Chiều 12-8, Thường trực Chính phủ đã họp trực tuyến với các bộ, ngành và 15 địa phương về tình hình dịch COVID-19.
Đẩy nhanh nghiên cứu vaccine phòng dịch
Phát biểu kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết thời gian qua các bộ,ngành, địa phương đã bình tĩnh triển khai các giải pháp phòng, chống dịch nên cơ bản xử lý có kết quả. Đặc biệt, đã tích cực vận động nhân dân thực hiện đeo khẩu trang, rửa tay... để phòng dịch.
Các địa phương đã xét nghiệm chủ động, truy vết tiếp xúc, cách ly tập trung kịp thời. Bộ Y tế tiếp tục phát huy điều phối hiệu quả, hỗ trợ kịp thời các phương tiện, năng lực xét nghiệm, nhân lực và vật tư.
Thủ tướng cũng cho rằng qua đợt này đã rút ra được bài học là phải làm nhanh, các cơ sở y tế thực hiện nghiêm bộ tiêu chí an toàn, không được phép lơ là, chủ quan để dịch bệnh bùng phát, lây lan...
Trong thời gian tới, để phòng, chống dịch tốt hơn nữa, Thủ tướng cho rằng chúng ta đã triển khai cho người dân cài ứng dụng Bluezone, đến nay đã có 16 triệu cài đặt nên cần phải tiếp tục đẩy mạnh việc này. Các cơ quan truyền thông ở trung ương và địa phương cần truyền thông nâng cao ý thức để người dân không chủ quan, luôn cảnh giác trước dịch.
Đối với Bộ Y tế, ông Nguyễn Xuân Phúc đề nghị cần đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu thuốc, vaccine phòng dịch COVID-19, lập hồ sơ sức khỏe điện tử cho người dân, hoàn thiện phác đồ điều trị.
Theo Thủ tướng, ngành y tế cần tăng cường đào tạo, tập huấn nhân viên y tế, có quy trình chuẩn xử lý dịch COVID-19, không để bệnh nhân đi lang thang hết bệnh viện này đến bệnh viện khác. “Ho, sốt phải kiểm tra ngay để phát hiện kịp thời. Tất cả công dân Việt Nam có biểu hiện ho, sốt đều phải được kiểm tra tức thì để ngăn chặn lây nhiễm COVID-19. Tiếp tục bảo vệ người có nguy cơ cao, nhất là người cao tuổi, người có bệnh lý tim mạch, đái tháo đường” - ông Nguyễn Xuân Phúc nói.
Từ ngày 12-8, người dân Đà Nẵng đi chợ bằng thẻ. Ảnh: BÙI TOÀN
“Không tham nhũng thì không có gì phải ngại”
Thủ tướng cũng cho biết ông đã nhận được nhiều lời phàn nàn về việc không dám mua sinh phẩm và kit xét nghiệm vì sợ vi phạm. Do đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế làm việc với Tổng cục Hải quan công bố giá thiết bị xét nghiệm nhập khẩu sớm hơn nữa, từ đó tính toán các chi phí khác như vận chuyển, thuế… để có mức giá phù hợp.
Đối với bộ kit xét nghiệm, hiện nay, Bộ KH&CN đã cấp giấy phép cho Công ty Việt Á, BV 103 và một số doanh nghiệp khác có khả năng sản xuất. Thủ tướng đề nghị thành lập tổ liên ngành gồm y tế, tài chính, KH&ĐT, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, đại diện một số bệnh viện lớn mời các nhà sản xuất đến làm việc để xác định mức giá gồm giá thành do doanh nghiệp báo, lợi nhuận cần thiết, giá chuyển giao công nghệ… để chốt mức giá trần rồi thông báo đến 63 tỉnh, TP.
Đối với thiết bị, sinh phẩm nhập khẩu xét nghiệm, Thủ tướng đồng ý mời một số nhà nhập khẩu đến đàm phán, chốt giá trần. “Cứ thế mà mua công khai, minh bạch, ta không tham nhũng, tiêu cực, không có gì phải ngại, không đẩy trách nhiệm lên cấp trên” - ông Nguyễn Xuân Phúc nói.
Từ kinh nghiệm của Quảng Nam và Đà Nẵng, Thủ tướng đề nghị các địa phương thành lập đội tuyên truyền để giám sát trong cộng đồng, đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà các đối tượng nghi ngờ, báo y tế kiểm tra. Còn bài học ở TP.HCM là đã triển khai khám bệnh tại nhà cho người cao tuổi, có bệnh nền.
Các tỉnh, thành, các bệnh viện phải xây dựng cơ sở vật chất, kịch bản ứng phó, tránh di chuyển bệnh nhân nhiều.
Người đứng đầu Chính phủ cũng đề nghị tiếp tục kiểm soát chặt chẽ vùng biên giới. “Từng địa phương nên suy nghĩ một chiến lược kháng dịch bệnh hiệu quả, cả về kinh tế và đặc biệt là y tế. Nên đánh giá mức độ rủi ro từng khu vực trong một địa phương, không nhất thiết phong tỏa toàn bộ TP trong một thời gian quá dài” - ông Nguyễn Xuân Phúc nói và cho rằng việc đóng cửa nghiêm ngặt trong một quy mô quá rộng không chỉ tê liệt phát triển kinh tế - xã hội mà còn tác động tiêu cực đến tâm lý của người dân.
Phải tỉnh táo vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế Thủ tướng cho rằng cần phải tỉnh táo và có cách làm phù hợp trong mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế. Không thể coi thường tính mạng của người dân nhưng cũng không thể đóng cửa toàn bộ mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh. |
Đà Nẵng đã hạn chế dịch lây lan ra cộng đồng
Trước đó, báo cáo tại cuộc họp, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết kể từ khi ghi nhận ca nhiễm vào ngày 24-7, đến nay cả nước ghi nhận 451 ca nhiễm, trong đó có 405 ca lây nhiễm trong cộng đồng tại 15 tỉnh, thành. Trong số đó đã có 17 bệnh nhân nhiễm COVID-19 tử vong, điểm chung là những người này đều có bệnh lý nền nặng như suy thận mạn, đái tháo đường, tăng huyết áp.
Về các yếu tố dịch tễ liên quan đến Đà Nẵng, ông Long cho biết đã xác định và kiểm soát 335.000 người, trong đó 136.700 người đã được lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2.
Theo ông Long, ổ dịch tại Đà Nẵng đang từng bước được kiểm soát, đã hạn chế được việc lây lan rộng ra cộng đồng, số trường hợp mắc mới ghi nhận giảm trong những ngày gần đây. Các trường hợp mắc bệnh ghi nhận tại Đà Nẵng trong thời gian vừa qua phần lớn là các trường hợp tại các bệnh viện trong thời gian bị phong tỏa (43 trường hợp) và các trường hợp tiếp xúc gần (Fl) với các trường hợp mắc bệnh đã được cách ly y tế tập trung (172 trường hợp).
Cũng theo ông Long, do phần lớn không có triệu chứng mắc bệnh (khoảng 40%) nên việc phát hiện các trường hợp này tại các cơ sở y tế là rất khó. “Việc nâng cao năng lực cho các tuyến và thực hiện khám chữa bệnh từ xa là rất cần thiết để chủ động sàng lọc bệnh nhân và có thể xét nghiệm ngay tại tuyến huyện, thực hiện cách ly điều trị tại tuyến tỉnh” - ông Long nói.
Ngoài ra, ông Long cũng cho rằng mặc dù đợt dịch này đã từng bước được kiểm soát và hạn chế được khả năng lây lan rộng ra cộng đồng, tuy nhiên trong thời gian tới vẫn có thể sẽ tiếp tục xuất hiện các trường hợp mắc bệnh rải rác từ các trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 chưa được phát hiện trong cộng đồng.
Thêm 17 ca nhiễm mới, một ca tử vong Chiều tối 12-8, Bộ Y tế cho biết Việt Nam ghi nhận thêm 14 ca nhiễm COVID-19 mới (BN867-880), trong đó một ca ghi nhận tại Hà Nội (có địa chỉ Hải Dương), 13 ca tại Đà Nẵng. Cụ thể: BN867: Nam, 63 tuổi; ở Bình Giang, Hải Dương; BN868: Nữ, 58 tuổi; ở Thanh Khê, Đà Nẵng; BN869: Nữ, 83 tuổi; ở Hòa Vang, Đà Nẵng; BN870:Nữ, 35 tuổi; ở Điện Bàn, Quảng Nam; BN871: Nữ, 59 tuổi; ở Cẩm Lệ, Đà Nẵng; BN872: Nam, 56 tuổi; ở Hòa Vang, Đà Nẵng; BN873: Nữ, 77 tuổi; ở Hòa Vang, Đà Nẵng; BN874: Nữ, 56 tuổi; ở Hải Châu, Đà Nẵng; BN875: Nữ, 26 tuổi; Liên Chiểu, Đà Nẵng; BN876: Nam, 51 tuổi; ở Duy Xuyên, Quảng Nam; BN877: Nam, 41 tuổi; ở Thanh Khê, Đà Nẵng; BN878: Nam, 30 tuổi; ở Hải Châu, Đà Nẵng; BN879: Nam, 33 tuổi; ở Hải Châu, Đà Nẵng; BN880: Nam, 46 tuổi; ở Thanh Khê, Đà Nẵng. Sáng cùng ngày, Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống COVID-19 cho biết đã ghi nhận ba ca mắc mới COVID-19 tại Hải Phòng được cách ly ngay khi nhập cảnh. Cụ thể: BN864 là nữ, 36 tuổi, quê Nghi Lộc, Nghệ An; BN865 là nam, 33 tuổi, quê Cẩm Giàng, Hải Dương; BN866 là nam, 33 tuổi, quê Mỹ Lộc, Nam Định. Các bệnh nhân từ Nhật Bản về Việt Nam ngày 10-8 trên chuyến bay VN 331. Cùng sáng 12-8, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế tại TP Đà Nẵng, thông tin về trường hợp tử vong của bệnh nhân COVID-19. Theo đó, BN431, nam, 55 tuổi, địa chỉ tại Hòa Khánh Bắc, Liên Chiểu, Đà Nẵng. Bệnh nhân tử vong lúc 0 giờ 30 ngày 12-8 với chẩn đoán viêm phổi nặng do COVID-19, trên bệnh nhân đái tháo đường type 1, suy thận mạn giai đoạn cuối, sốc nhiễm trùng, suy đa tạng. Như vậy, tính đến 18 giờ ngày 12-8, Việt Nam có tổng cộng 880 ca mắc COVID-19, 17 ca tử vong. Số lượng ca mắc mới liên quan đến Đà Nẵng tính từ ngày 25-7 đến nay là 419 ca. |