Đạo diễn Quang Dũng nói không lường trước chuyện "Đất rừng phương Nam" bị phản ứng, cho rằng một bộ phận khán giả hiểu nhầm thông điệp phim.

- Anh nhìn nhận ra sao về các ý kiến chỉ trích phim?

- Tôi rất buồn, không tưởng tượng phim bị phản ứng tiêu cực đến vậy. Mục đích ban đầu của tôi - cũng như các nhà sản xuất - là muốn làm phim về một vùng đất với các giá trị tình cảm gia đình lẫn tình người. Họ che chở, giúp đỡ nhau giữa hoạn nạn để gìn giữ quê hương. Tuy nhiên, việc khiến khán giả hiểu lầm cũng là điều tôi phải soi xét lại chính mình.

Hiện, sau khi trình lên Cục Điện ảnh, chúng tôi đã hoàn thành việc sửa các chi tiết bị phản ánh trong phim. Cụm từ "Nghĩa Hòa đoàn" được chỉnh thành "Nam Hòa đoàn", "Thiên Địa hội" thành "Chính Nghĩa hội" trong các câu thoại liên quan (khoảng ba, bốn câu). Dòng chữ "Lấy cảm hứng từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Đoàn Giỏi và bộ phim Đất phương Nam" được đưa lên đầu phim, bổ sung thêm câu "Hết phần 1 - Hành trình vẫn còn phía trước" để làm rõ hơn dự định cho phần hai. Bản phim ở rạp được sửa mới từ ngày 16/10, nội dung câu chuyện vẫn giữ như cũ.

Đạo diễn Quang Dũng ở buổi ra mắt phim hồi tháng 9 tại TP HCM. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Đạo diễn Quang Dũng ở buổi ra mắt phim hồi tháng 9 tại TP HCM. Ảnh: Nhân vật cung cấp

- Vì sao anh khai thác đậm câu chuyện về các bang hội kháng Pháp đầu thế kỷ 20?

- Lúc đầu, khi sử dụng hai cái tên hội nhóm kia, chúng tôi muốn làm theo tinh thần của phim truyền hình Đất phương Nam năm 1997 - do nghệ sĩ Vinh Sơn đạo diễn, nhà văn Sơn Nam làm cố vấn. Do đó, chúng tôi dời bối cảnh lên giai đoạn 1920-1930 (thay vì năm 1945 như trong tiểu thuyết gốc). Khi An lưu lạc, cậu bé có nhiều trải nghiệm ở môi trường khác nhau, gặp gỡ các nhóm nghĩa quân tự phát. Trong Đất phương Nam, Thiên Địa hội cũng xuất hiện, ông Tiều là người thuộc tổ chức đó.

Khi nghiên cứu tư liệu để viết kịch bản, chúng tôi nhận ra miền Nam đầu thế kỷ 20 có nhiều hội kín, họ giúp đỡ nhau để đấu tranh chống giặc. Trong phim, nhóm người Hoa chỉ là một trong nhiều nhóm kháng Pháp, ngoài ra còn có nhóm của ba An (Hai Thành), nghĩa quân lục tỉnh. Mỗi nhóm có một mục đích, cách đấu tranh khác biệt, cũng có mâu thuẫn với nhau để tạo nên kịch tính cho phim. Nhiều người trong đó muốn lợi dụng bé An để nhờ các nghĩa quân giúp họ. Nếu xem, khán giả sẽ nhận ra chúng tôi không cố ý đề cao vai trò nhóm của ông Tiều. Sau cùng, tôi muốn nêu bật tình người miền Tây, không phải nâng tầm các hội nhóm trong phim.

- Anh quan sát phản ứng của khán giả ngoài rạp ra sao?

- Những ngày qua, tôi ra rạp, gặp nhiều khán giả đồng cảm với tác phẩm. Họ xem phim với tâm thế hướng về gia đình, cha mẹ. Cũng có những người xem vì muốn nghiên cứu nên đòi hỏi những chi tiết chuẩn xác về lịch sử. Tôi trân trọng điều đó, vì các phim đề tài lịch sử luôn cần những ý kiến phê bình, góp phần thôi thúc khán giả tìm hiểu, đọc lại tư liệu. Chúng tôi ghi nhận, chỉnh sửa phim vì không muốn làm hỏng trải nghiệm của khán giả khi phải nhớ về những lùm xùm của tác phẩm. Tôi muốn họ tập trung vào thông điệp chính - tình cảm con người.

Với các ý kiến trái chiều, chúng tôi xin cảm ơn, song cũng muốn nói rằng, ngay cả sách gốc của nhà văn Đoàn Giỏi cũng là tiểu thuyết, chứ không phải tác phẩm lịch sử. Dự án nhận được sự quan tâm vì điện ảnh Việt đang hiếm các phim làm lại từ tác phẩm kinh điển, đi kèm đó cũng là nhiều soi xét kỹ khiến chúng tôi áp lực.

Chúng tôi cũng đã gặp gia đình nhà văn Đoàn Giỏi, xin phép và ký hợp đồng bản quyền làm phim. Trong buổi công chiếu ở Hà Nội, con gái, con rể nhà văn cũng đến xem và cảm ơn đoàn làm phim đã làm sống lại câu chuyện.

Đạo diễn Quang Dũng (trái) bên - Hồng Ánh (vai mẹ An) và Hạo Khang (vai An). Ảnh: Huyền Đỗ

Đạo diễn Quang Dũng (trái) bên Hồng Ánh (vai mẹ An) và Hạo Khang (vai An). Ảnh: Huyền Đỗ

- Tác phẩm bị cho mang nhiều dấu ấn của Trấn Thành - người đồng sản xuất, dựng phim, góp ý cho kịch bản, có phần lấn át cả đạo diễn. Anh nghĩ sao?

- Với tôi, Trấn Thành rất giỏi, tiếp cận thị trường tốt. Sự kết hợp với Trấn Thành giúp tôi có góc nhìn gần gũi khán giả hơn, bởi một bộ phim - dù mang ý nghĩa ra sao - quan trọng vẫn là chạm được đến đại chúng. Tôi, Thành và nhiều nhà sản xuất khác ngồi lại để có những giải pháp hiệu quả nhất. Trong làm phim, đó là chuyện bình thường.

Quang Dũng: 'Trấn Thành hợp đóng bác Ba Phi nhất'
 
 

Quang Dũng kể chuyện Trấn Thành diễn vai bác Ba Phi trong hậu trường. Video: HKFilms

- Ngoài kịch bản, tác phẩm còn bị chê về kỹ xảo, màu phim. Anh nói gì?

- Thật ra, kỹ xảo ở Việt Nam vẫn là ngành rất mới, có những hạn chế chúng tôi bắt buộc phải chấp nhận. Chẳng hạn, cảnh trí tự nhiên là thứ không thể có đủ để êkíp quay cho giống thật, nên chắc chắn cần sự hỗ trợ của VFX. Kỹ xảo cũng giúp tôi tái hiện phim theo góc nhìn bản thân, bởi tôi nghĩ miền Tây sẽ khác nhau qua tưởng tượng từng người, chẳng hạn trang sách Nguyễn Ngọc Tư hoặc nhà văn Sơn Nam. Trong tâm trí tôi, miền Tây đẹp thơ mộng như lời ba - cố nhà văn Nguyễn Quang Sáng - từng kể hồi tôi còn nhỏ.

- Anh lên kế hoạch thực hiện phần hai như thế nào?

- Chúng tôi đang trong giai đoạn hoàn thiện kịch bản phần hai. Ở phần một, câu chuyện chưa kể hết được hành trình tìm cha của An. Trong phần after-credit, phim hé lộ tình tiết về Võ Tòng và Út Trong, gợi mở tác phẩm kế tiếp.

Làm phim dạng này, khâu kịch bản rất khó bởi chúng tôi cần chắt lọc, nên giữ hay bỏ tình tiết nào ở bản truyền hình lẫn tiểu thuyết. Tôi cũng cân nhắc ở thời lượng, xong phần nào thì phim phải khép lại nội dung phần đó. Sau khi xong kịch bản, chúng tôi sẽ đi chọn đại cảnh, tính toán xem liệu có làm được, nếu không lại phải sửa câu chuyện. Chúng tôi muốn phim phải đẹp, gần gũi người xem, song cũng cần nằm trong khả năng của êkíp. Phần một vì thế mà mất đến sáu năm thực hiện.

Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, 44 tuổi, là con trai của nhà văn Nguyễn Quang Sáng, tốt nghiệp lớp Đạo diễn điện ảnh trường Sân khấu - Điện ảnh TP HCM năm 1999. Thập niên 2000, anh được biết đến với loạt phim giải trí. Nhiều phim của anh đoạt doanh thu cao như Tháng năm rực rỡ - 85 tỷ đồng, Tiệc trăng máu - 175 tỷ đồng.