Theo trung tướng Tô Ân Xô, Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam ông Nguyễn Cao Trí với cáo buộc chiếm đoạt hơn 40 triệu USD của bà Trương Mỹ Lan.

Trung tướng Tô Ân Xô - Ảnh: DANH KHANG

Trung tướng Tô Ân Xô - Ảnh: DANH KHANG

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 5-8, phóng viên đã nêu việc có thông tin liên quan tới ông Nguyễn Cao Trí, thành viên hội đồng Trường đại học Văn Lang, tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư du lịch Sài Gòn - Đại Ninh xuất hiện liên tục trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội.

Việc này xảy ra sau khi ông này bị Sở Tư pháp tỉnh Lâm Đồng ngăn chặn các giao dịch liên quan đến nhà đất. Từ đó, phóng viên đề nghị đại diện Bộ Công an cho biết về thông tin này.

Sau đó, trung tướng Tô Ân Xô - người phát ngôn Bộ Công an - đã có trả lời về nội dung này.

Theo trung tướng Xô, ngày 15-1, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam ông Nguyễn Cao Trí (sinh năm 1970) về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, theo khoản 4, điều 175 Bộ luật Hình sự.

Ông Nguyễn Cao Trí bị bắt vì chiếm đoạt 40 triệu USD của bà Trương Mỹ Lan - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Cao Trí chiếm đoạt hơn 40 triệu USD của bà Trương Mỹ Lan, hiện ông đã bị tạm giam

Theo báo cáo của cơ quan cảnh sát điều tra, trong quá trình mở rộng điều tra vụ án Công ty An Đông (Vạn Thịnh Phát), đã phát hiện bà Trương Mỹ Lan có quan hệ làm ăn, đầu tư với ông Nguyễn Cao Trí.

Bà Trương Mỹ Lan đã chuyển cho ông Nguyễn Cao Trí hơn 40 triệu USD để mua bán dự án, kinh doanh.

Khi bà Trương Mỹ Lan bị bắt, ông Nguyễn Cao Trí nảy sinh ý định chiếm đoạt số tiền bà Lan đã chuyển cho ông này. 

Ông Trí đã chỉ đạo một số nhân viên tiêu hủy toàn bộ giấy tờ, chứng cứ bà Lan chuyển 40 triệu USD với mục đích chiếm đoạt toàn bộ số tiền trên.

Tại cơ quan điều tra, ông Trí đã nhận tội và sẽ phải nộp lại toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt. Cơ quan cảnh sát điều tra cũng đã kê biên, phong tỏa tài sản của ông Trí để đảm bảo thu hồi tài sản cho vụ án.

Qua vụ việc này, Bộ Công an cảnh báo pháp luật sẽ nghiêm khắc xử lý những ai dùng thủ đoạn để chiếm đoạt tiền, tài sản mà đối tác chuyển giao nhưng rồi đối tác vướng vòng lao lý.

Xem xét lại việc chậm hoàn thuế

Trước đó, liên quan đến vấn đề hoàn thuế, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho hay quy định hoàn thuế giá trị gia răng (VAT) trong luật quản lý thuế với hai trường hợp là hoàn trước kiểm sau và kiểm trước hoàn sau, đều có quy định thời hạn ngày hoàn thành tính từ khi doanh nghiệp trình đầy đủ hồ sơ pháp luật.

Với trường hợp hoàn trước kiểm tra sau là 6 ngày làm việc và kiểm tra trước hoàn sau là 40 ngày.

Về tình hình cụ thể, ông Chi cho hay năm 2022 đã hoàn thuế trên 150.000 tỉ đồng với 20.774 quyết định hoàn thuế. 7 tháng đầu năm hoàn thuế là 70.356 tỉ đồng với 9.800 quyết định hoàn thuế.

Trong các trường hợp hoàn thuế, theo phân loại có đến gần 80% thuộc về nhóm hoàn trước và kiểm tra sau.

Trách nhiệm về chậm hoàn thuế, ông Chi cho rằng cần xem xét trường hợp cụ thể, xác định nguyên nhân mới rõ trách nhiệm là cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan thuế hay của người dân, tổ chức.

"Việc chậm hoàn thuế, cơ quan quản lý nhà nước cần xem xét, cải tiến để làm sao không chậm và không ai có thể nói là chậm.

Vì vậy cơ quan nhà nước cần rà soát quy định pháp luật, cách thức triển khai hoàn thuế xem có gì có thể cải tiến, thay đổi, rút ngắn quy trình, đảm bảo yêu cầu nhanh, chính xác, phòng ngừa rủi ro, chống gian lận thuế và đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp" - ông Chi khẳng định.

Theo đó, ông Chi cho biết ngành đang triển khai tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng dữ liệu lớn về doanh nghiệp, sàng lọc dữ liệu rủi ro, giảm đi những doanh nghiệp kiểm trước, hoàn sau. Ví dụ như vừa qua có doanh nghiệp kinh doanh yến sào nhưng thời gian ngắn xuất hóa đơn lên tới trên 30.000 tỉ đồng.