Đất hiếm đang được sử dụng vào nhiều ngành công nghiệp mang lại giá trị vô cùng lớn, vậy cần làm gì để mở "cánh cửa" xuất khẩu?
Trong khi đó trữ lượng đất hiếm của Việt Nam chiếm đến 18% tổng trữ lượng đất hiếm toàn thế giới.
Ngày 25-7, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Lưu Anh Tuấn - giám đốc Công ty cổ phần Đất hiếm Việt Nam - cho biết quyết định số 866 về "quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050" mới được phê duyệt. Theo đó dự kiến khai thác khoảng 2 triệu tấn quặng đất hiếm nguyên khai/năm, được ví như thời cơ "vàng".
Là công ty duy nhất ở Việt Nam có khả năng chiết tách từng nguyên tố đất hiếm, ông Tuấn cho biết quyết định 866 là bước đột phá, nhiều kỳ vọng cho các công ty tham gia khai thác đất hiếm tại Việt Nam, mở ra thị trường xuất khẩu cho các sản phẩm từ đất hiếm.
Theo ông Tuấn, để mở "cánh cửa" xuất khẩu đất hiếm, cần tập trung vào chế biến chuyên sâu hơn nữa nhằm tạo ra giá trị cao cho khoáng sản có tính chiến lược này. Ông mong muốn nhà sản xuất, đơn vị cung ứng được tham gia vào quá trình chế biến tại mỏ đất hiếm, bảo đảm ổn định nguồn cung.
"Cần đầu tư vào dự án chế biến chuyên sâu, tạo ra chuỗi giá trị từ mỏ tới thành phẩm. Để làm được điều này cần lựa chọn nhà đầu tư không chỉ có công nghệ tiên tiến mà còn phải mạnh về thị trường. Tôi cho rằng thời điểm, cơ hội để chúng ta chế biến chuyên sâu đất hiếm đã đến", ông Tuấn nói.
Ông Tuấn cho biết thêm năm 2010 - 2011, do nguồn cung hạn hẹp, giá kim loại đất hiếm làm nam châm điện được giao dịch trên thị trường thế giới lên đến 300.000 USD/tấn.
Mặc dù tiềm năng đất hiếm của Việt Nam rất lớn nhưng hiện nay việc khai thác hầu như ở quy mô nhỏ và công nghệ chế biến vẫn đang trong giai đoạn phát triển.
Chế biến chuyên sâu đất hiếm phụ thuộc rất nhiều vào việc lựa chọn công nghệ
Hiện nay mỗi năm công ty của ông Tuấn (trụ sở đặt tại Hà Nam) nhập khoảng 1.000 tấn đất hiếm đã tinh chế (lên đến 99%) từ Úc, Nga để tiếp tục chiết tách nguyên tố phục vụ cho đối tác trong, ngoài nước.
"Kinh nghiệm chế biến sâu đất hiếm phụ thuộc rất nhiều vào việc lựa chọn công nghệ chế biến từ quặng thô đến sản phẩm tinh khiết. Theo tôi, sự kết hợp giữa công ty khai thác và chế biến đất hiếm có kinh nghiệm trên thế giới với các công ty khai thác và chế biến trong nước sẽ hiệu quả nhất.
Ngoài ra, Việt Nam nên phát triển lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản chiến lược theo phương thức giao dịch thuận lợi và minh bạch để thu hút các dự án BOT, PPP", ông Tuấn nói.
Trước đó, ngày 2-7, trao đổi Tuổi Trẻ Online, lãnh đạo Cục Địa chất Việt Nam cho rằng việc thiếu chiến lược phát triển ngành công nghiệp đất hiếm phù hợp đã dẫn tới thực trạng doanh nghiệp có mỏ nhưng lại không có công nghệ chế biến đất hiếm.
Đất hiếm có 17 nguyên tố hóa học được ví như vitamin của nhiều ngành công nghiệp hiện đại, trong đó có sản xuất các con chip...