Trong đề án xây dựng nền công vụ hiệu lực, hiệu quả giai đoạn 2024-2030, TPHCM giao cơ quan chức năng nghiên cứu, thí điểm cho phép cán bộ, công chức, viên chức làm việc ở một số vị trí không tiếp xúc với công dân có thể đăng ký làm việc tại nhà với tỉ lệ phù hợp.

Nếu được thực hiện, sẽ có một bộ phận "người Nhà nước" không cần phải đến công sở, mà có thể giải quyết "việc công" tại nhà riêng, tức là có thể thực thi công vụ tại nhà.

Tùy thuộc vào vị trí đảm nhiệm, phạm vi thẩm quyền, chức năng, trách nhiệm và bổn phận, những người làm việc cho khu vực công (cơ quan Nhà nước) có thể được phân chia thành các nhóm: Cán bộ lãnh đạo, quản lý; công chức, viên chức...

Do làm việc trong tư cách đại diện cho quyền lực công, phục vụ lợi ích công, công việc có tính chất chuyên môn hóa, thu nhập chính đến từ lương và các loại phụ cấp được chi trả từ ngân sách Nhà nước, cho nên có thể gọi lực lượng lao động nêu trên là những "người Nhà nước".

Thận trọng với ý tưởng công chức làm việc tại nhà - 1

Một điểm giải quyết thủ tục hành chính tại thành phố Thủ Đức, TPHCM (Ảnh: Quang Huy).

Từ năm 1922, lý thuyết về mô hình hành chính công của Max Weber (Weberian model) đã chỉ ra ba đặc điểm chính của hệ thống các cơ quan chuyên môn hóa khu vực công, gồm: (i)  cấu trúc tổ chức và đội ngũ nhân sự được bố trí theo trật tự thứ bậc, với thẩm quyền và nhiệm vụ rõ ràng; (ii) hệ thống các đơn vị chuyên môn vận hành theo các nguyên tắc khách quan; (iii) đội ngũ nhân sự được tuyển dụng dựa trên năng lực chuyên môn, bảo đảm công việc lâu dài, và mức lương cố định.

Những đặc điểm nêu trên phân biệt khu vực công với khu vực tư nhân, kể cả yêu cầu về nơi làm việc. Một trong những nguyên tắc quen thuộc là "người Nhà nước" thì phải đến "công sở" để sử dụng "quyền lực công", tiếp nhận và giải quyết "công vụ", tức là phục vụ "công dân".

Những nguyên tắc này giúp mỗi cá nhân "người Nhà nước" ý thức được rằng họ đang làm "việc công", chứ không phải "việc tư" của cá nhân họ.

Bởi thế, "người Nhà nước" không được phép để bất cứ yếu tố tình cảm, lợi ích cá nhân nào chi phối quá trình làm việc. Thay vào đó, họ phải tuân thủ các giá trị được đề cao của khu vực công, như: Bình đẳng, trách nhiệm, liêm chính, phục vụ, công khai, minh bạch…vv. Tất cả các giá trị có tính nguyên tắc này đều có thể bị xâm phạm nếu công vụ được thực thi ngoài công sở.

Ưu điểm dễ thấy từ chủ trương thí điểm "công chức làm việc tại nhà" nêu trên là gia tăng tính linh hoạt trong việc bố trí, sử dụng nhân sự, và phân công công việc. Những bộ phận không thường xuyên phải tiếp xúc với công dân, xử lý công việc thuần túy phụ thuộc vào cá nhân… thì có thể giảm bớt tần suất đến cơ quan, kèm theo đó là thời gian làm việc tại công sở.

Nhờ đó, không gian công sở sẽ giảm bớt mức độ tập trung nhân sự, cùng với đó có thể là giảm áp lực tâm lý cho môi trường làm việc, gia tăng sự chủ động và cảm giác thông thoáng, thoải mái cho một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức.

Trong bối cảnh giao thông tắc nghẽn vào giờ cao điểm ở các đô thị lớn như TPHCM thì việc một bộ phận "người Nhà nước" làm việc tại nhà cũng là cách để góp phần giảm ùn tắc.

Tuy nhiên, cho phép thực thi công vụ tại nhà cũng đối diện với nhiều thách thức tiềm ẩn. Thứ nhất, bộ phận nào và những ai có thể làm việc tại nhà. Hẳn nhiên, những bộ phận bận bịu thì sẽ thường xuyên phải đến cơ quan, thậm chí có thể phải làm thêm giờ trong khi mức thu nhập không tăng, hoặc tăng không đáng kể. Những người như vậy sẽ không có được cảm giác "thư thái" như những người được làm việc ở nhà. Nếu tình trạng này kéo dài, liệu có nảy sinh tâm lý so sánh, tiềm ẩn nguy cơ bất bình, mất đoàn kết nội bộ?

Thứ hai, những công việc gì thì có thể cho phép xử lý tại nhà? Khi đem "việc công" về nhà thì làm thế nào để tuân thủ các yêu cầu về tiến độ hoàn thành, và đặc biệt là không để lợi ích cá nhân chi phối "việc công"? Làm thế nào để đề phòng cán bộ biến nhà riêng thành nơi lý tưởng cho những tiếp xúc, gặp gỡ riêng tư, từ đó có thể ảnh hưởng tiêu cực đến "việc công"?

Quan trọng hơn, khi xuất hiện một bộ phận "người Nhà nước" có thể "đủng đỉnh" ở nhà, hoặc làm việc riêng ở đâu đó trong giờ hành chính thì sẽ ảnh hưởng nhất định đến hình ảnh của đội ngũ cán bộ công quyền.

Thứ ba, làm thế nào để kiểm soát được thời gian làm "việc công" của những người được ở nhà? Khi người đại diện cho công quyền có thể ở nhà thì sẽ rất khó bảo đảm rằng cá nhân cán bộ, công chức, viên chức sử dụng thời gian được trả lương để làm những việc phục vụ "lợi ích công". Cũng có nghĩa, trong khi vẫn hưởng lương Nhà nước, những người được ở nhà hoàn toàn có thể làm những việc khác để phục vụ lợi ích của cá nhân? Nếu điều này xảy ra và kéo dài thì sẽ dẫn đến tình trạng bất bình đẳng, thậm chí là bất công với những người phải thường xuyên bận bịu tại cơ quan.

Thứ tư, cơ quan sẽ xử lý những chi phí phát sinh với nhóm người được làm việc tại nhà như thế nào? Các chi phí đó có thể bao gồm tiền điện thoại, máy móc, trang thiết bị cần thiết…

Nguyên tắc chung là tất cả các "việc công" đều phải được xử lý trên các "phương tiện công", hay còn gọi là công sản. Nếu cho phép sử dụng các phương tiện cá nhân thì sẽ đối diện với nguy cơ để lộ, lọt dữ liệu, thông tin của cá nhân công dân cũng như tình trạng công việc đang được xử lý. Những vấn đề này sẽ được quản lý thế nào?

Với những vấn đề tiềm ẩn nêu trên, chủ trương cho phép một bộ phận "người Nhà nước" làm việc tại nhà trước hết nên thử nghiệm với khối Hội, Đoàn thể và các đơn vị sự nghiệp công lập (Y tế, Giáo dục…).

Do tính chất công việc không phải thường xuyên viện dẫn các quy định hành chính, không nhất thiết phải tham khảo ý kiến đồng nghiệp hay cấp trên, không phải sử dụng đến quyền lực công để ban hành các quyết định cho nên các bộ phận nêu trên có thể linh hoạt bố trí tỷ lệ nhân sự hợp lý giữa ở nhà và đến công sở.

Với những bộ phận có thể triển khai chủ trương cho phép làm việc tại nhà, một điểm cần lưu ý nữa là không nên thực hiện với cán bộ lãnh đạo, quản lý. Nguyên tắc này giúp bảo đảm những người có thẩm quyền ra quyết định sẽ buộc phải đến công sở thường xuyên để thực thi nhiệm vụ.

Cũng có nghĩa, chủ trương cho phép làm việc tại nhà chỉ nên thực hiện với những nhân viên, chuyên viên, những người chỉ xử lý công việc chứ không ban hành quyết định theo quy trình, quy định hành chính, hay luật pháp.

Và cũng có nghĩa, các bộ phận cấu thành nên cỗ máy hành chính Nhà nước (Sở, Phòng, Ban) sẽ không phù hợp để cho phép cán bộ, công chức được làm việc tại nhà. Quy trình giải quyết công việc của các đơn vị hành chính, quản lý Nhà nước có sự liên hệ mật thiết với nhau, nhu cầu tham vấn và xin ý kiến chỉ đạo sẽ thường xuyên xuất hiện. Vì thế, mọi bước giải quyết các thủ tục hành chính cần phải được tiếp nhận và xử lý tại không gian công sở để bảo đảm các nguyên tắc vận hành của khu vực công, như đã nêu ở phần trên.

Thông điệp quan trọng hơn từ chủ trương thí điểm cho phép một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại nhà là tình trạng "cồng kềnh" của bộ máy hành chính, dẫn đến hiện tượng "sáng cắp ô đi, tối cắp ô về" của một số lao động. Làm việc tại nhà có thể giúp giảm bớt tình cảnh "vật vờ" nơi công sở, gia tăng hiệu quả sử dụng thời gian cho người lao động, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều hệ lụy.

Vì thế, việc quan trọng và có tính chiến lược hơn là cần tiếp tục thực hiện các chính sách thu gọn đầu mối đơn vị, hệ thống tổ chức, giảm bớt lực lượng "người Nhà nước". Một bộ máy tinh gọn, chuyên môn hóa cao độ thì sẽ gia tăng được mức độ sử dụng lao động, không phải tính đến chuyện cho phép làm việc tại nhà.

Cho phép một bộ phận "người Nhà nước" làm việc tại nhà không phải là một giải pháp hướng đến xây dựng bộ máy cơ quan Nhà nước đáp ứng các tiêu chí hiện đại, hiệu lực, hiệu quả. Cũng có nghĩa, với một nền quản trị quốc gia hiện đại thì việc công tất yếu phải giải quyết tại nơi công sở.

Tác giả: Ông Nguyễn Văn Đáng có bằng tiến sĩ Quản trị công và chính sách từ trường Quản lý nhà nước Mark O. Hatfield, Đại học Portland State, Mỹ. Hiện ông công tác tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.