Diễn đàn Tổng biên tập 2023 do Báo NB&CL tổ chức đã thành công tốt đẹp. Rất nhiều vấn đề được gợi mở và đã có những đề xuất giải pháp để truyền thông chính sách thực sự là nguồn lực cho phát triển, để báo chí phát huy hết vai trò của mình trong công tác truyền thông chính sách...
Tất nhiên vẫn cần những cơ chế đủ mạnh, cần sự đồng lòng từ nhiều phía nhưng chắc chắn những vấn đề đã được đặt ra tại Diễn đàn cùng thực tiễn hoạt động báo chí đã và đang thiết lập được những “đường ray” căn bản đảm bảo cho những mối quan hệ cân bằng, tin tưởng, lâu bền trong công tác truyền thông chính sách.
Nguồn lực chưa thực sự được quan tâm đúng mức
“Nóng” từ thực tiễn hoạt động báo chí đến bàn tròn của Diễn đàn là câu chuyện làm thế nào để truyền thông chính sách thực sự hiệu quả, thực sự bắt nhịp và gánh vác được nhiệm vụ chính trị quan trọng trong bối cảnh hiện nay. Đa số các lãnh đạo cơ quan báo chí tại Diễn đàn Tổng biên tập 2023 cho rằng, báo chí dù được xem là kênh chủ lực để thực hiện truyền thông chính sách nhưng cơ chế, nguồn lực để báo chí thực hiện tốt nhiệm vụ thì vẫn chưa thực sự được quan tâm đúng mức.
Tham dự và phát biểu tại Diễn đàn, Phó Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) Phạm Mạnh Hùng đã có những chia sẻ rất thẳng thắn về hoạt động báo chí cũng như truyền thông chính sách. Ông thừa nhận, “VOV đứng trước nguy cơ suy giảm nguồn thu. Một đài lớn và uy tín như VOV còn đối diện với khó khăn, thì các đài và cơ quan báo chí khác chắc gặp nhiều khó khăn hơn”.
Ông Phạm Mạnh Hùng chia sẻ rằng, VOV có nhiều quảng cáo gần như phát sóng không hoặc phát dạng trả chậm. Thống kê gần đây cho thấy, có 70-80% quảng cáo của doanh nghiệp giờ thuộc về các nền tảng xuyên biên giới. Thế nên, hiện nay phần lớn cơ quan báo chí bây giờ cần dựa vào nguồn ngân sách công, từ các đơn đặt hàng của cơ quan nhà nước.
Phó Tổng Giám đốc VOV cũng cho rằng Diễn đàn truyền thông chính sách là một cơ hội để nói về chính sách truyền thông. Đây cũng là dịp để các cơ quan báo chí cần thay đổi nhận thức của các cơ quan chức năng. Theo ông, báo chí và truyền thông phải có những hành động để giúp cải thiện về mặt chính sách vĩ mô để cho báo chí có những điều kiện tốt hơn trong hoạt động tác nghiệp, để làm sao báo chí sẽ “sống được” và “dễ thở hơn”.
Đồng quan điểm này, ông Lưu Quang Định – Tổng Biên tập báo NTNN/Dân Việt cho hay, tờ báo đã tự chủ 100% tài chính từ năm 1997. Hằng năm, báo xuất bản hàng nghìn bài báo, gần như là truyền thông chính sách “không công” vì chỉ có 1% kinh phí từ ngân sách Nhà nước hỗ trợ. “Khoảng 5% doanh thu của báo có được từ đặt hàng của Chính phủ, các địa phương… nhưng 10 năm nay con số ấy vẫn không thay đổi, thậm chí giảm đi. Nếu có kinh phí thì truyền thông sẽ chất lượng hơn, sâu hơn, dày đặc hơn. Rất mong muốn con số 5% của báo Nông thôn Ngày nay hay nguồn ngân sách cho cơ quan báo chí được nâng lên mức 30-40%” - Tổng Biên tập Lưu Quang Định chia sẻ.
Những con số đầy trăn trở trên đây đặt ra vấn đề rằng nguồn lực đầu tư cho cơ quan báo chí để công tác truyền thông chính sách quá ít đã và đang tạo thành những lực cản không nhỏ đối với các cơ quan báo chí vốn phần lớn vẫn còn đang loay hoay với bài toán tự chủ tài chính. Thêm nữa, trong bối cảnh mới, báo chí đang bị truyền thông xã hội giành giật người xem, người nghe, mất thị phần quảng cáo…
Trong khi đó, báo chí khi tham gia vào quá trình truyền thông chính sách rất cần sự đầu tư về nguồn lực, nhất là các giải pháp về kinh tế và công nghệ. Mặc dù, Chính phủ đã có nhiều giải pháp để hỗ trợ báo chí, song cơ chế đặt hàng, định mức kinh tế - kỹ thuật, đơn giá hiện hành thấp đang tạo rất nhiều áp lực cho các cơ quan báo chí trong việc thực hiện các nhiệm vụ được giao. Bên cạnh đó, sự thiếu hụt về nguồn lực kinh tế cũng làm giảm đáng kể khả năng tiếp nhận các công nghệ mới, giảm năng lực cạnh tranh của các cơ quan báo chí chính thống trong bối cảnh bùng nổ các loại hình truyền thông mạng xã hội.
Nan giải câu chuyện “tắc kinh phí truyền thông”
Một trong những vấn đề khiến câu chuyện tại Diễn đàn chưa có hồi kết, chính là khó khăn về cơ chế đặt hàng của các cơ quan báo chí khi xây dựng đơn giá định mức. Vấn đề hiện còn đang nan giải, đặc biệt là ở một số cơ quan báo chí thuộc bộ ngành lớn. Khó ở câu chuyện chúng ta vẫn cứng nhắc trong các quy định về đấu thầu, về quy định tài chính và công tác nghiệm thu.
Đặc biệt là các yêu cầu xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật, cân đo từng con chữ theo kiểu của các đơn vị, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh vì giá trị tinh thần và giá trị vật chất rất khác nhau. Nhưng do yêu cầu bắt buộc phải xây dựng nên các cơ quan báo chí vẫn phải làm, thậm chí phải thuê tư vấn trong quá trình xây dựng. Tuy nhiên kể từ khi Thông tư 18/2021/TT-BTTTT được ban hành ngày 30/11/2021 (có hiệu lực từ ngày 20/1/2022 đến nay (tháng 8/2023) rất nhiều các cơ quan chủ quản báo chí vẫn chưa phê duyệt định mức kinh tế kỹ thuật, đặc biệt là các bộ ngành.
Báo Giao thông - tờ báo thuộc diện khá ổn định về nguồn lực thì người đứng đầu tờ báo lại có một mối lo khác – đó là chuyện định mức đơn giá làm “tắc kinh phí truyền thông chính sách”. Tổng Biên tập Nguyễn Bá Kiên cho biết, báo Giao thông xây dựng hơn năm nay nhưng chưa được duyệt định mức đơn giá. Nay đành quay về áp dụng nghị định 18 về nhuận bút. Nhưng sang năm 2024 sẽ không thể áp dụng nghị định này để giải ngân truyền thông chính sách, vì khi đó cơ quan báo chí sẽ trả lương theo vị trí việc làm.
Vì vậy, để không bị tắc kinh phí truyền thông chính sách, ông Kiên đề nghị Bộ TT-TT nghiên cứu giúp các cơ quan báo chí để có cơ chế phù hợp. Còn quy định như Thông tư 18 hiện nay rất khó cho cơ quan báo chí.
Thêm vào đó, theo ông Lê Trọng Minh – Tổng Biên tập Báo Đầu tư, một trong những khó khăn của báo chí đang gặp phải cũng đang nằm ở chính cơ chế đặt hàng, khi các thủ tục đấu thầu đang gây khó cho những cơ quan báo chí có thể giành được những hợp đồng truyền thông chính sách ở Trung ương và cả địa phương…
Một phần của câu chuyện này, vấn đề tự chủ cũng được đặt ra để nói đến vai trò của cơ quan chủ quản trong truyền thông chính sách. Ông Nguyễn Thanh Lâm - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, để có thể giúp cơ quan báo chí thực hiện tốt nhiệm vụ truyền thông chính sách, thì “hai bên cùng bắt tay với nhau để cùng thực hiện việc chung và hai bên đều tìm được cái mình mong đợi”. Điều mà ông Nguyễn Thanh Lâm nhấn mạnh nữa là việc cần phải cải thiện mối quan hệ về cả cơ chế, chính sách và kinh tế giữa báo chí và cơ quan chủ quản.
Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, hầu hết cơ quan báo chí hiện tại không nhận được sự hỗ trợ về tài chính từ cơ quan chủ quản của mình. “Hiện nay rất nhiều cơ quan chủ quản đang hiểu sai về tự chủ của cơ quan báo chí và nghĩ tự chủ nghĩa là tự bơi” - ông Lâm đánh giá. Rõ ràng, khi “cái khó” bó “cái khôn”, ảnh hưởng lớn nhất chính là chất lượng sản phẩm, là chất lượng trong bài toán truyền thông chính sách của các cơ quan báo chí.
Đồng thanh tương ứng…
Đồng thanh tương ứng như thế nào để có hiệu quả và giải được những câu chuyện đang rất bức thiết hiện nay…chính là điều mà các lãnh đạo cơ quan báo chí, lãnh đạo các bộ ngành địa phương mong muốn lan tỏa tại Diễn đàn này. Thẳng thắn đưa ra giải pháp, ông Lưu Quang Định nhấn mạnh: “Chúng tôi khuyến nghị có bốn vấn đề, cụ thể: Chúng ta cần phải hoàn thiện các thể chế chính sách về truyền thông chính sách để đặt hàng cho cơ quan báo chí hiện nay. Tiếp theo là về nhận thức của các cấp ủy, các bộ, ngành, địa phương cần phải đầy đủ hơn, coi việc truyền thông chính sách không chỉ là việc của báo chí mà làm việc của chính quyền, chính quyền phải chủ động đặt hàng báo chí. Thứ ba, đó là từ thể chế chính sách cho đến nhận thức một vấn đề nữa cần được đề cập đến là nguồn lực. Cuối cùng, một vấn đề rất kỹ thuật, rất cụ thể đó là xây dựng định mức đơn giá kỹ thuật…”.
Ông Trần Thanh Lâm - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, đánh giá Diễn đàn Tổng biên tập 2023 là một sự kiện rất bổ ích để giúp các nhà hoạch định chính sách có thêm những chính sách và cơ chế tốt hơn, để báo chí làm tốt công tác truyền thông chính sách của mình. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng báo chí cần phải nhìn lại mình rằng đã thực sự làm tốt truyền thông chính sách hay chưa. “Chúng ta đã nghe rất nhiều Tổng biên tập nói nhiều đến vấn đề là chính sách làm gì cho truyền thông báo chí. Tuy nhiên, tôi cũng thấy rằng cần phải nhìn nhận báo chí chúng ta đã làm được gì cho công tác truyền thông chính sách”, ông đặt vấn đề. |
Bên cạnh các vấn đề mang tầm chính sách vĩ mô, nhiều ý kiến cũng đưa ra bài toán “đồng thanh” hiệu quả giữa hai chủ thể chính tham gia trong vấn đề truyền thông chính sách, đó là bộ ngành địa phương và các cơ quan báo chí. Trong bối cảnh thông tin nhiễu loạn như hiện nay, việc không chủ động cung cấp thông tin cho báo chí chẳng khác gì hành động “tự sát” trước dư luận mà nếu không xử lý kịp thời thì rất có thể dẫn khủng hoảng truyền thông và xa hơn nữa là tình trạng không đồng thuận đồng lòng trong thực thi chính sách, gây bất ổn xã hội.
Kiến giải từ góc độ cơ quan quản lý báo chí, ông Lưu Đình Phúc - Cục trưởng Cục Báo chí, cho rằng: “Tại Việt Nam, về cơ bản chúng ta đã làm rất tốt theo chỉ đạo, định hướng của Đảng, quản lý của Nhà nước. Thế nhưng đâu đó vẫn có những câu chuyện, những chính sách của địa phương khi đưa ra chưa có sự khảo sát đánh giá kỹ lưỡng dẫn đến thông tin được lan truyền trên mạng xã hội trái ngược với thông tin chính thống. Nguyên nhân do người dân chưa được tiếp cận thông tin, thiếu thông tin dẫn đến có những ý kiến, bình luận ở một góc độ khác…”. Điều này đặt ra bài toán phối hợp giữa các cơ quan trong cả 3 giai đoạn của truyền thông chính sách: xây dựng, phổ biến và ban hành, tiêu thụ chính sách.
Trong vấn đề phối hợp, bà Lê Ngọc Hân - Giám đốc Sở Thông tin Truyền thông Quảng Ninh cũng chia sẻ cách làm từ địa phương. Bà cho hay: “Quảng Ninh luôn đặc biệt coi trọng truyền thông chính sách, nhìn nhận báo chí không chỉ là nguồn lực phát triển mà còn là giải pháp phát triển kinh tế- xã hội. Quảng Ninh cho rằng báo chí phải “đi trước mở đường”, tức là không tuyên truyền một chiều cũng không dùng chỉ để nói hay nói tốt cho mình. Báo chí cũng cần “đi trong và đi cùng” trong quá trình xây dựng chính sách để có thể giúp chính sách”.
Coi trọng tính phản biện của báo chí, mong muốn sự tham gia theo cách “đi trong và đi cùng” như tỉnh Quảng Ninh đang thực hiện liệu có được bao nhiêu địa phương áp dụng và đến bao giờ điều ấy mới phổ biến như là chuyện lẽ thường phải thế giữa hai bên? Đó chính là bài toán mở, cần đặt ra khi chúng ta có đủ nguồn lực, đủ tin nhau để…“tương ứng”.
Tất nhiên, cho dù là khó khăn đến mấy thì Báo chí Cách mạng Việt Nam vẫn luôn đặt sứ mệnh và trách nhiệm của người cầm bút lên trên hết, như chúng ta đã và đang làm xưa nay. Cho nên báo chí buộc phải tìm kiếm những giải pháp, buộc phải cùng nhau “đồng thanh” vì một nền báo chí chuyên nghiệp, đổi mới và phát triển. Dẫu rằng những vấn đề mà các lãnh đạo cơ quan báo chí đặt ra tại Diễn đàn này còn cần tháo gỡ trong thời gian tới, không thể ngày một ngày hai. Nhưng không vì những thách thức chưa vượt qua được mà hành trình đồng hành đi tới đích chậm lại.
Kết luận tại Diễn đàn, ông Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng biên tập báo Nhân dân, Phó Trưởng ban tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo VIệt Nam cho rằng, các đại biểu tại Diễn đàn Tổng biên tập đã tranh luận và vỡ ra rất nhiều vấn đề. Có những vấn đề có thể giải quyết sớm, có những vấn đề cần sự can thiệp của Bộ, ngành và thậm chí cao hơn để sửa đổi. Có những vấn đề nằm ở sự chủ động của các cơ quan báo chí, cần phải mạnh dạn, chủ động và năng nổ hơn từ các cơ quan báo chí thay vì chờ đợi nguồn kinh phí thì có thể tham gia truyền thông chính sách của các Bộ, ban, ngành, địa phương với những cách làm sáng tạo, hiệu quả, tăng nguồn thu cho cơ quan báo chí….
“Công tác truyền thông chính sách còn đòi hỏi nhiều nỗ lực. Cần có thêm sự chỉ đạo từ cấp độ Chính phủ. Truyền thông chính sách không chỉ là câu chuyện mong kiếm tìm những nguồn lực mà còn là câu chuyện hợp tác giữa cơ quan chức năng và cơ quan báo chí, câu chuyện tuyên truyền không chỉ một chiều mà còn phải đa chiều, phản biện để hoàn thiện chính sách. Từ những trao đổi hôm nay, tôi mong muốn nền báo chí của chúng ta chuyên nghiệp và khách quan hơn. Chắc chắn đây không phải là diễn đàn duy nhất và cuối cùng về truyền thông chính sách. Sau Diễn đàn này, chúng ta cần tăng cường tuyên truyền về truyền thông chính sách. Chúng ta có sức mạnh của báo chí, chúng ta cần tăng cường nhận thức của cơ quan chức năng về truyền thông chính sách, giữa Nhà nước, cơ quan chức năng và báo chí cần “đồng thanh tương ứng” mới có thể truyền thông chính sách hiệu quả” – ông Lê Quốc Minh nhấn mạnh.
Có thể nói, Diễn đàn Tổng biên tập 2023 do báo Nhà báo và Công luận tổ chức đã “chạm” tới” được những vấn đề quan trọng, tạo nên dấu ấn về một diễn đàn mở, thảo luận và tìm kiếm được các giải pháp bước đầu cho công tác truyền thông chính sách. Chắc chắn thời gian tới như lời Chủ tịch HNBVN Lê Quốc Minh khẳng định thì chúng ta sẽ còn có nhiều những hội thảo, diễn đàn bàn sâu hơn, kĩ hơn để “mở khoá” nhiều nguồn lực trong xây dựng và thực hiện chính sách, đồng thời giúp Báo chí Cách mạng Việt Nam vận hành chuyên nghiệp, thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ và sứ mệnh phụng sự Tổ quốc, phụng sự Nhân Dân.