Công ty CP Tập đoàn Dabaco VN, một doanh nghiệp (DN) chăn nuôi đứng đầu thị trường, công bố 6 tháng đầu năm nay đạt doanh thu về bán hàng và cung cấp dịch vụ gần 5.787 tỉ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ hơn 6 tỉ đồng, giảm mạnh 74%. Trong đó, phần chi phí lãi vay lên cao gần 138,3 tỉ đồng, tăng gần 44 tỉ đồng so với cùng kỳ năm trước. Ngoài việc nợ gốc tăng so với cùng kỳ năm trước thì chủ yếu do lãi suất (LS) tăng cao.
"Ông lớn" trong ngành thép, Tập đoàn Hòa Phát, cũng ghi nhận chi phí lãi vay trong quý 2/2023 lên 1.029 tỉ đồng, tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm trước và cao hơn 4% so với quý 1/2023. Đây là lần đầu tiên chi phí lãi vay của DN vượt mức ngàn tỉ đồng chỉ trong một quý hoạt động. Tổng cộng trong 6 tháng đầu năm nay, Hòa Phát trả lãi vay lên hơn 2.108 tỉ đồng, tăng hơn 700 tỉ đồng so với cùng kỳ năm trước. Điều này cũng góp phần đẩy lợi nhuận sau thuế của tập đoàn thép này giảm đến 85% so với cùng kỳ năm trước, xuống còn 1.831 tỉ đồng. Hoặc Công ty CP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM trả lãi trong 6 tháng lên 651,5 tỉ đồng, tăng gần 100 tỉ đồng so với cùng kỳ năm trước.
Chi phí lãi vay này chiếm gần như toàn bộ lợi nhuận gộp mà công ty làm ra trong 6 tháng qua. Tương tự, Công ty CP Tập đoàn Sao Mai phải trả lãi vay trong 6 tháng đầu năm nay tổng cộng hơn 403,6 tỉ đồng, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Số lãi vay này chiếm 52,5% lợi nhuận gộp về bán hàng của công ty. Từ đó khiến lợi nhuận sau thuế của Sao Mai lao dốc xuống còn 191,6 tỉ đồng, giảm gần 72% so với 6 tháng đầu năm 2022.
Đối với Công ty Đức Minh thì tỷ lệ vốn vay chỉ ở mức trung bình nhưng cộng thêm vấn đề thanh toán công nợ kéo dài, doanh số bán hàng giảm… thì tình hình tài chính đều rất khó. Đây cũng là tình hình chung mà tôi thấy DN lớn hay nhỏ đều vẫn đang đối diện. Những cái khó đã kéo lùi lợi nhuận của DN hơn 30% so với cùng kỳ năm trước.
Công ty CP Du lịch Thành Thành Công báo cáo doanh thu trong 6 tháng đầu năm nay hơn 303,6 tỉ đồng, tăng 22,3% và lãi sau thuế hơn 1,1 tỉ đồng, giảm gần 50% so với 6 tháng đầu năm 2022. Trong số các chi phí thì lãi vay tăng mạnh lên gần 72,6 tỉ đồng, cao hơn 20 tỉ đồng so với cùng kỳ năm ngoái. Công ty này đang trả LS cho các khoản vay ngắn hạn từ 8,5 - 12,7%/năm và LS vay dài hạn từ 8,5 - 15,78%/năm. So với báo cáo cuối quý 1/2023, nhiều khoản vay vẫn đang giữ nguyên LS phải trả.
Đáng chú ý, mặc dù nông nghiệp vốn được xem là lĩnh vực được ưu tiên tiếp cận vốn vay nhưng Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời báo cáo trong 6 tháng đầu năm nay, công ty phải trả lãi vay lên gần 274 tỉ đồng, gấp gần 3 lần so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhiều khoản vay ngắn hạn của Lộc Trời có LS lên đến 11 - 11,5%/năm. Nếu so sánh với cuối tháng 3.2023, nhiều khoản vay của công ty chưa hề được giảm LS.
Ngay cả khoản vay dài hạn (kỳ hạn 36 tháng) cũng phải trả LS lên đến 10,7%/năm, duy trì như báo cáo cuối tháng 3 vừa qua. Dù vậy nhờ phần lãi từ công ty liên kết tăng vọt nên Lộc Trời đã ghi nhận mức lãi trong 6 tháng đầu năm nay dù quý 1/2023 bị lỗ hơn 81 tỉ đồng. Tại cuộc họp bàn về xuất khẩu gạo mới đây, ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng giám đốc Tập đoàn Lộc Trời, cho biết có thời điểm LS vay lên đến 17%/năm. Thành ra nửa đầu năm nay coi như DN làm ăn không có lời. Đó là chưa kể có lúc DN không được vay vốn vì không có tài sản thế chấp…
Khó chồng thêm khó
Ông Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Công ty TNHH Cao su Đức Minh kiêm Chủ tịch Hiệp hội Nhựa cao su TP.HCM, cho hay LS vay của công ty vừa được giảm xuống còn 10%/năm so với mức 10,2% của hơn 1 tháng trước đó. Trong vòng khoảng 3 tháng qua, LS của công ty chỉ giảm từ 10,5% xuống còn 10%/năm. So với LS phải trả chỉ cao nhất là 8%/năm vào đầu năm 2022 thì LS vay vốn từ ngân hàng (NH) của công ty hiện vẫn ở mức khá cao. Đáng nói hiện nay doanh thu vẫn sụt giảm và chưa có dấu hiệu khởi sắc trở lại. Bên cạnh đó, dòng tiền thu về từ bán hàng vẫn rất chậm, từ 30 ngày kéo lên 90 ngày khiến cho công ty phải trả lãi nhiều hơn.
"Đối với Công ty Đức Minh thì tỷ lệ vốn vay chỉ ở mức trung bình nhưng cộng thêm vấn đề thanh toán công nợ kéo dài, doanh số bán hàng giảm… thì tình hình tài chính đều rất khó. Đây cũng là tình hình chung mà tôi thấy DN lớn hay nhỏ đều vẫn đang đối diện. Những cái khó đã kéo lùi lợi nhuận của DN hơn 30% so với cùng kỳ năm trước", ông Nguyễn Quốc Anh chia sẻ thêm.
TS Nguyễn Hữu Huân, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, nhận định chi phí lãi vay vẫn đang là gánh nặng của tất cả DN. Nếu so với LS huy động tiền gửi thì hầu như LS cho vay giảm rất ít. Theo ông Huân, có lẽ là do các NH từ cuối năm 2022 đến đầu năm 2023 đã huy động vốn với chi phí cao nên họ sẽ chưa giảm LS cho vay. Chỉ hy vọng với tốc độ giảm LS tiết kiệm trong vòng 3 tháng qua thì đến giữa quý 3/2023 trở đi, mặt bằng LS cho vay mới có thể giảm nhanh hơn. Hơn nữa, các NH thương mại sẽ không thể thực hiện được việc giảm LS cho vay như mong muốn của DN bởi họ cũng kinh doanh nên luôn muốn duy trì lợi nhuận cao. Từ đó tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) trong hoạt động tín dụng sẽ được nhiều NH giữ ở mức cao từ 4 - 5%. Với NIM từ 4 - 5% cộng theo LS tiền gửi kỳ hạn 12 tháng ở các NH thì LS cho vay của nhiều DN cũng vẫn dao động từ 11%/năm trở lên và đây vẫn là mức cao khi thị trường trong ngoài nước còn ảm đạm.
Vì vậy theo TS Huân, trong bối cảnh sức mua trên thị trường vẫn đang ở mức thấp, các DN vẫn đối diện nhiều khó khăn thì Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cần phải mạnh dạn triển khai các gói hỗ trợ LS để hỗ trợ DN.
Việc thực hiện các gói hỗ trợ LS là kết hợp chính sách tiền tệ và tài khóa để tháo gỡ cho các DN trong giai đoạn khó khăn kép như hiện nay. Tuy nhiên điều quan trọng là Ngân hàng Nhà nước phải đưa ra các tiêu chí cụ thể, hợp lý và dễ thực hiện. Tránh trường hợp trên bảo dưới không nghe vì các NH tất nhiên không mặn mà với chính sách này. Chúng ta đã thấy trong thực tế gói hỗ trợ LS 2% cho các DN, hợp tác xã từ năm 2022 đến nay hầu như không đạt hiệu quả nên cần phải thay đổi nếu đưa ra chính sách tương tự để dễ thực hiện ngay.
(TS Nguyễn Hữu Huân, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM)