10 năm theo mảng đơn thư bạn đọc về lĩnh vực thương binh, liệt sỹ, người có công, nhà báo Anh Thơ được biết đến không chỉ bởi những bài viết đầy xúc động mà còn bởi dấu ấn đặc biệt trong vai trò kết nối các cuộc gặp gỡ, tìm kiếm mộ liệt sĩ, trao trả kỷ vật cho thân nhân liệt sỹ…
Nhà báo Anh Thơ đã có sự đồng hành đặc biệt với những cựu chiến binh Việt Nam và Mỹ, góp phần vào công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh. Báo Nhà báo & Công luận đã có cuộc trò chuyện với chị nhân 76 năm ngày Thương binh Liệt sỹ 27/7.
Khép lại quá khứ đau thương cùng hành trình trở về kỳ diệu
+ Tôi rất quan tâm đến sự kiện trao trả kỷ vật của một cựu binh bên kia chiến tuyến đầy xúc động đã giúp chị giành Giải thưởng Đổi mới sáng tạo lần 2 của Báo Nhân Dân mới đây, thưa chị?
- Ý tưởng sáng tạo của tôi là “Tạo sự kiện từ ý tưởng bài viết”. Theo cách làm thông thường, trước một vấn đề, sự kiện, phóng viên tiến hành các bước thu thập thông tin rồi viết bài. Tuy nhiên, nếu làm theo cách này thì bài viết không thực sự mang lại hiệu quả thiết thực. Bản thân tôi cũng xác định công việc của mình không phải chỉ là viết bài đăng báo mà phải tìm cho được chủ nhân cuốn sổ nhật ký để trao trả gia đình, điều đó mới thực sự ý nghĩa.
Câu chuyện ấy bắt đầu từ tháng 7/2022, tôi nhận được thông tin từ ông Steve Edmunds - Giám đốc dự án và điều phối các nỗ lực nhân đạo của cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam về việc có một cựu chiến binh Mỹ đang lưu giữ một cuốn sổ nhật ký thu trên thi thể bộ đội Việt Nam tại chiến trường Tây Nguyên năm 1967 và có nguyện vọng trao trả kỷ vật cho thân nhân liệt sỹ. Tôi đề nghị ông Steve cung cấp những hình ảnh của kỷ vật, đồng thời kết nối cho tôi liên lạc với người đang lưu giữ kỷ vật đó.
Sau đó, hai ông đã gửi cho tôi hình ảnh một số trang nhật ký và những bức ảnh trong cuốn sổ nhật ký và cho biết liệt sỹ hy sinh vào buổi chiều chủ nhật, ngày 23/7/1967, trong trận đánh tại Plei Ya Bo (thuộc huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai). Xem hình ảnh các trang nhật ký, tôi thấy có ghi tên nhiều người, nhiều địa danh, địa chỉ hòm thư.
Tôi liên lạc với ông Hồ Đại Đồng - Trưởng Ban liên lạc cựu chiến binh tìm đồng đội Sư đoàn 1 và một số tình nguyện viên chuyên hỗ trợ tìm kiếm thông tin liệt sỹ trên mạng đề nghị phối hợp tìm kiếm. Không lâu sau, chúng tôi có được bản danh sách 98 liệt sỹ hy sinh ngày 23/7/1967 tại Plei Ya Bo, Gia Lai. Sau khi dùng phương pháp loại trừ để thu hẹp phạm vi tìm kiếm, bản danh sách còn lại sáu liệt sỹ.
Tôi đề xuất lãnh đạo Ban có công văn gửi các cơ quan chức năng, sở Lao động- Thương binh và Xã hội, phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các địa phương có tên trong cuốn sổ nhật ký, đề nghị phối hợp xác minh thông tin liệt sĩ và tìm kiếm thân nhân.
Sau khi tiếp nhận thông tin từ Báo Nhân Dân, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ đã đăng toàn bộ nội dung công văn cùng hình ảnh các di vật của liệt sĩ trên trang facebook Tam Nông Lao động, kêu gọi cộng đồng mạng chia sẻ, hỗ trợ tìm kiếm thông tin liệt sỹ và thân nhân. Ngay sau đó đã có hơn 300 lượt chia sẻ với rất nhiều bình luận, cung cấp nhiều thông tin có giá trị.
Bốn tiếng sau, anh Phạm Văn Lịch - cháu ruột của liệt sỹ Phạm Tuấn Tài, ở xã Vạn Xuân, huyện Tam Nông, đã lên tiếng xác nhận trong cuốn sổ nhật ký của liệt sĩ có tên của nhiều người thân trong gia đình anh. Anh Phạm Văn Lịch cho biết, liệt sỹ Phạm Tuấn Tài hy sinh đã hơn 50 năm nhưng đến nay vẫn chưa biết phần mộ ở đâu, vì vậy, gia đình rất vui khi nhận được thông tin này.
Ngoài ra, anh Lịch không nhận ra người thân trong các bức ảnh. Vì vậy, chủ nhân các kỷ vật vẫn còn bỏ ngỏ. Một mặt tôi viết bài đăng báo và share link bài trên các trang mạng xã hội, một mặt phối hợp các ban liên lạc cựu chiến binh và tình nguyện viên tiếp tục tìm kiếm thông tin về liệt sỹ và thân nhân.
Khi ông Steve báo cho tôi biết sáng 8/11 ông sẽ đến Hà Nội, tôi đã mạnh dạn đề xuất Ban Biên tập tổ chức sự kiện gặp gỡ hữu nghị các cựu chiến binh Mỹ và Việt Nam, đồng thời tiếp nhận di vật liệt sỹ. (Đây chính là tạo sự kiện để có thêm câu chuyện mới từ ý tưởng bài viết) .
Sáng 8/11/2022, ngay khi ông bà Steve Edmunds đến Hà Nội, tôi điện thoại cho anh Trương Đức Bình - người ra sân bay Nội Bài đón hai ông bà Steve, xin phép được xem cuốn nhật ký và chụp hình gửi cho tôi. Thật vui khi ngay trang đầu cuốn nhật ký là tên của liệt sĩ Phạm Tuấn Tài.
Chúng tôi xác định gần như chắc chắn, đây là cuốn nhật ký của liệt sỹ Phạm Tuấn Tài ở xã Vạn Xuân, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ. Tôi báo cáo sếp Song Hà xin ý kiến chỉ đạo về việc mời thân nhân liệt sỹ Phạm Tuấn Tài tham dự buổi gặp gỡ các cựu chiến binh Việt Nam và Mỹ tại trụ sở Báo vào chiều 8/11/2022. Ông Steve đã trao lại Báo Nhân Dân cuốn sổ nhật ký và 30 bức ảnh, một tờ bản đồ Việt Nam khổ nhỏ, một tờ lịch năm 1967, để báo tiếp tục làm việc với các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội theo quy định.
Tiếp đó, ngày 26/12, tại UBND xã Vạn Xuân, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ, Báo Nhân Dân phối hợp UBND huyện Tam Nông tổ chức sự kiện trao trả kỷ vật của liệt sĩ Phạm Tuấn Tài cho gia đình.
Những sự kiện này được đưa tin và phát sóng đồng thời trên báo in, báo điện tử và kênh Truyền hình Nhân Dân. Cùng với việc tổ chức sự kiện, tôi cùng các đồng nghiệp Truyền hình Nhân Dân tổ chức buổi phỏng vấn tại trường quay CCB Mỹ Steve Edmunds, tổ chức làm phim tài liệu “Hành trình xoa dịu nỗi đau”.
+ Tôi đã đọc và xem về cuộc gặp gỡ ấy, thực sự không cầm được nước mắt. Tôi tự hỏi rằng, bởi điều gì, bởi sức mạnh nào mà chị và các cộng sự đã mất khá nhiều thời gian, dành nhiều công sức đến vậy cho cuộc gặp gỡ bất ngờ ấy?
- Đây không phải là cuộc kết nối khó khăn nhất đối với tôi trong hành trình 10 năm qua nhưng là cuộc hạnh ngộ tốt đẹp, đem cho tôi nhiều năng lượng tích cực. Chúng tôi đã có những đêm không ngủ để trao đổi thông tin do lệch múi giờ, có những phút “nín thở” chờ kết quả tìm kiếm thông tin liệt sỹ và thân nhân, nhưng bù lại là những khoảnh khắc hạnh phúc vỡ òa khi nhìn thấy những kỷ vật vô giá ấy được trao lại cho gia đình liệt sỹ. Đó không chỉ là kỷ vật mà là linh hồn của liệt sỹ.
Những kỷ vật đã đi nửa vòng trái đất đưa các liệt sỹ trở về đoàn tụ với gia đình. Hành trình trở về kỳ diệu ấy cùng chữa lành vết thương chiến tranh, viết nên câu chuyện ý nghĩa, nhân văn về tình người. Hơn ai hết, những con người từng cùng nhau trải qua cuộc chiến sinh tử mới cảm nhận đến tận cùng nỗi đau và sự mất mát, mới hiểu hết ý nghĩa, giá trị của hai chữ “Hòa bình”.
Tình người không biên giới…
+ Giá trị của hai chữ “hòa bình” đối với mỗi người, mỗi quốc gia thực sự rất đáng giá. Nhưng để hàn gắn những vết thương chiến tranh giữa những người ở hai đầu chiến tuyến quả thực là sự kỳ diệu của tình người?
- Đúng là như vậy. Chiến tranh đã qua đi gần nửa thế kỷ nhưng nỗi đau vẫn dai dẳng như vết thương khó lành. Tình cảm con người, nhất là của những người từng trải qua cuộc chiến, từng cận kề cái chết làm cho những người từng là cựu thù xích lại gần nhau.
Không chỉ trong câu chuyện trao trả kỷ vật cho thân nhân liệt sĩ mà nhiều năm qua, bằng sự kết nối của một số cựu chiến binh và tình nguyện viên, nhiều cựu binh Mỹ đã trở lại Việt Nam đồng hành cùng nhau trong hành trình tìm kiếm hài cốt đồng đội. Họ đã bắc những nhịp cầu nối tình hữu nghị giữa hai quốc gia, dân tộc, khép lại quá khứ đau thương, cùng nhau hướng về một tương lai tốt đẹp hơn. Khi hỏi một số cựu chiến binh Mỹ vì sao trở lại Việt Nam giúp tìm kiếm hài cốt liệt sỹ, tôi đều nhận được câu trả lời rằng: “Bởi vì chúng tôi biết tất cả gia đình đều phải chịu nỗi đau mất mát như nhau, dù là người Việt Nam hay người Mỹ”.
+ Chiến tranh chưa bao giờ kết thúc khi còn rất nhiều những người liệt sỹ vẫn… chưa tìm được đường về quê Mẹ. Là người cầm bút theo dõi lĩnh vực này nhiều năm, điều mà chị vẫn còn thấy đau đáu, trăn trở là gì, thưa nhà báo?
- Trong những ngày này, khắp nơi tổ chức các hoạt động ý nghĩa để tưởng nhớ và tri ân thì vẫn có những trường hợp hy sinh vì Tổ quốc nhưng đến nay chưa được công nhận liệt sỹ, gia đình chưa được hưởng các chế độ chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước, do một số quy định bất cập và việc thẩm định, xác nhận liệt sỹ của cơ quan chức năng còn chậm trễ… Chẳng hạn việc xác định danh tính hài cốt liệt sỹ thiếu thông tin, sai thông tin hoặc vừa sai vừa thiếu thông tin đang gặp rất nhiều khó khăn.
Ðể kịp thời tôn vinh và tri ân những người đã cống hiến, hy sinh cho đất nước, bảo đảm công bằng về quyền lợi đối với các gia đình liệt sĩ, các cơ quan chức năng cần điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi kịp thời các quy định pháp luật, sớm khắc phục những bất cập, chậm trễ trong việc thực hiện các chế độ, chính sách nêu trên.
+ Vâng, xin cảm ơn nhà báo!