Sau gần 2 giờ bay khảo sát bằng trực thăng khu vực TP.HCM và một số tỉnh Đông Nam Bộ, Bí thư Nguyễn Văn Nên nói: "Nguồn lực đất đai TP.HCM còn quá lớn, lần quy hoạch này phải làm sao khai thác tốt nguồn lực này".
Bí thư Nguyễn Văn Nên (bìa phải), Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh Nguyễn Thành Tâm (đứng) cùng khảo sát khu vực TP.HCM và Tây Ninh - Ảnh: TIẾN LONG
Bí thư Nguyễn Văn Nên (bìa phải), Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh Nguyễn Thành Tâm (đứng) cùng khảo sát khu vực TP.HCM và Tây Ninh - Ảnh: TIẾN LONG

Khoảng 11h trưa 26-8, sau gần 2 giờ bay bằng trực thăng, hai đoàn gồm lãnh đạo TP.HCM và các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai cùng đại diện các sở, ngành đã kết thúc chuyến khảo sát từ trên cao phục vụ việc lập các quy hoạch TP.HCM.

Trước đó, hai trực thăng đã chở đoàn xuất phát từ sân bay của Sư đoàn Không quân 370 đi về hướng Củ Chi, qua khu quy hoạch khu đô thị Tây Bắc, vòng lên khu vực hồ Dầu Tiếng (Tây Ninh).

Suốt buổi khảo sát, Bí thư Nguyễn Văn Nên dành hầu hết thời gian để quan sát, quay phim, chụp hình các khu vực quận, huyện của TP.HCM nhìn từ trên cao - Ảnh: TIẾN LONG

Suốt buổi khảo sát, Bí thư Nguyễn Văn Nên dành hầu hết thời gian để quan sát, quay phim, chụp hình các khu vực quận, huyện của TP.HCM nhìn từ trên cao - Ảnh: TIẾN LONG

Đoàn cũng đi qua khu vực TP Thủ Đức, khu vực rừng ngập mặn Cần Giờ, huyện Bình Chánh, khu quy hoạch Bình Quới - Thanh Đa (Bình Thạnh). Ở độ cao 200m, các thành viên đoàn dễ dàng nhìn bao quát tình hình đô thị TP.HCM từ trực thăng.

Trực thăng vừa đáp, Bí thư Nguyễn Văn Nên trao đổi với Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP.HCM Nguyễn Thanh Nhã và thành viên trong đoàn về việc những khu vực như Bình Chánh, Củ Chi, Cần Giờ..., nguồn lực đất đai còn chưa khai thác hết.

Nhìn từ trên cao, những khu vực da beo, đất đai bỏ trống còn nhiều, xen lẫn giữa những khu dân cư. Ông Nên chia sẻ lần quy hoạch này cố gắng để khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai rất lớn đó, nhất là đất ven hai bờ sông Sài Gòn.

Chủ tịch Phan Văn Mãi cùng lãnh đạo các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và các chuyên gia khảo sát và trao đổi về quy hoạch TP.HCM - Ảnh: TIẾN LONG

Chủ tịch Phan Văn Mãi cùng lãnh đạo các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và các chuyên gia khảo sát và trao đổi về quy hoạch TP.HCM - Ảnh: TIẾN LONG

Trao đổi với báo chí sau chuyến khảo sát, Chủ tịch Phan Văn Mãi cho biết chuyến bay khảo sát sẽ là tư liệu rất quan trọng để giúp TP.HCM trong việc xây dựng quy hoạch TP cho sát hơn, đặc biệt là trong bối cảnh liên kết vùng và phát huy trục sông Sài Gòn và hành lang ven biển.

Ông Mãi cho hay trong chuyến bay, TP.HCM mời các đơn vị tư vấn xây dựng quy hoạch TP, quy hoạch chung và cùng các cơ quan chức năng. Sau chuyến khảo sát, UBND TP sẽ ngồi lại với tư vấn để xác định các định hướng cũng như lựa chọn những không gian phát triển phù hợp với TP trong liên kết vùng.
Chủ tịch Phan Văn Mãi trao đổi với lãnh đạo các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và sở, ngành trong chuyến khảo sát - Ảnh: TIẾN LONG

Chủ tịch Phan Văn Mãi trao đổi với lãnh đạo các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và sở, ngành trong chuyến khảo sát - Ảnh: TIẾN LONG

Nói thêm về việc phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng (TOD), ông Mãi cho hay sau khi có nghị quyết 98 của Quốc hội (thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM), TP.HCM đã tiến hành rà soát các không gian dọc theo tuyến vành đai 2, vành đai 3, metro số 1, metro số 2, cao tốc kết nối, đặc biệt là cao tốc TP.HCM - Mộc Bài.

Khai thác hiệu quả không gian đất hai bên bờ sông Sài Gòn là mục tiêu lớn lãnh đạo TP.HCM đặt ra cho việc lập quy hoạch sắp tới - Ảnh: TIẾN LONG

Khai thác hiệu quả không gian đất hai bên bờ sông Sài Gòn là mục tiêu lớn lãnh đạo TP.HCM đặt ra cho việc lập quy hoạch sắp tới - Ảnh: TIẾN LONG

Qua rà soát cho thấy TP có nhiều không gian có thể phát triển TOD, và đây cũng là những trung tâm của các đô thị vệ tinh của TP trong tương lai. Đây là tiềm năng rất lớn để khai thác quỹ đất, vừa cấu trúc lại mô hình đô thị đa trung tâm của TP.

"Qua bay khảo sát, chúng ta thấy việc phân bổ, bố trí sử dụng đất còn nhiều bất cập, chúng tôi đánh giá là kém hiệu quả. Nhiều khu đất da beo đan xen. Điều này đặt ra cho TP.HCM trong quy hoạch sắp tới làm sao phải cấu trúc lại khu sản xuất, khu dân cư để phát huy tối đa hiệu quả sử dụng đất", ông Mãi nói.

Quy hoạch phải bảo vệ tuyệt đối Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ

Một trong những mục tiêu quan trọng trong việc lập quy hoạch TP.HCM sắp tới là định hướng phát triển kinh tế ven sông - hướng biển. Cùng với đó, xây dựng huyện Cần Giờ xanh như một đô thị sinh thái ven biển.

Trao đổi về việc này, Chủ tịch Phan Văn Mãi cho biết định hướng quy hoạch phát triển TP nói chung và Cần Giờ nói riêng, TP.HCM tôn trọng, bảo vệ tuyệt đối Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ.

Đồng thời nghiên cứu phát triển thêm không gian xanh đô thị, không gian khác ở trên toàn TP.

-------------------------------

Lãnh đạo TP.HCM và Đông Nam Bộ lên trực thăng khảo sát để lập các quy hoạch

Sáng nay 26-8, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên và Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cùng lãnh đạo các tỉnh Đông Nam bộ, sở, ngành… đã lên trực thăng bay khảo sát từ trên cao phục vụ việc lập các quy hoạch TP.

Đoàn thứ nhất có Bí thư Nguyễn Văn Nên, Tư lệnh Bộ tư lệnh TP Nguyễn Văn Nam, Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP Nguyễn Thanh Nhã - Ảnh Tiến Long
Đoàn thứ nhất có Bí thư Nguyễn Văn Nên, Tư lệnh Bộ tư lệnh TP Nguyễn Văn Nam, Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP Nguyễn Thanh Nhã - Ảnh Tiến Long

Chuyến khảo sát được hỗ trợ bởi Sư đoàn Không quân 370. Nhóm khảo sát chia thành hai đoàn, mỗi đoàn gồm 10 thành viên. Bí thư Nguyễn Văn Nên tham gia đoàn 1.

Bí thư Nguyễn Văn Nên (bìa phải) xem bản đồ hành trình bay khảo sát - Ảnh: TIẾN LONG

Bí thư Nguyễn Văn Nên (bìa phải) xem bản đồ hành trình bay khảo sát - Ảnh: TIẾN LONG

Cùng đoàn có Bí thư Tỉnh uỷ Tây Ninh Nguyễn Thành Tâm, tư lệnh Bộ Tư lệnh TP, chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP, chánh Văn phòng Thành ủy cùng giám đốc các sở Quy hoạch và Kiến trúc, Xây dựng. Phóng viên báo Tuổi Trẻ cùng đi ghi nhận với đoàn.

Đoàn 2 có Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh, phó tư lệnh, tham mưu trưởng Bộ tư lệnh TP, chánh văn phòng UBND TP, phó viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM cùng các chuyên gia.

Đoàn khảo sát ngắm TP.HCM qua cửa sổ trực thăng - Ảnh: TIẾN LONG

Đoàn khảo sát ngắm TP.HCM qua cửa sổ trực thăng - Ảnh: TIẾN LONG

Trước đó, tháng 9-2021, Thủ tướng ký quyết định 1528 phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060.

Đến tháng 5-2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính ký quyết định 642 phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Lãnh đạo TP.HCM nghe báo cáo về lịch trình bay khảo sát - Ảnh: TIẾN LONG

Lãnh đạo TP.HCM nghe báo cáo về lịch trình bay khảo sát - Ảnh: TIẾN LONG

Lãnh đạo TP.HCM xác định việc quy hoạch có ý nghĩa rất lớn trong việc định hình và xây dựng các kế hoạch, chính sách phát triển kinh tế, xã hội nói chung và trong từng lĩnh vực nói riêng.

Việc thực hiện nghiêm túc, bài bản công tác quy hoạch sẽ giúp định hướng, sắp xếp tối ưu về mặt không gian, lãnh thổ, đảm bảo một cấu trúc hợp lý giữa các ngành, lĩnh vực.

Tham dự đoàn khảo sát cùng trực thăng với chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi còn có chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh và quyền chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức - Ảnh: C.T.V.

Tham dự đoàn khảo sát cùng trực thăng với chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi còn có chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh và quyền chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức - Ảnh: C.T.V.

Chuyến khảo sát nhằm đảm bảo việc lập các quy hoạch TP.HCM đạt chất lượng, hiệu quả, tiến độ và khả thi cao, phù hợp với chủ trương, định hướng phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh trên địa bàn TP.

Trong đó có việc điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 và lập quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

4 nội dung cơ bản của việc lập quy hoạch TP.HCM

Việc lập quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ tập trung 4 nội dung cơ bản gồm:

Phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng (TOD). Theo đó, đoàn sẽ khảo sát dọc tuyến metro 1, 2 và các tuyến giao vành đai 3, các kết nối với Bình Dương và các tỉnh Đông Nam Bộ.

Nội dung 2, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện mô hình chính quyền đô thị phù hợp với quy mô của một đô thị trên 10 triệu dân và tổ chức các thành phố trực thuộc TPHCM. Mục tiêu khảo sát sẽ tập trung vào việc phân bổ dân cư tại các quận, huyện tại TP. Đặt nó trong tương quan của hạ tầng đô thị và hạ tầng xã hội. Đặc biệt là một số cửa ngõ của TP.

Nội dung 3, phát triển kinh tế ven sông - hướng biển. Đoàn sẽ khảo sát dọc sông Sài Gòn, các tuyến kênh rạch gắn với đô thị từ trên cao, hệ thống cảng biển kết nối.

Nội dung 4, quy hoạch Cần Giờ xanh như một đô thị sinh thái ven biển. Theo đó, đoàn khảo sát các không gian về kinh tế biển, không gian về rừng gắn với hai dự án lớn về cảng trung chuyển, đô thị nước biển, cũng như các khảo sát về năng lượng tái tạo tập trung vào điện gió ngoài khơi ở vùng biển Cần Giờ gắn với Vũng Tàu.