Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cùng các đối tác vừa ký kết các hợp đồng liên quan và triển khai chuỗi dự án khí điện Lô B ngày 30-10.Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với các đơn vị về triển khai dự án khí điện Lô B - Ô Môn - Ảnh: VGP

Lễ ký kết diễn ra với sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, đánh dấu bước tiến quan trọng của chuỗi dự án trọng điểm đã kéo dài gần 20 năm. 

Theo Tổng giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng, chuỗi dự án khí điện Lô B là chuỗi dự án khí điện nội địa bao gồm dự án phát triển mỏ Lô B (thượng nguồn), dự án đường ống Lô B - Ô Môn (trung nguồn) và 4 nhà máy điện khí Ô Môn I, II, III, IV ở hạ nguồn, với quy mô đầu tư gần 12 tỉ USD.

Sản lượng khai thác khí dự kiến khoảng 5,06 tỉ m3 khí/năm, cung cấp cho tổ hợp 4 nhà máy điện tại Trung tâm Điện lực Ô Môn với tổng công suất lắp đặt dự kiến lên đến 3.800 MW.

Trải dài gần 20 năm với nhiều lần đàm phán, chuẩn bị đầu tư gặp khó khăn, vướng mắc, tháng 6-2023, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định để PVN chính thức là chủ đầu tư tiếp tục triển khai hai dự án. Đây là quyết sách rất chiến lược.

Với sự kiện này, PVN và các đối tác đã tiến hành ký kết các văn bản quan trọng gồm thỏa thuận khung Lô B; biên bản thống nhất nội dung hợp đồng bán khí Ô Môn I; trao thầu hợp đồng EPC#1 - tạo tiền đề để PVN và các đối tác tiếp tục triển khai các dự án thành phần trong thời gian tới.

  • Dự án khí điện lô B: Tham gia thị trường điện, có dòng khí đầu tiên cuối năm 2026?

    Dự án khí điện lô B: Tham gia thị trường điện, có dòng khí đầu tiên cuối năm 2026?ĐỌC NGAY

    Đánh giá đây là một sự kiện quan trọng, ý nghĩa của ngành dầu khí, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết chuỗi dự án khí điện Lô B - Ô Môn là công trình trọng điểm nhà nước về dầu khí, là chuỗi dự án khí điện có quy mô lớn nhất của Việt Nam đến thời điểm hiện nay. 

Do đó, dự án có vai trò hết sức quan trọng trong chiến lược cân đối cung cầu, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, chuyển đổi năng lượng xanh và phát triển kinh tế - xã hội.

Những khó khăn, vướng mắc của dự án được tập trung giải quyết gồm: chuyển giao chuỗi dự án cho chủ đầu tư là PVN, Bộ Công Thương sửa đổi các quy định và phía Việt Nam làm việc nghiêm túc với các đối tác trên tinh thần hữu nghị, cùng thắng, lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.

Theo đó, người đứng đầu Chính phủ khẳng định Chính phủ Việt Nam đã, đang và sẽ tạo điều kiện thuận lợi, ủng hộ, khuyến khích các hoạt động của PVN và các nhà đầu tư trên cơ sở bảo đảm hài hòa lợi ích hợp pháp, chính đáng của các bên.

Để triển khai chuỗi dự án, Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương tạo điều kiện thuận lợi, giải quyết dứt điểm các khó khăn, vướng mắc, tồn tại. 

Đối với đối tác Nhật Bản, Thái Lan, các nhà thầu cung cấp dịch vụ dầu khí Việt Nam và quốc tế, Chính phủ Việt Nam mong các bên cùng hỗ trợ, phối hợp Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam để triển khai các công việc đầy khó khăn và thách thức trong giai đoạn tiếp theo.