“Không gian văn hóa Hồ Chí Minh là trường học để rèn luyện tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác cho cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đây là chủ trương mang ý nghĩa lịch sử, chính trị và văn hóa rộng lớn”. Trò chuyện với PV Báo SGGP, GS-TS Hoàng Chí Bảo nhấn mạnh.
GS-TS Hoàng Chí Bảo ảnh 1

GS-TS Hoàng Chí Bảo

* PHÓNG VIÊN: Thưa giáo sư, cần hiểu về giá trị của quan điểm và chủ trương có ý nghĩa đặc biệt này khi xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh là gì?

* GS-TS HOÀNG CHÍ BẢO: Đó là giá trị của đạo đức cách mạng Hồ Chí Minh: cần - kiệm - liêm - chính, chí công vô tư. Giá trị đó đã được tôn lên thành đạo đức hành động của người cách mạng, của Đảng cách mạng chân chính, suốt đời đấu tranh không khoan nhượng với chủ nghĩa cá nhân, tận trung với nước, tận hiếu với dân, suốt đời không màng danh lợi.

Còn giá trị phong cách Hồ Chí Minh là sự giản dị, trung thực, tinh tế, thấu lý đạt tình, dân chủ - khoa học và sáng tạo. Người là bậc thầy về phương pháp biện chứng thực hành, luôn kiên định mọi hành động đi với hợp lòng dân, thuận theo ý dân.

* Khi xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh, cần chú trọng đến vấn đề gì?

* Trước tiên, cần có sự quan tâm chỉ đạo đặc biệt, thường xuyên của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự đầu tư các nguồn lực vật chất của các cấp, sự hỗ trợ của Trung ương cùng với huy động các nguồn lực từ cộng đồng xã hội. Chủ trương đó phải biến thành chương trình hành động cụ thể và sáng tạo, có chính sách đồng bộ, toàn diện về kinh tế - xã hội, văn hóa và con người.

Đồng thời, đáp ứng các điều kiện thực hiện sao cho có hiệu quả về nhiều mặt, nhất là tạo được hiệu ứng và sức lan tỏa xã hội trong mọi thế hệ, thúc đẩy hoạt động giáo dục truyền thống lịch sử dân tộc, truyền thống cách mạng vẻ vang của Đảng, giáo dục lòng yêu nước và niềm tự hào dân tộc; bồi dưỡng tình cảm, niềm tin của cán bộ, đảng viên và mọi tầng lớp nhân dân đối với Đảng, với Bác Hồ; làm nổi bật những sự kiện và tình cảm của Bác Hồ đối với mọi thế hệ; toát lên cảm thụ văn hóa tinh thần của Không gian văn hóa Hồ Chí Minh từ Bến Nhà Rồng, Bảo tàng Hồ Chí Minh đến mọi thiết chế văn hóa khác như thư viện, rạp hát, vườn hoa, công viên, tượng đài Hồ Chí Minh, trường học, khu dân cư…

Các chức sắc, tín đồ đạo Hồi tại một Không gian văn hóa Hồ Chí Minh ở Thánh đường Hồi giáo, phường 17, quận Phú Nhuận. Ảnh: HOÀI NAM ảnh 2

Các chức sắc, tín đồ đạo Hồi tại một Không gian văn hóa Hồ Chí Minh ở Thánh đường Hồi giáo, phường 17, quận Phú Nhuận. Ảnh: HOÀI NAM

* Nhiều nơi đã và đang xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh, theo giáo sư, quy mô và hướng phát triển các không gian này ra sao?

* Không gian văn hóa Hồ Chí Minh sẽ là nơi diễn ra các hoạt động giáo dục, tuyên truyền, sinh hoạt văn hóa cộng đồng, thu hút mọi đối tượng người dân, giới thiệu với khách tham quan, du lịch đối với đồng bào các địa phương và khách nước ngoài. Không gian văn hóa Hồ Chí Minh trên thành phố mang tên Bác với đủ mọi loại hình, quy mô khác nhau, đem lại dấu ấn văn hóa - lịch sử đặc thù, điểm xuất phát và nơi hội tụ cảm xúc, niềm tự hào về đất và người Sài Gòn giàu tiềm năng sáng tạo, tư duy đổi mới khoáng đạt, con người thân thiện, nghĩa tình.

Nhân dân TPHCM có vinh dự thay mặt đồng bào cả nước chứng kiến và tiễn đưa người con ưu tú Nguyễn Tất Thành đi tìm đường cứu nước, đem lại sự đổi đời, tạo ra bước ngoặt căn bản thay đổi số phận dân tộc và triển vọng tươi sáng của dân tộc Việt Nam. Cần huy động rất nhiều tài năng, tâm huyết, sức lực và mọi nguồn lực cho sự kiến tạo văn hóa đặc biệt này.

"TPHCM phải là một thành phố văn hóa và con người sống, làm việc nơi này phải là con người văn hóa, thân thiện, nghĩa tình, đủ sức gây ấn tượng tốt đẹp trong lòng mọi người đến từ khắp mọi miền. Đó là điều cần thiết phải đạt tới trong xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh trên thành phố mang tên Bác"

GS-TS HOÀNG CHÍ BẢO

* Để tạo được sức lan tỏa như giáo sư đề cập, việc tổ chức hoạt động tại các Không gian văn hóa Hồ Chí Minh cần điểm nhấn ra sao?

* Cần chú trọng phát huy vai trò nòng cốt của các cơ quan quản lý và lực lượng xã hội có tiềm năng về giáo dục, văn hóa của TPHCM, như ngành văn hóa, thể thao, du lịch, thông tin truyền thông, báo chí, ngành giáo dục - đào tạo... Việc phát huy tác dụng các Không gian văn hóa Hồ Chí Minh phải làm thường xuyên, nhất là tổ chức thành công các sự kiện văn hóa, nhân các ngày lễ lớn hàng năm.

Đặc biệt, cần chủ động phát huy tài năng sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ trong sáng tác và biểu diễn các tác phẩm thuộc mọi loại hình nghệ thuật để khắc họa hình tượng Hồ Chí Minh, truyền cảm hứng và cảm xúc về Người trong tâm hồn mọi người dân của TPHCM và cả nước. Trong các loại hình nghệ thuật cần chú trọng đặc biệt tới âm nhạc, sân khấu, điện ảnh vốn có sức biểu cảm mạnh mẽ, lâu bền trong đời sống tinh thần của nhiều tầng lớp dân chúng.

Mặt khác, cần có kế hoạch cụ thể và thực hiện công phu trong xây dựng môi trường cảnh quan theo các chuẩn mực văn hóa, tạo sức hấp dẫn lớn đối với người dân thành phố và mọi miền đất nước khi đến với TPHCM.