"Chuồng cọp" bịt kín lối thoát nạn
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Nhân Dân, hiện nay, tình trạng quây kín các nhà cao tầng bằng hệ thống "chuồng cọp" nhằm phòng trộm cắp diễn ra khá phổ biến trên hầu khắp các quận nội thành Hà Nội.
Tại khu vực đường Tân Triều (Thanh Xuân, Hà Nội), trên đoạn đường hơn 100m nhưng có đến hơn chục nhà trọ ‘’chen nhau’’ mọc lên như những lô cốt với song sắt bịt kín. Cách đó không xa, tại khu tập thể cũ ven đường Nguyễn Trãi, hệ thống "chuồng cọp" cũng xuất hiện phổ biến và dày đặc.
Ngay tại khu vực Khương Hạ, nơi gần hiện trường vụ cháy kinh hoàng cũng tồn tại không ít hệ thống chung cư mini được thiết kế theo cách tương tự, nằm sâu trong các ngách nhỏ. Những lan can luôn được "bịt kín mít" bởi những dãy song sắt chắc chắn. Chỉ một số ít hộ chủ động tạo lối thoát hiểm nhỏ trên chính những "chuồng cọp" này.
Lối mở trên “chuồng cọp” tại căn hộ tầng 3 chung cư bị cháy tại Khương Hạ. Đây cũng chính là đường thoát thân của 1 gia đình 4 người trong đám cháy thương tâm hôm 12/9. |
Anh T.D.H (35 tuổi), hiện đang sống trong một chung cư cũ có cơi nới “chuồng cọp” tại quận Thanh Xuân nói: "Khi mua lại căn hộ tại tầng 5, tôi đã thấy có chuồng cọp từ trước. Ngoài việc chống trộm cắp, các hộ gia đình tại khu tôi sống còn tận dụng làm nơi phơi phóng, trồng cây. Nhưng sau vụ cháy chung cư tại Khương Hạ, có lẽ tôi phải nhìn nhận lại về mức độ an toàn của hệ thống này".
Trong tình huống xảy ra sự cố hỏa hoạn, các “chuồng cọp” sẽ vô tình bịt kín lối thoát nạn. Hồi đầu tháng 5/2023, một ngôi nhà 4 tầng tại phường Quang Trung, Hà Đông (Hà Nội) đã bất ngờ bốc cháy dữ dội. Một số người dân cho biết khi phát hiện hỏa hoạn, có người mắc kẹt bên trong, nhưng lửa cháy lớn ở tầng một, phía trước ngôi nhà được quây kín khung sắt nên không thể tiếp cận, giải cứu nạn nhân.
Hệ thống “chuồng cọp” kiên cố tại ngôi nhà bị cháy ở phường Quang Trung, Hà Đông đã cản trở việc cứu hộ cứu nạn. Hậu quả, 4 người đã tử vong sau đó vì bị mắc kẹt bên trong. |
Tiếp đó, vụ cháy chung cư mini tại Khương Hạ đêm 12/9 một lần nữa gióng lên tiếng chuông cảnh báo về nguy cơ mất an toàn đối với cách "bảo vệ" nơi ở bằng "chuồng cọp" kể trên.
Các chuyên gia về phòng cháy, chữa cháy nhận định: "Chuồng cọp" càng kiên cố thì khả năng thoát nạn khi có hỏa hoạn càng trở nên khó khăn hơn. Chưa kể tới việc, đây cũng trở thành "vật cản" đối với công tác tiếp cận hiện trường của lực lượng chức năng.
“Chuồng cọp” bủa vây các chung cư cũ. |
Do những nhà dạng ống gần như chỉ có lối thoát hiểm duy nhất là cầu thang. Khi có cháy, lối này đã bị khói, lửa chặn nên phương thức tối ưu nhất của cảnh sát là cắt dỡ những lồng sắt để mở đường cứu nạn. Thời gian cắt các lồng sắt khá lâu dẫn tới không kịp cứu người. Lồng sắt nào càng được gia công kiên cố thì nguy cơ thiệt hại về người và tài sản càng lớn.
Cưa "chuồng cọp", mở lối thoát
Sau vụ cháy thương tâm tại Khương Hạ, nhiều người bắt đầu lo lắng, tìm cách tự mở lối thoát trong các căn hộ của mình.
Anh Phan Văn Quý (Thanh Trì, Hà Nội) làm trong lĩnh vực chuyên lắp đặt hệ thống phòng cháy chữa cháy. Từ gần 1 tuần nay, ngày nào anh cũng nhận được điện thoại hỏi về các thiết bị cảnh báo có liên quan. "Họ hỏi từ bình cứu hỏa, chuông báo cháy...", anh Quý thông tin thêm.
Tại khu nhà trọ 7 tầng tại số 30A, ngõ 73 Tân Triều (Thanh Xuân, Hà Nội), ngay sau sự cố tại Khương Hạ xảy ra, anh Cao Duy Vũ, chủ nhà đã lên kế hoạch cắt những song sắt bịt kín ban công vì nhà anh chỉ có duy nhất một lối thoát là cầu thang bộ đi chung.
Ngoài ra, anh Vũ cũng yêu cầu người thuê trọ chỉ được sạc xe điện vào khung giờ trước 22 giờ hằng ngày. Sau thời gian này, toàn bộ khu vực sạc sẽ bị ngắt điện.
Cắt mở “chuồng cọp” tại một khu nhà trọ tại đường Tân Triều. |
Cách đó không xa là khu nhà trọ của chị Triệu Thị Bé tại số 61A ngõ 73 Tân Triều. Từ đầu tuần, chị Bé đã thuê người cắt song sắt "chuồng cọp" để mở lối thoát cho khu trọ 5 tầng của mình. Ngoài ra, chị Bé cũng kiểm tra, thay thế hệ thống bình cứu hỏa tầng 1, cầu thang bộ và tại ban công các phòng ở.
“Sự việc vừa qua như một hồi chuông cảnh tỉnh, nên chúng tôi quyết định cắt một phần 'chuồng cọp' để mở lối thoát đề phòng trường hợp xấu xảy ra. Gia đình cũng đang trang bị thêm cho mỗi tầng một bình cứu hỏa và thời gian tới trang bị thêm thang dây thoát hiểm theo quy chuẩn", chị Bé thông tin.
Sau khi cưa bỏ phần song sắt, một "lối thoát" đã được tạo ra. |
Anh Nguyễn Gia Thắng, chủ nhà trọ số 67/73 Tân Triều cũng cho biết, nhà anh đã tiến hành cắt "chuồng cọp" chỉ 2 ngày sau vụ cháy Khương Hạ. "Chúng tôi cũng sẽ khẩn trương rà soát, trang bị thêm các thiết bị thoát hiểm an toàn cho người thuê trong thời gian sớm nhất", người đàn ông này nói.
Người dân cần làm gì?
Để tránh những sự việc đáng tiếc, đau lòng liên quan đến cháy nổ xảy ra tại các khu chung cư cũ, chung cư mini có "chuồng cọp", Bộ Công an đã đưa ra những khuyến cáo để người dân áp dụng.
Theo đó, các hộ dân không nên thiết kế, lắp đặt "chuồng cọp", trường hợp cần thiết nên bố trí ô cửa để thoát hiểm. Mỗi gia đình cần có phương án thoát nạn và chia sẻ cho các thành viên trong gia đình biết.
Các nhà, công trình có lồng sắt bảo vệ phía ngoài, khi bốc cháy có thể thoát qua ô cửa trên các lồng sắt đó để sang các công trình liền kề.
Phá bỏ “chuồng cọp” để tạo lối thoát hiểm khi sự cố xảy ra. |
Nếu không có sẵn các cửa thoát hiểm, người dân cần bình tĩnh tìm kiếm các vật dụng như búa, rìu, kìm cộng lực nhằm bẻ gãy hoặc mở rộng các ô trên lồng sắt để có thể di chuyển tới nơi an toàn. Những gia đình có lồng sắt quây kín nói riêng và mọi hộ gia đình nói chung cần trang bị kiến thức, kỹ năng, trang bị thiết bị phòng cháy, chữa cháy, thoát hiểm cơ bản để bình tĩnh ứng phó khi có sự cố cháy, nổ xảy ra.
Khi phát hiện đám cháy, người dân cần nhanh chóng báo động để mọi người trong nhà biết và thoát ra ngoài theo lối cửa chính của căn nhà nếu như lối này chưa bị lửa, khói bao trùm.
Hiện trường căn chung cư mini bị cháy tại Khương Hạ đêm 12/9. |
Trường hợp lối thoát cửa chính đã bị lửa, khói bao trùm thì bình tĩnh, cùng các thành viên trong gia đình tìm lối thoát khác như di chuyển ra ngoài ban công, sử dụng thang dây, dây thừng, nối các vật dụng như rèm, ga giường... để thoát xuống dưới nơi an toàn.
Trong quá trình di chuyển cần bình tĩnh và thực hiện các biện pháp để tránh hít phải khói, khí độc hoặc bị lửa tạt gây bỏng hoặc cháy quần áo.
Khi xảy ra cháy, không trú ẩn dưới gầm giường, tủ quần áo, trong nhà vệ sinh. Trước khi mở cửa dùng mu bàn tay kiểm tra nhiệt.