dự nha”, anh Mỹ nhìn Dự cười.

Nông trường Mom Ray 4 do anh Võ Công Mỹ quản lý có diện tích 1.375ha, trong đó phần lớn là diện tích cao su đang khai thác mủ, với 236 công nhân, giao khoán mỗi người phụ trách lô 2.000 cây, vừa chăm sóc vừa cạo mủ. Mỗi tháng, dựa trên sản lượng mủ, mỗi công nhân thu nhập trên dưới 7 triệu đồng. Thời kỳ cao điểm, giá mủ cao su cao, thu nhập có thể lên tới hơn chục triệu đồng.

Công nhân nông trường Mom Ray 4 hầu hết là bà con người Mường, người Thái ở Quan Hóa (Thanh Hóa) “đầu quân” từ năm 2011, nhiều người trước đó đã làm cao su ở các tỉnh khác, nhiều người ở quê được bạn bè đi trước giới thiệu dẫn dắt nhau lên làm công nhân. Cho nên, rất nhanh, xóm người Mường, người Thái vùng Quan Hóa - Bá Thước trên đất mới Kon Tum đã sớm ổn định, đi vào nền nếp.

Phải hiểu được Ia H'Drai là huyện mới, diện tích lớn hơn diện tích tự nhiên của tỉnh Thái Bình nhưng dân số mới chỉ gần bằng một xã dưới đồng bằng mới thấy được, những khu dân cư quần tụ, những nếp nhà trên đất mới...

Phải hiểu được Ia H'Drai là huyện mới, diện tích lớn hơn diện tích tự nhiên của tỉnh Thái Bình nhưng dân số mới chỉ gần bằng một xã dưới đồng bằng mới thấy được, những khu dân cư quần tụ, những nếp nhà trên đất mới...

... mới hiểu được đó là sự cố gắng, nỗ lực vô cùng của chính quyền, người dân nơi đây. Ảnh: Kiên Trung. 

... mới hiểu được đó là sự cố gắng, nỗ lực vô cùng của chính quyền, người dân nơi đây. Ảnh: Kiên Trung. 

Vi Thị Danh (30 tuổi) làm công nhân Chư Mom Ray được 4 năm, kể: “Quê cũ của em chỉ có cây luồng, hàng ngày lên rừng chặt luồng thuê, đất trồng lúa ít, chăn nuôi thêm con gà, con lợn. Lên làm cao su ổn định hơn, có lương hằng tháng, công việc cạo mủ được chỉ dạy, hướng dẫn, đào tạo nên em làm rất nhanh. Theo quy chế giao khoán, mình chăm lô của mình tốt, cạo mủ đúng kỹ thuật, sản lượng nhiều thì thu nhập được nhiều, do đó ai cũng cố gắng, nỗ lực. Em chăm cây cao su như chăm cây của nhà mình”, Danh nói.

Giống như Danh, cô công nhân trẻ Ngần Thị Nơ, sinh năm 1994 có 3 mặt con cũng quyết định lên Ia H’Drai lập nghiệp. Dù công việc vất vả, hàng ngày dậy sớm từ 1h sáng cạo mủ để kịp lúc mặt trời lên, những dòng nhựa trắng như những giọt sữa bò sánh quện, từ tất cả các thân cây, từ tất cả những lô cao su trên Ia H’Drai cùng đồng loạt dồn về chiếc ca hứng phía dưới, tí tách như một bản đồng ca của đất bazan.

Đó là lý do, người dân vùng đất mới Ia H'Drai gọi cây cao su là 'cây hy vọng'. Ảnh: Kiên Trung.

Đó là lý do, người dân vùng đất mới Ia H'Drai gọi cây cao su là "cây hy vọng". Ảnh: Kiên Trung.

Ở huyện mới Ia H’Drai, những khu dân cư mới thành lập, quây quần, sum tụ, phần lớn là công nhân nông trường cao su đã hình thành, ấm chỗ trên các xã vùng biên Ia Đal, Ia Dom, Ia Tơi, được những cánh rừng cao su 20 năm tuổi chở che, bao bọc.

Huyện Ia H'Drai (được thành lập theo Nghị quyết số 890/NQ-UBTVQH13 ngày 1/3/2015 của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội, tách ra từ huyện Sa Thầy) nằm ở phía tây nam của tỉnh Kon Tum với diện tích tự nhiên trên 98 nghìn hecta, gồm các xã Ia Dom, Ia Tơi, Ia Đal. Trung tâm hành chính huyện có diện tích hơn 600ha, thuộc thôn 1, xã Ia Tơi. Đây là khu vực có tiềm năng phát triển kinh tế, xã hội, đặc biệt, có thế mạnh về phát triển cây công nghiệp dài ngày; có 3 công trình thủy điện lớn trên sông Sê San đã hoàn thành và phát điện hòa vào lưới điện quốc gia. Bên cạnh tiềm năng phát triển kinh tế, đây còn là địa bàn có vị trí chiến lược, quan trọng về quốc phòng, an ninh khu vực biên giới của tỉnh.

Hiện nay dân số của Ia H'Drai là trên 10.000 người, trong đó, dân số tại Trung tâm hành chính huyện hơn 750 người. Với những đặc thù trên, những khu dân cư được hình thành, quần tụ tại các khu vực hành chính của huyện là những nỗ lực vô cùng lớn của chính quyền và người dân nơi đây.