TP.HCM xác định nguyên tắc sử dụng tạm thời một phần lòng đường, vỉa hè không gây mất trật tự, an toàn giao thông. Chiều rộng vỉa hè dành cho người đi bộ tối thiểu 1,5 m.
Sử dụng tạm thời một phần lòng đường ngoài mục đích giao thông phải bảo đảm phần lòng đường còn lại đủ bố trí tối thiểu 2 làn xe ô tô cho một chiều lưu thông.
Người dân và tổ chức chỉ được sử dụng tạm thời một phần lòng đường, vỉa hè khi cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp phép hoặc chấp thuận. Các hoạt động được UBND TP.HCM ban hành kế hoạch cụ thể không phải cấp giấy phép.
Các trường hợp sử dụng một phần vỉa hè không phải cấp phép gồm đám cưới, đám tang và điểm trông, giữ xe phục vụ đám cưới, đảm tang; sử dụng từ 48-72 giờ. Người dân phải thông báo cho UBND cấp xã nơi cư trú.
Nếu người dân sử dụng vỉa hè làm điểm tổ chức kinh doanh dịch vụ, mua bán hàng hóa thì phải thuộc danh mục các tuyến đường do UBND quận, huyện ban hành.
Quyết định của UBND TP.HCM cũng nêu rõ việc sử dụng tạm thời hè phố làm điểm để xe hai bánh không thu tiền dịch vụ trông, giữ xe phải thuộc danh mục do UBND quận huyện ban hành.
UBND TP.HCM phân cấp cho UBND cấp huyện ban hành danh mục vị trí vỉa hè đủ điều kiện tổ chức điểm để xe hai bánh không thu tiền dịch vụ trông, giữ xe tại cửa hàng, trụ sở hoạt động của tổ chức, cá nhân.
Các trường hợp sử dụng vỉa hè không phải cấp phép sử dụng gồm tổ chức các hoạt động văn hóa (thể thao, diễu hành, lễ hội), tuyên truyền chủ trương, chính sách và điểm trông, giữ xe phục vụ cho các hoạt động trên.
Đối với điểm trung chuyển vật liệu, phế thải xây dựng, người dân chỉ được sử dụng vỉa hè từ 22 giờ đêm hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau, thủ tục do UBND cấp huyện cấp.
Việc sử dụng vỉa hè làm điểm trông, giữ xe có thu phí chỉ được áp dụng tại các tuyến đường đủ điều kiện do UBND cấp huyện ban hành, thủ tục do địa phương cấp.
Đối với việc sử dụng tạm thời một phần lòng đường, nếu sử dụng làm điểm trung chuyển rác thải sinh hoạt thì phải tuân thủ danh mục các vị trí, tuyến đường được Sở GTVT ban hành, từ 22 giờ hôm trước đến 6 giờ hôm sau.
Riêng việc bố trí điểm trông, giữ xe có thu phí dưới lòng đường, Sở GTVT sẽ ban hành danh mục các tuyến đường đủ điều kiện, thủ tục thực hiện tại Sở GTVT hoặc UBND cấp huyện tùy theo phân cấp quản lý tuyến đường.
Việc sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố phải nộp phí. Tuy nhiên, trong quyết định này, UBND TP.HCM chưa quy định mức phí cụ thể.
UBND TP.HCM giao Sở GTVT chủ trì, phối hợp Sở Tài chính và các đơn vị liên quan xây dựng mức phí sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè báo cáo UBND TP.HCM trình HĐND TP.HCM xem xét quyết định.
Mức phí chia theo 5 khu vực
Khu vực 1, gồm các quận: 1, 3, 4, 5, 10, Phú Nhuận; khu A Khu đô thị mới Nam TP.HCM; Khu đô thị mới Thủ Thiêm, được đề xuất mức thu phí sử dụng vỉa hè để kinh doanh từ 50.000 - 100.000 đồng/m2/tháng; còn dùng để trông giữ xe từ 180.000 - 350.000 đồng/m2/tháng.
Khu vực 2 gồm: Q.2 cũ, nay là TP.Thủ Đức (trừ Khu đô thị mới Thủ Thiêm), Q.6, Q.7 (trừ khu A Khu đô thị mới Nam TP.HCM), Q.11, Q.Bình Thạnh, Q.Tân Bình, Q.Bình Tân, mức thu sử dụng hè phố để kinh doanh là 20.000 - 30.000 đồng/m2/tháng; còn thu phí lòng đường, vỉa hè để trông giữ xe từ 70.000 - 100.000 đồng/m2/tháng.
Khu vực 3 và khu vực 4 gồm các quận: 8, 12, Tân Phú, Gò Vấp, Q.9 và Q.Thủ Đức cũ (nay là TP.Thủ Đức), 4 huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè, Củ Chi thì mức thu phí vỉa hè để kinh doanh là 20.000 đồng/m2/tháng, và thu phí để trông giữ xe là 60.000 đồng/m2/tháng.
Khu vực 5 (H.Cần Giờ), mức thu phí vỉa hè để kinh doanh là 20.000 đồng/m2/tháng, và thu phí để trông giữ xe là 50.000 đồng/m2/tháng.