Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi tặng bằng khen các tập thể có thành tích xuất sắc. Ảnh: VIỆT DŨNG |
Đến dự hội nghị có các đồng chí: Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM; Trung tướng Lê Hồng Nam, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Giám đốc Công an TPHCM; Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TPHCM; Nguyễn Thành Trung, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi khẳng định tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM là phù hợp và phát huy được hiệu quả, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục ổn định, phát triển, người dân, doanh nghiệp ủng hộ.
Trong đó, hiệu quả quản lý nhà nước được nâng lên, công tác cải cách hành chính, cải cách chế độ công vụ, công chức có chuyển biến tích cực. Tổ chức bộ máy tinh gọn, khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lắp chức năng nhiệm vụ giữa các cơ quan. Đồng thời, đội ngũ cán bộ công chức, viên chức được nâng lên về phẩm chất, tinh thần phục vụ, chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng.
Bên cạnh đó, từ tổ chức chính quyền đô thị làm cơ sở thúc đẩy nhanh hơn, hiệu quả hơn chính quyền số của thành phố. TP Thủ Đức bước đầu có được cơ chế để ổn định về tổ chức bộ máy, phương thức hoạt động. Cùng với Nghị quyết số 98/2023/QH15, TP Thủ Đức có điều kiện hoàn thiện hơn nữa.
Tuy nhiên, qua 3 năm thực hiện Nghị quyết 131 cũng đã bộc lộ nhiều bất cập. Trong đó, số biên chế ít so với số lượng công việc; sự phân, ủy quyền vẫn chưa thực hiện triệt để; việc thực hiện quyền làm chủ của người dân vẫn cần nghiên cứu... UBND TPHCM đã tập hợp đầy đủ các vấn đề bất cập, có định hướng điều chỉnh theo thẩm quyền cũng như báo cáo Chính phủ, đề nghị sửa đổi Nghị định số 33/2021/NĐ-CP của Chính phủ về hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 131. Tuy nhiên, sau buổi làm việc với các địa phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất đề nghị sửa đổi Nghị quyết số 131, sau đó sẽ đề nghị sửa đổi nghị định.
Đồng chí Phan Văn Mãi phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG |
Qua đánh giá sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 131, Chủ tịch UBND TPHCM đề nghị hệ thống chính trị, nhất là hệ thống chính quyền các cấp của thành phố cần tập trung thực hiện nghị quyết trên cơ sở phát huy các kết quả đạt được, chủ động khắc phục, đề xuất khắc phục những bất cập đã được nhận diện. Trong đó, tập trung xây dựng chính quyền các cấp, các cơ quan hành chính nhà nước trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, hiệu quả. Qua đó để bộ máy chính quyền, hệ thống hành chính, nền công vụ của thành phố phải theo kịp, phục vụ và kiến tạo cho sự phát triển của thành phố.
Đồng thời, tập trung rà soát hoàn thiện quy trình thủ tục, cải cách hành chính từng cấp, từng cơ quan từ thành phố đến phường; trong đó lấy chỉ số cải cách hành chính được đánh giá hàng năm để soi rọi và có biện pháp. Cùng với đó, tập trung xây dựng vị trí việc làm ở từng cơ quan, xây dựng và triển khai khung cán bộ công chức, viên chức gắn với thực hiện các chủ trương về biên chế của Trung ương để giải quyết các vấn đề bất cập về biên chế. Ngoài ra, các đơn vị đẩy nhanh xây dựng chính quyền số, đến cuối năm 2025 cơ bản chuyển các hoạt động của nền hành chính lên nền tảng số, đạt được những kết quả nhất định về xây dựng chính quyền số TPHCM.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi chia sẻ thêm thành phố đang xây dựng đề án “xây dựng nền công vụ thành phố hiệu lực hiệu quả, phục vụ nhân dân, kiến tạo phát triển”. Trong đó có nội dung chuẩn chỉnh lại quy trình hệ thống, xác định tổ chức bộ máy phù hợp, tập trung các giải pháp xây dựng đội ngũ và hiện đại hóa nền hành chính, xây dựng chính quyền số. Hiện thành phố đang triển khai khẩn trương, phấn đấu đến cuối năm trình các cơ quan có thẩm quyền và năm sau sẽ thực hiện.
Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM Nguyễn Thành Trung trao bằng khen các tập thể có thành tích xuất sắc. Ảnh: VIỆT DŨNG |
Thời gian tới, TPHCM sắp xếp, điều chỉnh khắc phục những bất cập thuộc thẩm quyền của thành phố như phân cấp, ủy quyền từ thành phố xuống các quận, các quận xuống cấp phường; hay vấn đề về đầu tư, ngân sách… Đồng thời, tiếp tục phối hợp các cơ quan Trung ương hoàn thiện hồ sơ đề xuất sửa đổi Nghị quyết 131 và các nghị định, văn bản có liên quan.
TPHCM cũng tập trung nghiên cứu và triển khai các biện pháp phát huy quyền làm chủ của người dân, tổ chức gặp gỡ, đối thoại với người dân, doanh nghiệp gắn với đổi mới phương pháp đánh giá sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp. Phối hợp chặt chẽ, phát huy tốt vai trò giám sát của HĐND TP Thủ Đức cũng như hệ thống MTTQ các cấp. Qua hoạt động tiếp xúc với nhân dân, hoạt động giám sát của HĐND TP Thủ Đức, hệ thống MTTQ, thành phố tiếp thu các ý kiến và có biện pháp để cải thiện. Chủ tịch UBND TPHCM yêu cầu cần thực hiện thường xuyên để nâng cao chất lượng phục vụ, hiệu lực hiệu quả nền hành chính, chính quyền đô thị.
Trước đó, báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết 131, Giám đốc Sở Nội vụ TP Huỳnh Thanh Nhân cho hay, ngày 16-11-2020, Quốc hội ban hành Nghị quyết 131, ngày 19-12-2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 1111/NQ-UBTVQH14 về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập thành phố Thủ Đức thuộc TPHCM (Nghị quyết 1111). TPHCM là địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện tổ chức chính quyền đô thị (CQĐT) (không thí điểm) và thực hiện mô hình thành phố trong thành phố. Đây chính là cơ hội lớn để TPHCM phát triển nhanh hơn, xứng tầm với tiềm năng hiện có.
Giám đốc Sở Nội vụ Huỳnh Thanh Nhân báo cáo tại hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG |
Trong 3 năm thực hiện Nghị quyết 131 và Nghị quyết 1111, thành phố đã đạt được một số kết quả bước đầu trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội và tổ chức bộ máy chính quyền các cấp nâng cao chất lượng quản lý nhà nước để phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Tuy nhiên, còn có mặt hạn chế, yếu kém trên các lĩnh vực quản lý nhà nước và trong công tác cải cách hành chính. Việc sắp xếp kiện toàn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế có mặt chưa đạt; chất lượng và hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức nhìn chung chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ. Tổ chức thực hiện chính quyền đô thị theo Nghị quyết 131, Nghị định số 33/2021/NĐ-CP của Chính phủ còn gặp nhiều vướng mắc do các cơ chế, quy định thiếu đồng bộ và có nội dung chưa phù hợp thực tiễn khi áp dụng cho một địa bàn lớn với khối lượng công việc nhiều, phức tạp như TPHCM.
Để sớm giải quyết các khó khăn, vướng mắc phát sinh tại TPHCM khi thực hiện mô hình CQĐT, thành phố kiến nghị Bộ Nội vụ nghiên cứu, tham mưu trình Chính phủ dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 131 để trình Quốc hội. TPHCM cũng đề xuất Bộ Nội vụ nghiên cứu, trình Chính phủ xem xét phê duyệt số lượng biên chế hành chính, số lượng người làm việc, số lượng hợp đồng lao động của TPHCM theo Nghị định số 111/2022/NĐ-CP cho phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Điều này nhằm thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết 31-NQ/TW và Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị theo hướng giao biên chế theo từng giai đoạn, không giao biên chế theo từng năm và giao biên chế có xét đến yếu tố dân số của từng địa phương.
Dịp này, UBND TPHCM tặng bằng khen của Chủ tịch UBND TPHCM cho 52 tập thể, 71 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác tham mưu, triển khai thực hiện Nghị quyết 131 và Nghị quyết số 1111/NQ-UBTVQH14 của về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập TP Thủ Đức thuộc TPHCM.