Còn chợ đầu mối Hóc Môn là địa điểm trung chuyển, cung ứng hàng hóa nông sản thực phẩm hàng đầu ở khu vực Tây Bắc của TP, mỗi đêm tiếp nhận hàng chục ngàn lượt xe và người đến mua bán.
Vì vậy, Ban Giám đốc Công an TP.HCM đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, công an địa phương tăng cường bám sát địa bàn, tấn công các nhóm tội phạm hình sự hoạt động lưu động, tập trung rà soát các đối tượng nghi vấn để đấu tranh nhằm ngăn chặn, răn đe, xóa bỏ điều kiện ẩn náu của tội phạm.
Giang hồ trấn lột tiền của tiểu thương
Từ nhận định trên, Ban Giám đốc Công an TP.HCM chỉ đạo các phòng nghiệp vụ phối hợp công an quận huyện quản lý địa bàn chợ đầu mối tổng rà soát, lên kế hoạch đấu tranh với băng nhóm tội phạm bảo kê, cho vay nặng lãi... Vừa qua, Công an TP.HCM đã triệt xóa hai băng nhóm bảo kê tại chợ Bình Điền. Điển hình, Công an TP.HCM đã khởi tố các bị can gồm: Nguyễn Văn Tuấn (cầm đầu băng nhóm), Nguyễn Trần Hạo Nam, Nguyễn Hoàng Đạt (16 tuổi), Nguyễn Hoàng Phúc (20 tuổi), Lê Minh Đô (20 tuổi), Nguyễn Văn Thương, Vương Ngọc Hân và Đặng Thị Kiều để điều tra về các tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm; gây rối trật tự công cộng và cưỡng đoạt tài sản.
Đây là kết quả việc mở rộng điều tra của Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM trong vụ án bảo kê ở chợ Bình Điền do người thân của giang hồ Châu Phát Lai Em cầm đầu, bị công an triệt xóa hồi tháng 4.2023.
Theo hồ sơ của công an, Nguyễn Văn Tuấn có mối quan hệ họ hàng với băng nhóm của Châu Phát Ti, Châu Phát Tuấn, Châu Phát Hùng và là cháu ruột của Châu Phát Lai Em (đàn em của Năm "Cam", đã bị TAND TP.HCM tuyên án tử hình về tội giết người năm 2003). Băng nhóm của Ti, Tuấn, Hùng dù có mối quan hệ họ hàng nhưng giữa những bị can này có mâu thuẫn nên tách thành hai băng nhóm hoạt động riêng.
Nguyễn Văn Tuấn mở quán cà phê ở P.7 (Q.8) để tạo vỏ bọc hoạt động, đây là nơi tập trung đàn em, hằng ngày gây áp lực cho người bán hàng rong bên ngoài chợ Bình Điền nộp tiền, ai chống đối sẽ bị nhóm này tấn công, đập phá tài sản. Sau các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm do Công an TP.HCM và Công an Q.8 thực hiện đầu năm 2023, băng nhóm của Tuấn thu hẹp phạm vi, cường độ hoạt động. Tuấn và Hân sống chung như vợ chồng và chuyển về Bà Rịa-Vũng Tàu ẩn nấp nhưng vẫn điều hành từ xa. Tuấn giao cho Nam, Thương trực tiếp cùng đồng bọn thu tiền của người buôn bán hàng rong bên ngoài khu vực chợ Bình Điền...
Còn băng nhóm của Châu Phát Ti, đến nay công an xác định nhóm này cưỡng đoạt tài sản của các tiểu thương, hộ kinh doanh dịch vụ vận chuyển hàng hóa trong chợ Bình Điền với số tiền hơn 2,8 tỉ đồng.
Một trinh sát cho biết quá trình đấu tranh, triệt phá băng nhóm này gặp rất nhiều khó khăn bởi các đối tượng chủ mưu, cầm đầu đều là những giang hồ cộm cán, có nhiều tiền án và kinh nghiệm đối phó với lực lượng chức năng. Bọn chúng thu nạp nhiều đàn em là thành phần bất hảo để hoạt động bảo kê, cưỡng đoạt tài sản của tiểu thương, đơn vị vận chuyển hàng hóa tại khu vực chợ đầu mối Bình Điền. Dù rất bức xúc nhưng để "yên thân" buôn bán, các tiểu thương đành chấp nhận đóng tiền bảo kê cho các nhóm này mà không dám tố cáo đến cơ quan công an.
"Vòi vĩnh" tiền người vi phạm
Từ tháng 3.2023, Công an H.Hóc Môn nắm thông tin về tình trạng "vòi vĩnh" của một số cán bộ thuộc Tổ quản lý trật tự đô thị (TTĐT) xã Xuân Thới Đông - Đội Quản lý TTĐT H.Hóc Môn để bỏ qua, không xử phạt lỗi dừng đậu phương tiện sai quy định, mua bán lấn chiếm lòng lề đường. Ban Giám đốc Công an TP.HCM đã chỉ đạo Công an H.Hóc Môn xác lập chuyên án, khẩn trương xác minh, điều tra phá án.
Ngày 4.4, Công an H.Hóc Môn bắt quả tang Phan Ngọc Sơn (40 tuổi, ngụ H.Hóc Môn, là tổ viên Tổ quản lý TTĐT xã Xuân Thới Đông) đang nhận tiền hối lộ để bỏ qua lỗi vi phạm. Ngày 13.4, công an đã khởi tố, bắt tạm giam Sơn về tội "nhận hối lộ".
Mở rộng điều tra, ngày 11.8, Cơ quan CSĐT Công an H.Hóc Môn đã khởi tố, bắt tạm giam Nguyễn Trung Nghĩa (42 tuổi, ngụ H.Hóc Môn, là tổ trưởng Tổ quản lý TTĐT xã Xuân Thới Đông) về hành vi chỉ đạo Sơn nhận hối lộ để bỏ qua lỗi vi phạm.
Hồ sơ của công an thể hiện, lợi dụng nhiệm vụ được giao, Nghĩa và Sơn đã lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính đối với người vi phạm. Sau đó, họ tạm giữ phương tiện vi phạm hoặc giấy tờ tùy thân của người vi phạm nhưng không lập biên bản tạm giữ với mục đích gây áp lực để người vi phạm đến xin nộp phạt và nhận lại phương tiện. Tùy theo giá trị của phương tiện tang vật thu giữ, mỗi phương tiện, hai người này nhận từ 500.000 đồng đến 3 triệu đồng. Hoạt động từ tháng 10.2021 đến nay, công an xác định Nghĩa và Sơn đã thu lợi bất chính số tiền hàng trăm triệu đồng.