Hầm chui được xây dựng để giúp xe cộ qua đường an toàn, giảm ùn tắc giao thông. Thế nhưng những lúc bị ngập nước lại... phản tác dụng.
Hầm chui như hầm nước
Sáng 13-6, một đoạn ngập dài khoảng 50m, sâu hơn 20cm xuất hiện trong hầm chui An Sương theo hướng từ quốc lộ 22 vào trung tâm thành phố. Hàng loạt ô tô phải "bò" thật chậm, đi sát lề đường để tránh nước ngập. Do đó, giao thông qua khu vực bị ùn tắc cục bộ.
Tương tự, cuối tháng 9 vừa qua, đoạn cuối hầm chui trước cổng bến xe Miền Đông mới, giáp Bình Dương với thành phố Thủ Đức, đã xảy ra tình trạng ngập nước. Xe cộ hướng TP.HCM đi Đồng Nai phải quay đầu chạy ngược chiều.
Đoạn hầm chui này dài khoảng 200m đã bị ngập từ đêm hôm trước kéo dài đến trưa hôm sau (dù mưa đã tạnh hơn 12 tiếng). Trước đó, trong ngày 29 và 30-5, hầm chui trước bến xe Miền Đông cũng ngập khoảng 50cm.
Gần đây nhất là sự việc hầm chui Tân Tạo (quận Bình Tân) "thất thủ" do bị ngập diện rộng, làm nhiều người đi xe máy rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan, đi qua không được, quay đầu cũng chẳng xong.
-
Mưa ngập 12 tiếng chưa rút, hầm chui biến thành hầm chứa nước
Cụ thể, sau cơn mưa lớn chiều 23-10, hầm chui Tân Tạo (ngang qua quốc lộ 1) bị ngập nước lênh láng. Theo ghi nhận của phóng viên, dù mưa đã tạnh khá lâu nhưng ở cả hai chiều qua lại ở hầm chui này vẫn ngập nước. Nhiều xe máy rẽ nước chạy rất chậm qua hầm.
Còn tại lối đi bộ qua hầm chui như hầm chứa nước, nhiều người cố gắng lội nước bì bõm. Độ sâu ngập lúc lớn nhất khoảng 40cm, thời gian ngập từ 16h -19h.
Theo người dân khu vực, đây không phải lần đầu hầm chui trên xảy ra ngập. "Hầm này ngập nhiều lần rồi, bà con gần đây không còn thấy lạ lẫm nữa. Mưa lớn một chút là ngập nửa bánh xe", chị Minh Anh, bán hàng sát hầm chui, nói.
Máy bơm bị ngắt
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Lương Minh Phúc - giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (Ban Giao thông) - cho biết trong thiết kế của các hầm chui như hầm chui An Sương, hầm Thủ Thiêm, hầm trước bến xe Miền Đông mới… đều có hệ thống máy bơm.
Khi trời mưa, nước sẽ chảy vào ống dẫn vô bể chứa, sau đó được máy bơm bơm vào hệ thống thoát nước chung. Yêu cầu hiện nay là làm sao để duy trì hệ thống máy bơm vận hành liên tục, hiệu quả, tránh gây ngập hầm khi mưa.
Vừa rồi có một số vấn đề xảy ra trong giai đoạn chuyển giao chính thức cho các đơn vị phụ trách, nên việc xử lý ngập nước tạm thời vẫn do chủ đầu tư (Ban Giao thông) vận hành.
"Có những lúc chúng ta không kiểm soát chặt, hoặc hệ thống máy bơm bị ngắt gây ra ngập hầm chui. Ban Giao thông đang sớm nhất làm thủ tục bàn giao và phối hợp các đơn vị vận hành liên tục hệ thống máy bơm, tránh ngập", ông Phúc cho hay.
Còn khu vực hầm chui Tân Tạo hiện nay, do Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ (thuộc Sở Giao thông vận tải TP.HCM) quản lý.
Trả lời Tuổi Trẻ Online, đại diện trung tâm trên cho biết nguyên nhân chính gây ngập hầm chui Tân Tạo được xác định do mưa lớn kéo dài, 4 máy bơm của trạm hoạt động không kịp, đồng thời khi bơm vào hệ thống thoát nước trên quốc lộ 1 (khu vực này lúc đó cũng bị ngập) nên nước không thoát hết được.
Do đó, hiện nay trung tâm đã lắp đặt hệ thống báo động mất nguồn điện và báo động mực nước cao trong các hầm để kịp thời phát hiện khi ngập hầm, và "trực chiến" để đảm bảo an toàn giao thông cho xe cộ đi lại.
Đồng thời bố trí thêm máy bơm, máy phát điện di động để ứng phó tình trạng ngập khẩn cấp tại các công trình và thường xuyên bảo dưỡng hệ thống máy bơm ở hầm chui, để có thể vận hành trơn tru trong thời gian tới.
Trụ sở quận Bình Tân, hầm chui Tân Tạo bị ngập lút bánh xe
Trước đó, khoảng 16h30 ngày 23-10, sau cơn mưa như trút, trụ sở UBND quận Bình Tân và các tuyến đường lân cận bị ngập diện rộng. Cách đó khoảng 4km, hầm chui Tân Tạo cũng bị nước ngập bánh xe.
Đại diện Phòng quản lý đô thị quận Bình Tân lý giải nguyên nhân ngập do mưa lớn kéo dài (lượng mưa trên 86mm), kết hợp triều cường làm hệ thống thoát nước không thoát kịp. Đồng thời, do việc dẫn dòng thi công dự án cải tạo rạch Bà Tiếng (gần đó) không tốt.