Bí thư Thành ủy TPHCM khẳng định, những bù đắp của thành phố cho các thương binh, liệt sĩ và những người có công không sao bằng được những gì mà những liệt sĩ, thương binh đã cống hiến cho nhân dân, và cho đất nước. Do đó, thành phố và các cấp luôn ưu tiên việc chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, gia đình có công với đất nước; phụng dưỡng các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và xem đó là đạo lý làm người.

Ngày 22-7, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM tổ chức Họp mặt Kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ (27-7-1947 – 27-7-2023).

Tham dự có các đồng chí: Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Trần Kim Yến, Ủy viên ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM; Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TPHCM; Nguyễn Thị Bạch Mai, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Thành ủy TPHCM; Nguyễn Thọ Truyền, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM; Huỳnh Khắc Điệp, Bí thư Quận ủy quận Bình Tân.

Tri ân người có công với cách mạng bằng những hành động thiết thực ảnh 1

Lãnh đạo TPHCM chụp hình cùng các đại biểu tại buổi Họp mặt Kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ. Ảnh: VIỆT DŨNG

Mỗi tấm gương là những câu chuyện đẹp

Trong 81 thương binh, bệnh binh, gia đình chính sách tham dự buổi họp mặt, phần lớn cơ thể họ đã không còn lành lặn. Có người mất đi đôi mắt, có cô chú đã để lại cánh tay, đôi chân nơi chiến trường khốc liệt ngày nào. Thế nhưng, dù phải nhờ đôi nạng gỗ, cây gậy dò đường trợ sức, nhưng khi được gặp mặt đồng đội, đồng chí, gương mặt các thương binh, bệnh binh lại tươi vui, rạng rỡ.

Để lại đôi mắt nơi chiến trường Campuchia, nhưng ông Trần Văn Tản, thương binh ¼ (ngụ quận 4) đã cho thấy nghị lực phi thường của một người lính. Với vai trò Chủ tịch Hội người mù quận 4, ông đã có nhiều hoạt động để giúp đỡ những người mù cùng hoàn cảnh. Phải một mình nuôi 2 con, nhưng người lính khiếm khuyết đôi mắt ấy luôn tràn đầy niềm tin vào cuộc sống tươi đẹp. Khi ông thông báo kết quả kỳ thi vừa qua, con trai đậu vào trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng, cả hội trường đã vỗ tay và chúc mừng ông.

Tri ân người có công với cách mạng bằng những hành động thiết thực ảnh 2

Ông Trần Văn Tản giao lưu tại buổi họp mặt. Ảnh: VIỆT DŨNG

Bà Lê Hồng Ngọc, vợ thương binh ¼ Nguyễn Hải Quý (ngụ quận Phú Nhuận) chia sẻ, ông Quý bị thương trong một lần công tác với tỷ lệ thương tật 92%, liệt 2 chi dưới. Khi ấy, bà Ngọc còn rất trẻ, chỉ mới ngoài 20 tuổi, nhưng bà quyết định tạm dừng công việc giáo viên mầm non để dành toàn tâm chăm sóc cho chồng. Hơn 38 năm nay, bằng tất cả tình yêu thương, bà luôn chăm sóc chồng rất chu đáo, tận tụy, sạch sẽ.

Bà Ngọc xúc động khi nhắc về ngày bà tìm thấy chồng trong bệnh viện với thương tật gần như đã chết. “Anh ấy từ chối và nói tôi không biết người này. Tôi hiểu anh ấy lo sợ tôi khổ. Nhưng tôi đã khẳng định với anh dù anh thế nào em cũng yêu thương anh. Anh đã hy sinh cho đất nước, cho nhân dân, cho em mà”, bà Ngọc rưng rưng nhớ lại. Với bà Ngọc, so với đau đớn của chồng thì việc làm của bà không là gì hết.

Tri ân người có công với cách mạng bằng những hành động thiết thực ảnh 3

Bà Lê Hồng Ngọc giao lưu tại buổi họp mặt. Ảnh: VIỆT DŨNG

Lắng nghe những chia sẻ của các thương binh, vợ thương binh tại buổi gặp mặt, đồng chí Nguyễn Văn Nên xúc động cho biết, những thương binh, bệnh binh dù đã để lại một phần cơ thể nơi chiến trường nhưng khi trở về cuộc sống hàng ngày, bằng những việc làm thiết thực, họ luôn là tấm gương sáng để nhiều người noi theo.

Triển khai có hiệu quả các chính sách của nhà nước

Phát biểu tại buổi họp mặt, đồng chí Nguyễn Văn Nên cho rằng để có được hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như hôm nay, ông cha ta đã phải đổ bao nhiêu nước mắt và xương máu.

Cả nước có 1,1 triệu liệt sĩ, trên 130.000 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, có hơn 800.000 thương binh, bệnh binh, gần 13.000 Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và Anh hùng Lao động, có gần 111.000 người hoạt động cách mạng tham gia kháng chiến, bị địch bắt, tù đày, giam cầm, tra tấn.

Tri ân người có công với cách mạng bằng những hành động thiết thực ảnh 4

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên phát biểu tại buổi họp mặt. Ảnh: VIỆT DŨNG

Đến nay, vẫn còn hơn 200.000 liệt sĩ chưa tìm thấy hài cốt, hơn 300.000 hài cốt liệt sĩ đã được quy tụ về nghĩa trang nhưng chưa xác định được danh tính. Ngoài ra, còn có hơn 4 triệu người dân đã chết và chịu thương tật suốt đời do bom đạn chiến tranh.

Nhắc lại các con số, Bí thư Thành ủy TPHCM muốn nhấn mạnh, cái giá của hòa bình, độc lập của Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân là không có thể đo đếm được.

Đồng chí Nguyễn Văn Nên chia sẻ, trước lúc đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dặn lại: “Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu cho Tổ quốc, cho đồng bào mình, Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn, chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần “tự lực cánh sinh”. Đối với các liệt sĩ ở mỗi địa phương, cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta. Đối với cha mẹ, vợ con của thương binh, liệt sĩ mà thiếu sức lao động và túng thiếu, thì chính quyền địa phương phải giúp đỡ cho họ có công ăn việc làm thích hợp, quyết không để họ bị đói rét”.

Tri ân người có công với cách mạng bằng những hành động thiết thực ảnh 5

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên thăm hỏi, tặng quà cho thương binh tại buổi họp mặt. Ảnh: VIỆT DŨNG

Thực hiện lời dạy của Bác, thời gian qua, Đảng bộ, Chính quyền TPHCM đã ban hành nhiều chính sách về ưu đãi đối với người có công, triển khai có hiệu quả các chính sách của nhà nước đối với người có công, từng bước nâng cao mức sống của người có công, thân nhân của người có công với cách mạng. Nhiều tổ chức, cá nhân âm thầm lặng lẽ làm việc tốt mà "không muốn kể ai nghe".

Theo đồng chí Nguyễn Văn Nên, hiện nay, trên địa bàn TPHCM có trên 38.000 người có công với đất nước, gia đình chính sách được các cơ quan, ban, ngành, cộng đồng xã hội chăm sóc, phụng dưỡng thường xuyên. Tuy nhiên, theo đồng chí, những bù đắp của thành phố cho các thương binh, liệt sĩ và những người có công không sao bằng được những gì mà họ đã cống hiến cho nhân dân, và cho đất nước. Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân thành phố luôn tin tưởng các đồng chí thương binh, gia đình liệt sĩ có công với đất nước, luôn luôn cảm thông và tiếp tục nỗ lực phấn đấu vượt qua thử thách trong cuộc sống.

Chia sẻ cùng các thương binh, bệnh binh, gia đình chính sách tại buổi họp mặt, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên cho rằng, thành phố đang đứng trước thời cơ và thử thách để xây dựng thành phố xứng đáng với sự hy sinh vô bờ của bao thế hệ tiền nhân, xứng đáng với thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu. Trung ương cho phép thành phố thực hiện thí điểm một số giải pháp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn để khai thác các nguồn lực, lợi thế để phát triển nhanh và bền vững. Do đó, toàn hệ thống chính trị đã tập trung để triển khai quyết liệt, đưa Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 98 của Quốc hội vào cuộc sống.

Tri ân người có công với cách mạng bằng những hành động thiết thực ảnh 6

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên thăm hỏi, tặng quà cho vợ thương binh tại buổi họp mặt. Ảnh: VIỆT DŨNG

Đồng chí Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh, Thành phố sẽ tận dụng mọi thời cơ khắc phục và vượt qua thử thách rào cản, ý chí quyết tâm, tinh thần tự lực, tự cường; phát huy hơn nữa nội lực, huy động ngoại lực, phấn đấu thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XI đề ra, xứng đáng với vai trò đầu tàu, là động lực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và của cả nước. Đặc biệt là lo vấn đề an sinh xã hội, nâng cao chất lượng sống của nhân dân, nhất là chất lượng sống của gia đình chính sách; xây dựng thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình như khát vọng của nhân dân thành phố và cả nước.

Quyết tâm giải quyết hồ sơ người có công còn tồn đọng

Theo đồng chí Nguyễn Văn Nên, việc tổ chức họp mặt không chỉ để tưởng nhớ, nhắc những công ơn của những thế hệ đã hy sinh xương máu và một phần thân thể của mình để góp phần viết lên bản anh hùng ca Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định – TPHCM mà còn nhắc nhở mỗi người hãy sống, cống hiến sao cho xứng đáng với các thế hệ tiền nhân.

Đồng chí đề nghị lãnh đạo và các ngành, các cấp, các cơ quan, đơn vị, MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội phải tiếp tục phát huy truyền thống thành phố nghĩa tình, luôn đặt ưu tiên việc chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, gia đình có công với đất nước; phụng dưỡng các Mẹ Việt Nam anh hùng và xem đó là đạo lý làm người.

Bí thư Thành ủy TPHCM cũng đề nghị ngành LĐTB-XH của thành phố phối hợp với Hội cựu chiến binh và Bộ Tư lệnh thành phố cũng như các cơ quan hữu quan đăng ký công trình thi đua hướng tới Kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước bằng những công trình cụ thể. Trước hết, là quyết tâm giải quyết hồ sơ xác nhận người có công còn tồn đọng chính xác, kịp thời để những người có công và gia đình họ được hưởng đầy đủ các chính sách đền ơn, đáp nghĩa của Đảng và Nhà nước.

Tri ân người có công với cách mạng bằng những hành động thiết thực ảnh 7

Chủ tịch MTTQVN TPHCM Trần Kim Yến phát biểu tại buổi họp mặt. Ảnh: VIỆT DŨNG

Phát biểu tại buổi họp mặt, đồng chí Trần Kim Yến chia sẻ, cùng với các chính sách, chế độ của Đảng, Nhà nước, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” được lan tỏa ngày càng rộng khắp với những nội dung rất cụ thể, như: vận động xây dựng quỹ Đền ơn đáp nghĩa, xây dựng nhà tình nghĩa, chăm sóc và phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, thương binh đặc biệt nặng, chăm sóc, chỉnh trang các nghĩa trang, phần mộ của các liệt sĩ, thay mới các khung Bằng Tổ quốc ghi công, làm mới bàn thờ liệt sĩ, tặng học bổng cho con em gia đình chính sách, hỗ trợ vốn, tạo việc làm cho các gia đình chính sách.

Theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM, những hoạt động đó không chỉ là trách nhiệm mà còn là tình cảm, là lòng biết ơn vô hạn của thế hệ hôm nay đối với những hy sinh của các anh hùng liệt sĩ, của các thương binh, các gia đình trong sự nghiệp giành lại độc lập, tự do, hòa bình cho Tổ quốc. Chính những hoạt động ý nghĩa đó đã góp phần giúp các gia đình chính sách, thương binh, bệnh binh cải thiện cuộc sống, có thêm niềm tin, nghị lực vươn lên, tiếp tục đóng góp cho sự phát triển chung của thành phố.