Trên địa bàn TPHCM hiện có nhiều dự án (DA) phát triển bất động sản có tính chất pháp lý phức tạp, đã được xử lý qua nhiều thời kỳ nhưng chưa được tháo gỡ một cách căn cơ. Để tránh lãng phí nguồn lực đất đai, đồng thời thực hiện chỉ đạo mới đây của Chính phủ, UBND TPHCM đã thành lập Tổ công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các DA đầu tư trên địa bàn.
Một dự án bất động sản nằm cạnh cầu Ba Son và nhà ga metro số 1. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Một dự án bất động sản nằm cạnh cầu Ba Son và nhà ga metro số 1. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Nhiều dự án được khai thông

Từ đầu năm đến nay, lãnh đạo UBND TP đã nhiều lần trực tiếp gặp gỡ và lắng nghe một số chủ đầu tư trình bày khó khăn, vướng mắc của các DA bất động sản (BĐS) trên địa bàn và đến nay việc tháo gỡ đã có một số kết quả bước đầu. Cụ thể, theo Hiệp hội BĐS TPHCM (HoREA), trên địa bàn TP có 156 DA thuộc diện rà soát pháp lý. Các DA này đều có tính chất phức tạp, đã được xử lý qua nhiều thời kỳ nhưng chưa xong do vướng nhiều quy định pháp luật hoặc do chưa được pháp luật quy định. Trong đó, với sự quan tâm vào cuộc của lãnh đạo các cấp, bước đầu đã có 5 DA của các đơn vị gồm: Sơn Kim Land, Công ty TNHH Gotec Việt Nam, Gamuda Land, CapitaLand và Novaland được huy động vốn từ khách hàng cho khoảng 50% số lượng nhà ở hình thành trong tương lai, tương ứng 5.432 căn nhà. Đây là các DA đang chờ rà soát pháp lý nhưng chủ đầu tư đã nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất từ trước. Bên cạnh đó, 1 DA chung cư tại quận 4 và 1 DA nhà ở xã hội tại huyện Bình Chánh cũng được UBND TP cho ý kiến, chỉ đạo các sở, ngành rà soát, giải quyết.

Theo HoREA, với 156 DA ách tắc, nếu bình quân trị giá mỗi DA khoảng 2.000 tỷ đồng thì tổng mức đầu tư đã lên đến khoảng 312.000 tỷ đồng. Nếu tháo gỡ được vướng mắc để tiếp tục triển khai thực hiện thì Nhà nước có thể thu thuế giá trị gia tăng 10%, tương ứng 31.200 tỷ đồng; nếu đạt lợi nhuận 20% thì Nhà nước còn có thể thu thuế thu nhập doanh nghiệp được 12.480 tỷ đồng và các khoản thu thuế phái sinh khác, tạo công ăn việc làm…

Tổ công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các DA đầu tư trên địa bàn TPHCM được thành lập gồm 14 thành viên do Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi làm Tổ trưởng; Phó Chủ tịch UBND TP Bùi Xuân Cường làm Tổ phó Thường trực.

Tổ công tác có nhiệm vụ tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến các DA đầu tư trên địa bàn do các sở, ban, ngành của TP đang thụ lý hồ sơ nhằm đẩy nhanh tiến độ giải quyết hồ sơ, đảm bảo đúng trình tự và thời gian. Đồng thời rà soát nội dung bất cập, có sự chồng chéo, mâu thuẫn giữa các quy định pháp luật có liên quan nhằm tháo gỡ vướng mắc chung cho các DA để đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng.

Những tín hiệu tích cực

Nhằm thúc đẩy thị trường BĐS phát triển an toàn, bền vững, Sở Xây dựng TPHCM vừa trình UBND TP các nội dung triển khai thực hiện công văn của Chính phủ về việc tháo gỡ các vướng mắc pháp lý trong các DA BĐS. Theo đó, các Sở KH-ĐT, TN-MT, Xây dựng, GTVT, Quy hoạch - Kiến trúc, Tài chính sẽ chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan, làm việc trực tiếp với từng doanh nghiệp (DN), từng DA gặp vướng mắc theo danh sách do HoREA cung cấp. Trong quá trình triển khai, các vướng mắc pháp lý sẽ được phân loại theo thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ và Quốc hội; vướng mắc chỗ nào, ra sao sẽ được chỉ rõ và gửi về Sở Xây dựng để tổng hợp, báo cáo UBND TP xem xét trước khi báo cáo cấp Trung ương. Một trong những phương pháp tháo gỡ được đề xuất là lập danh mục các DA nhà ở và BĐS trên địa bàn để rà soát, phân loại và xử lý các DA gặp vướng mắc pháp lý. Các DA không đáp ứng được các quy định pháp luật sẽ phải ngừng hoạt động và không được đưa sản phẩm ra thị trường. Điều này sẽ giúp giải phóng nguồn lực đất đai và nguồn vốn đầu tư, đồng thời giảm rủi ro nợ xấu BĐS cho ngân hàng.

Nỗ lực gỡ vướng cho các dự án bất động sản ảnh 1

Một dự án bất động sản tại thành phố Thủ Đức (kế bên cầu Ba Son kết nối với quận 1) đang dần hoàn thiện. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Để ngăn chặn tình trạng thị trường BĐS “phát triển nóng” hoặc “đóng băng”, đồng thời tránh thông tin sai lệch ảnh hưởng đến thị trường, Sở Xây dựng TPHCM sẽ đẩy mạnh việc công bố, công khai và minh bạch các thông tin liên quan đến hoạt động của các sàn giao dịch BĐS và các DA nhà ở thương mại đủ điều kiện được bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai, cũng như DA được phép chuyển nhượng. Để kịp thời ngăn chặn và giải quyết các vướng mắc về thủ tục pháp lý liên quan đến việc xác định giá đất cụ thể, giao đất, cho thuê đất và chuyển mục đích sử dụng đất, Sở Xây dựng sẽ rà soát, tổng hợp và báo cáo UBND TP để chỉ đạo các cơ quan liên quan tập trung, không né tránh, không đùn đẩy để giải quyết và tháo gỡ các vướng mắc.

Ông Ngô Quang Phúc, Tổng Giám đốc Phú Đông Group chia sẻ, cá nhân ông và các DN khác đã nhận thấy tín hiệu tích cực cho thị trường BĐS. Tín hiệu này đến từ các chính sách tài khóa và tiền tệ được Chính phủ thực hiện trong thời gian qua. Đáng chú ý, việc giải ngân cho các DA đầu tư công được đẩy mạnh giúp lượng tiền cung ra nền kinh tế khá hơn, thúc đẩy các hoạt động đầu tư, kinh doanh khởi sắc. Thêm nữa, chứng khoán tăng trưởng cũng được kỳ vọng sẽ kéo thị trường BĐS phục hồi theo. Cũng theo ông Phúc, việc Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo TPHCM thời gian qua đã tập trung cho việc tháo gỡ khó khăn về chính sách, tạo niềm tin cho DN, trong đó có ngành BĐS, chắc chắn sẽ giúp thị trường BĐS sôi động trở lại trong thời gian không xa. Sự chuyển biến trong cấp phép, tháo gỡ thủ tục cho DN, dự án BĐS là cơ sở để nguồn cung cho thị trường gia tăng trong những quý tới. Trong khi đó, ông Phạm Lâm, Phó Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam, Tổng Giám đốc Công ty DKRA Vietnam, nhận định, những khó khăn trong thời gian vừa qua đã để lại bài học đắt giá cho nhiều DN, cho thị trường và cả cơ quan quản lý. Để thị trường BĐS phát triển bền vững hơn trong thời gian tới, Nhà nước cần đẩy mạnh công tác giám sát, quản lý. Thị trường sẽ vận hành bình thường khi các bên làm đúng và đủ vai trò của mình. Cơ quan quản lý nhà nước cứ theo luật mà làm, nếu vướng cần sửa ngay và sớm tháo gỡ, chứ không nên để ngắc ngứ kéo dài.

* Chuyên gia BĐS PHAN CÔNG CHÁNH: Mấu chốt là tháo gỡ pháp lý

Những khó khăn vướng mắc được nói đi nói lại là pháp lý và vốn. Pháp lý đang nghẽn do nhiều cán bộ ngại không dám làm, không dám ký vì vướng luật. Do đó, giải pháp nhanh nhất hiện nay là khơi thông pháp lý. Khi pháp lý DA hoàn thiện, DN có thể hợp tác đầu tư, thu hút vốn FDI, đi vay và đặc biệt là khách hàng an tâm đổ tiền vào BĐS. Vì thế, đề nghị cơ quan chức năng chỉ đạo quyết liệt hơn để đột phá khâu pháp lý. Pháp lý thông thì mọi thứ cũng sẽ thông. Khi DN bán được hàng sẽ có dòng tiền xoay vòng, thị trường sẽ khơi thông.

* Chuyên gia kinh tế, TS LÊ BÁ CHÍ NHÂN: Đẩy nhanh tiến độ rà soát hơn nữa

Thủ tướng đã thành lập Tổ công tác về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện DA BĐS cho các địa phương, doanh nghiệp. Vậy thì cần đẩy nhanh tốc độ hỗ trợ hơn nữa vì thị trường BĐS có tác động rất lớn tới nhiều thị trường khác. Thị trường BĐS hồi phục sẽ tạo đà cho các thị trường khác khởi sắc, nhất là thị trường vật liệu xây dựng, trang trí nội thất… Cần có những biện pháp đồng bộ để phát triển thị trường như kích thích sức mua trong dân, khuyến khích, cổ vũ những chủ đầu tư làm ăn có đạo đức, bàn giao sản phẩm đúng cam kết, có mức giá phù hợp. Những chủ đầu tư uy tín xứng đáng được hỗ trợ vay vốn nhanh nhất, ưu đãi nhất. Hãy bỏ tư duy phải “giải cứu” thị trường BĐS đi vì mục tiêu quan trọng hiện nay vẫn là chống lạm phát, trong đó BĐS vẫn nằm trong diện bị kiểm soát tín dụng. Cũng cần phải có cách nhìn đúng đắn về vị trí và vai trò của chủ đầu tư BĐS trong nền kinh tế, để có những chính sách, cách hành xử phù hợp. Bản thân các ngân hàng cũng không nên có cái nhìn cứng nhắc và nên phân loại đối tượng chủ đầu tư cần hỗ trợ vốn. Tôi cho rằng sự khủng hoảng của thị trường BĐS hiện nay cũng có mặt tốt của nó, là cơ hội cho thị trường tự sàng lọc. DN nào đủ mạnh thì không những vượt qua mà còn có nhiều cơ hội hơn. Những DN làm ăn chụp giật, yếu về năng lực tài chính, không có định hướng chiến lược rõ ràng... thì phải rút lui. Đó mới chính là vận hành đúng quy luật của thị trường.