90.000 ha cao su đang vào kỳ thu hoạch mủ năng suất cao của 16 đơn vị thành viên VRG gieo trồng, phát triển từ năm 2007 đến nay, là thành công có tính bước ngoặt của hành trình cao su Việt ở Campuchia.

Những năm tháng đầu, hành trình ấy đối mặt vô vàn khó khăn, tưởng chừng như không thể vượt qua, nhưng như lời của Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Campuchia Nguyễn Huy Tăng, nhờ sự tiếp sức từ lãnh đạo 2 nước Việt Nam - Campuchia, các doanh nghiệp cao su đã trụ vững, từng bước tiến lên, gặt hái thành công. Ước sản lượng khai thác cả năm 2023 khoảng 136.454 tấn, ước tổng lợi nhuận trước thuế cả năm 2023 khoảng 586 tỉ đồng, đảm bảo việc làm và thu nhập cho hơn 17.000 công nhân lao động người Campuchia...

Hành trình cao su Việt ở Campuchia: Mệnh lệnh từ trái tim - Ảnh 1.

Chùa do các công ty cao su VRG xây dựng ở Kampong Thom, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tôn giáo cho công nhân cao su người Campuchia

"Bán lại dự án cho nước ngoài là phải bỏ tù"

Đại sứ Nguyễn Huy Tăng kể về một kỷ niệm đặc biệt, mà ông ví đó là "kỷ niệm của mệnh lệnh từ trái tim". Các doanh nghiệp Việt qua Campuchia phát triển dự án kinh tế, trong quá trình hoạt động, đều xem đại sứ quán là chỗ dựa về mặt tinh thần, cứ gặp khó là tìm đến nhờ sự trợ giúp. Với tâm thế "gõ cửa sẽ mở ngay", sự giúp đỡ của đại sứ quán luôn để lại tình cảm tốt đẹp trong cộng đồng doanh nghiệp Việt ở Campuchia.

"Thực ra việc hỗ trợ của Đại sứ quán để các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp cao su nói riêng, thì đây vừa là tình cảm, vừa là trách nhiệm của cơ quan đại diện ngoại giao của chúng ta. Bởi vì là bên cạnh ngoại giao chính trị, ngoại giao an ninh quốc phòng thì đại sứ quán có một nhiệm vụ rất đặc biệt, đó là ngoại giao kinh tế. Và trong giai đoạn hiện nay, ngoại giao kinh tế chiếm tỷ trọng và vai trò hết sức quan trọng", Đại sứ Nguyễn Huy Tăng chia sẻ.

Theo Đại sứ Nguyễn Huy Tăng, từ đại sứ cho đến anh em cán bộ, nhân viên đại sứ quán luôn luôn xác định là phải đồng hành cùng các doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp gặp khó khăn, đại sứ quán phải tìm mọi cách để hỗ trợ cho các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, nhất là về mặt thể chế, chính sách của nước sở tại. Nếu có vấn đề, vướng mắc gì cần tháo gỡ thì đại sứ quán luôn luôn là người đi tiên phong để trao đổi với các cơ quan của phía bạn để cùng với phía bạn, chúng ta tháo gỡ cho các doanh nghiệp.

Đại sứ Nguyễn Huy Tăng kể rằng, khi giá mủ cao su thời điểm năm 2011 - 2012 giảm sâu, các doanh nghiệp cao su cạn nguồn lực để triển khai dự án, thì khi đó ông có báo cáo Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (nhiệm kỳ 2011 - 2016).

"Sau khi tôi báo cáo thì bác Tư Sang có nói một câu. Bác bảo là bây giờ các doanh nghiệp chúng ta phải cố gắng trụ vững để đảm bảo sự hiện diện của Việt Nam tại Campuchia. Bác nói là nếu như doanh nghiệp nào mà bán lại dự án cho nước ngoài là phải bỏ tù", đại sứ Nguyễn Huy Tăng nhớ lại, và nói thêm: "Thì tinh thần là như vậy, tôi nghĩ bác Tư Sang nói vậy thì vừa đùa nhưng mà cũng là mệnh lệnh để cho các doanh nghiệp phải nghiêm túc chấp hành".

Hành trình cao su Việt ở Campuchia: Mệnh lệnh từ trái tim - Ảnh 2.

Trường học trong vùng dự án do công ty cao su xây dựng phục vụ nhu cầu học tập cho con em công nhân

Theo Đại sứ Nguyễn Huy Tăng, sau "mệnh lệnh từ trái tim" ấy, các doanh nghiệp dự xong hội nghị toàn quốc về triển khai thực hiện thỏa thuận giữa 2 nước Việt Nam - Campuchia, đã quyết tâm để khắc phục, vượt qua khó khăn, "và cho đến nay hôm nay chúng ta nhìn lại thì phải nói chủ trương đó là chủ trương rất đúng, và nó đã góp phần đưa các doanh nghiệp cao su chúng ta từ chỗ khó khăn, bây giờ đã có chỗ đứng vững trên thị trường cao su".

Tôi thấy nét mặt Đại sứ Nguyễn Huy Tăng hiện rõ niềm vui và sự tự hào, khi ông kể về bước ngoặt ấy của hành trình cao su Việt ở Campuchia.

Đại sứ Nguyễn Huy Tăng thông tin rằng, số lượng doanh nghiệp Việt Nam tại Campuchia bây giờ khá nhiều, có đến hàng trăm doanh nghiệp nhưng doanh nghiệp có tên tuổi thì khoảng hơn 40 doanh nghiệp. "Nhưng nếu tính doanh nghiệp lớn thì cũng không nhiều, trong đó nổi bật là mạng viễn thông Metfone thuộc Viettel. Sau đến 16 công ty của Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam, rồi đến Vinamilk - ở bên này là Angkormilk, và một vài doanh nghiệp khác nữa thôi. Các doanh nghiệp còn lại đều là những doanh nghiệp nhỏ", Đại sứ Nguyễn Huy Tăng nói thêm.

Tiên phong chuyển lợi nhuận về nước

16 công ty thành viên của VRG đầu tư cao su trải dài trên 7 tỉnh tại Campuchia: Kampong Thom, Kratie, Rattanakiri, Odor Mean Chey, Preah Vihea, Siem Reap và Mondulkiri. Tôi có dịp đến Kampong Thom 2 lần, nơi có Công ty cao su Bà Rịa Kampong Thom. Trụ sở công ty bây giờ được sửa sang khang trang, sân rộng đổ bê tông, có sân cầu lông, tennis, bóng chuyền, vườn tiểu cảnh…, trông khác hẳn so với cách đây một năm. Sự đổi thay cơ sở vật chất này cũng nhờ hiệu quả dự án cao su.

Chúc mừng sự thành công của Cao su Bà Rịa Kampong Thom trên xứ sở Chùa Tháp, tôi bắt tay thật chặt anh Hoàng Hữu Tuấn, Tổng giám đốc công ty. Khi chuyện trò, anh Tuấn chia sẻ nhiều tin vui. Năm 2022, sau đại dịch Covid-19 kéo dài, công ty khai thác được hơn 11.000 tấn mủ (năng suất hơn 2 tấn/ha), doanh thu hơn 373 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế hơn 90 tỉ đồng. "Nguồn tài chính của công ty luôn đảm bảo, đáp ứng kịp thời cho nhu cầu sản xuất kinh doanh của đơn vị. Trong năm 2022 cũng đã thực hiện chuyển lợi nhuận về Việt Nam với số tiền hơn 117 tỉ đồng", anh Tuấn chia sẻ.

Hành trình cao su Việt ở Campuchia: Mệnh lệnh từ trái tim - Ảnh 3.

Công nhân cao su ở Kampong Thom

6 tháng đầu năm 2023, sản lượng mủ khai thác được hơn 3.340 tấn, tổng doanh thu lũy kế hơn 159 tỉ đồng, lợi nhuận ước đạt hơn 18 tỉ đồng, có gần 1.000 lao động người Campuchia đang khai thác ổn định. So với chỉ tiêu đặt ra cho cả năm 2023: sản lượng khai thác 10.500 tấn, doanh thu 378 tỉ và lợi nhuận 110 tỉ đồng, theo anh Tuấn, thì đây là nhiệm vụ khó khăn đối với công ty trước dự báo tình hình kinh tế thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp khiến giá mủ cao su giảm xuống còn khoảng 30 triệu đồng/tấn, so với giá kế hoạch năm là 36 triệu đồng/tấn. Do đó, để đạt được thành tích tốt nhất, công ty tiếp tục thực hiện tốt công tác tổ chức sản xuất, quản trị tốt chi phí, giá thành; nâng cao năng suất lao động, năng suất vườn cây, chất lượng sản phẩm; ổn định thu nhập nhằm duy trì ổn định lực lượng lao động, bảo vệ tốt sản phẩm…

Ở vùng sâu vùng xa của Kampong Thom, điều kiện còn nhiều khó khăn. Để đảm bảo đủ lao động khai thác mủ cao su, Cao su Bà Rịa Kampong Thom đặc biệt chú trọng đảm bảo chế độ phúc lợi và an sinh xã hội. Công ty luôn thực hiện tốt quy định của nước sở tại đối với người lao động như đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn, bảo hiểm hưu trí, chi trả trợ cấp thai sản, trang bị bảo hộ lao động đầy đủ… Ngoài ra, công ty còn quan tâm đến đời sống tinh thần của người lao động, thăm hỏi tặng quà cho công nhân và gia đình nhân các ngày lễ tết truyền thống; tổ chức cho công nhân tham quan nghỉ mát.

"Cao su Bà Rịa Kampong Thom cũng vừa xây dựng thêm 2 căn nhà cấp 4 diện tích 70 m2/căn ổn định chỗ ở cho lao động mới, xây dựng 1 nhà trẻ diện tích 258 m2 phục vụ nhu cầu học tập cho con em người lao động, giúp họ yên tâm công tác. Công tác chăm sóc sức khỏe cho người lao động, các chương trình y tế cộng đồng, phòng chống dịch bệnh được duy trì và thực hiện tốt. Người lao động được khám và điều trị miễn phí tại trạm xá công ty, trong năm 2022 đã thực hiện khám và điều trị cho 4.129 lượt người. Trường tiểu học Hữu Nghị luôn duy trì 7 lớp học cho con em công nhân, công ty bố trí xe đưa đón học sinh hằng ngày, giáo viên giảng dạy tại trường được hỗ trợ thêm tiền lương 100 USD/người/tháng", anh Tuấn chia sẻ thêm.