Sức ép từ bán chốt lời lớn, dòng tiền vào cổ phiếu bất động sản giảm
VN-Index đóng cửa tuần 37 của năm tại mốc 1.227,36 điểm, giảm 14,12 điểm, tương đương 1,14% so với tuần trước, thanh khoản duy trì tăng.
Giá trị giao dịch khớp lệnh bình quân phiên trên 3 sàn đạt 27.957 tỉ đồng, tăng nhẹ so với mức bình quân phiên của tuần trước.
Theo chuyên gia Fiintrade, thanh khoản bình quân này hiện chỉ thấp hơn 4% so với mức bình quân giai đoạn VN-Index đạt đỉnh.
Trong tuần, dầu khí, phân phối xăng dầu và khí đốt, chứng khoán và ngân hàng giữ vai trò nâng đỡ chỉ số và tỉ trọng phân bổ dòng tiền duy trì hoặc tăng ở các ngành này.
Ngược lại, bất động sản, thép, thực phẩm và hóa chất điều chỉnh và gây áp lực lên chỉ số. Tỉ trọng phân bổ dòng tiền giảm ở các ngành này.
Đáng chú ý ở tuần này, VN-Index đã trải qua 3 phiên giảm điểm với thanh khoản tăng trong khi 2 phiên tăng điểm lại có thanh khoản giảm.
Theo chuyên gia Fiintrade, điều này cho thấy thị trường chịu sức ép từ lực bán chốt lời khi giá hầu hết các cổ phiếu đang ở vùng đỉnh từ đầu năm 2023 đến nay và tâm lý chung vẫn khá thận trọng khi lực cầu chỉ xuất hiện ở vùng giá thấp.
Giá cổ phiếu bất động sản đang ở đâu so với thời đỉnh?
Riêng nhóm cổ phiếu bất động sản, theo quan sát trong nhiều phiên trở lại đây, nhóm này xu hướng giảm khá lấn át, chỉ có một số cổ phiếu duy trì tích cực.
Do xu hướng phục hồi chưa rõ nét, nhận định về triển vọng nhóm cổ phiếu này có sự phân hóa.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Lê Đức Khánh, giám đốc phân tích Chứng khoán VPS, cho biết năm nay không xếp nhóm bất động sản vào nhóm ưu tiên khi thị trường vẫn gặp nhiều khó khăn.
"Triển khai các dự án chậm, nợ xấu tăng, tốc độ bán hàng chậm, dòng tiền âm...", ông Khánh nói.
Vừa qua, theo ông Khánh, nhóm cổ phiếu này tăng tốt vì có nhiều thông tin hỗ trợ thị trường bất động sản. Ngoài ra, thị trường diễn biến tốt khiến cổ phiếu này cũng tăng giá.
Ông Khánh nhấn mạnh nhà đầu tư cần lưu ý một số yếu tố nếu muốn giải ngân cổ phiếu này như cần phải đánh giá kỹ triển vọng doanh thu lợi nhuận, quỹ đất, cơ cấu nợ/tổng tài sản...
Còn ông Trường Hiền Phương - giám đốc Chứng khoán KIS Việt Nam - lại cho rằng bất động sản vẫn là ngành hút nhà đầu tư với yếu tố kỳ vọng khá lớn.
Ông Phương cho biết các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước với nhóm ngành này bắt đầu thẩm thấu dần. Sự hồi phục từ nay đến cuối năm chưa rõ nét, nhưng sẽ bắt đầu khởi sắc dần trong năm 2024.
Chuyên gia VNDirect cũng cho rằng "thị trường bất động sản sẽ tiếp tục trầm lắng trong một năm tới" và sự phục hồi sẽ dần rõ nét từ nửa cuối năm 2024 khi các nút thắt dần được tháo gỡ.
Với nhóm cổ phiếu ngành này, chuyên gia VNDirect khuyến nghị nhà đầu tư nên tập trung vào những doanh nghiệp uy tín, thể hiện được những thế mạnh như: quỹ đất lớn, đã hoàn thiện các thủ tục pháp lý và cơ sở hạ tầng và sẵn sàng chào bán trong giai đoạn 2023-2025.
Tiếp đến, các sản phẩm phát triển hướng đến phân khúc bình dân và tầm trung và khả năng tăng trưởng lợi nhuận cũng như mở rộng phạm vi hoạt động tốt với sức khỏe tài chính lành mạnh (bao gồm đòn bẩy thấp, thanh khoản cao).
Thị trường đã ghi nhận những tín hiệu hồi phục tích cực khi các chủ đầu tư bắt đầu đưa hàng ra. (Ảnh minh họa - Ảnh: NLĐ)
Những dấu hiệu tích cực từ ngành bất động sản
Chuyên gia VNDirect cũng cho biết họ nhận thấy những dấu hiệu tích cực từ các doanh nghiệp bất động sản chủ động mua lại trước hạn các khoản trái phiếu (12.561 tỉ đồng), giúp giá trị trái phiếu đáo hạn nửa cuối năm 2023 và 2024 giảm lần lượt 12% và 10% so với trước khi mua lại.
Qua đó giảm áp lực đáo hạn trái phiếu dù áp lực vẫn ở mức cao, đặc biệt với các doanh nghiệp gặp khó khăn về dòng tiền.
Ngoài ra, VNDirect cũng đưa ra một số tín hiệu tích cực khác như rủi ro mất khả năng thanh toán của doanh nghiệp địa ốc đã giảm nhẹ khi thực hiện gia hạn thời gian đáo hạn trái phiếu và kéo giãn nợ ngân hàng theo nghị định số 08 và nghị quyết số 33.
"Tuy nhiên, vấn đề thanh khoản doanh nghiệp bất động sản vẫn là vấn đề đáng lo ngại khi nhiều doanh nghiệp vẫn chậm trả lãi và gốc trái phiếu do những khó khăn ở các kênh tái cấp vốn cùng với việc doanh số ký bán giảm mạnh bởi tâm lý thị trường.
Chúng tôi cho rằng rủi ro thanh khoản vẫn ở mức cao với lượng lớn trái phiếu đáo hạn khoảng 65.906 tỉ đồng trong nửa cuối năm 2023 và 124.200 tỉ đồng trong năm 2024", chuyên gia VNDirect nhận định.