Kiểm tra nồng độ cồn người điều khiển phương tiện giao thông. Ảnh: CAO THĂNG |
Tình hình TTATGT vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ diễn biến phức tạp, ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn vẫn chưa được giải quyết, vẫn còn xảy ra một số vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, gây bức xúc trong nhân dân. Ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT của một bộ phận người tham gia giao thông chưa tốt, cá biệt có một số cán bộ, công chức, viên chức vi phạm đã bị lực lượng chức năng xử lý nghiêm minh.
Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho biết, từ ngày 15-12-2022 đến ngày 14-9-2023, toàn quốc đã xảy ra 8.333 vụ tai nạn giao thông, làm chết 4.763 người, bị thương 5.802 người, giảm 194 vụ, giảm 124 người chết, tăng 161 người bị thương so với cùng kỳ năm 2022. Các vụ tai nạn giao thông chủ yếu xảy ra trên đường bộ với 8.237 vụ.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chỉ đạo: tuyệt đối không chấp nhận sự can thiệp vào quá trình xử lý vi phạm về nồng độ cồn |
Để thực hiện tốt hơn công tác bảo đảm TTATGT, ngăn chặn, giảm các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, nhất là tai nạn liên quan đến hoạt động kinh doanh vận tải, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT khẩn trương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan rà soát, hoàn thiện dự án Luật Đường bộ để trình Quốc hội khóa XV tại kỳ họp thứ 6, thông qua tại kỳ họp thứ 7.
Đồng thời tiếp tục rà soát sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật có liên quan (nhất là các quy định về xử phạt vi phạm hành chính) nhằm tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong bảo đảm TTATGT. Tiếp tục xử lý các "điểm đen" về tai nạn giao thông trên các tuyến quốc lộ trọng điểm, các tuyến đường đèo dốc, nguy hiểm. Nghiên cứu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý phương tiện giao thông, nhất là phương tiện xe ô tô kinh doanh vận tải.
Phó Thủ tướng giao Bộ Công an duy trì thường xuyên việc tuần tra, xử lý vi phạm theo chuyên đề, nhất là chuyên đề về kiểm soát nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và chuyên đề về kiểm soát tải trọng xe, xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật đối với tất cả các trường hợp vi phạm. Chỉ đạo công an các địa phương, đơn vị (nhất là lực lượng cảnh sát giao thông) nâng cao tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ, tuyệt đối không chấp nhận sự can thiệp của các cá nhân, đơn vị vào quá trình xử lý vi phạm về TTATGT, đặc biệt là vi phạm về nồng độ cồn.
Bộ Công an cùng với Bộ TT-TT và các cơ quan, đơn vị, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền (trực tiếp và gián tiếp) pháp luật về TTATGT; thông tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng đối với vi phạm pháp luật TTATGT của người dân, đặc biệt là vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức…