Bài 1: Không phải là “sự cáo chung của lịch sử”
Sau khi mô hình chủ nghĩa xã hội (CNXH) hiện thực ở Liên Xô và một số nước Đông Âu sụp đổ (năm 1991), trên thế giới xuất hiện luận thuyết chính trị về "sự cáo chung của lịch sử” với hàm ý chủ nghĩa tư bản (CNTB) sẽ vĩnh viễn ngự trị trên thế giới, còn chủ thuyết về CNXH được xây dựng trên cơ sở hệ tư tưởng Mác-Lênin sẽ bị lịch sử đào thải. Tuy vậy, những thành tựu to lớn trong xây dựng CNXH ở một số nước đã khẳng định nhận định trên là vội vàng, quy chụp. Sự thật cho thấy, sự phát triển của các nước xã hội chủ nghĩa (XHCN) đang minh chứng rõ ràng về xu hướng đi lên CNXH là quy luật tất yếu của lịch sử loài người.
Diễn biến tình hình thế giới trong hơn 30 năm kể từ khi mô hình CNXH hiện thực ở Liên Xô sụp đổ đã đặt dấu hỏi nghi vấn về luận thuyết chính trị “sự cáo chung của lịch sử”. Vì thực tế một số quốc gia rất thành công khi vẫn kiên định lựa chọn con đường phát triển đi lên CNXH, điển hình là Trung Quốc, Việt Nam và một số nước khác. Trong khi đó, CNTB trong kỷ nguyên toàn cầu hóa sau Chiến tranh lạnh đã lâm vào cuộc khủng hoảng hệ thống, đẩy thế giới tới tình cảnh bất bình đẳng giữa các tầng lớp xã hội ngày một lớn.
Những khiếm khuyết khó có thể lấp đầy dưới chế độ tư bản
Sau Chiến tranh lạnh, CNTB từng bước lâm vào cuộc khủng hoảng hệ thống; mức sống của người dân ngày càng giảm sút do giá cả và lạm phát tăng cao; người dân phải đóng thuế cho các cuộc chiến tranh và xung đột triền miên; sự suy thoái các giá trị tinh thần-đạo đức truyền thống; tệ quan liêu của giới tinh hoa chính trị cầm quyền; tệ tham nhũng; nạn di cư ồ ạt trên phạm vi toàn cầu; sự biến đổi khí hậu trái đất chưa được ngăn chặn; nạn ma túy, chủ nghĩa khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia hoành hành ở nhiều nước trên thế giới.
Nhận định về cuộc khủng hoảng của CNTB, cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel từng nói: “Đã đến lúc thế giới phải chấp nhận thực tế là, sau gần một phần tư thế kỷ kể từ khi nước Đức thống nhất và kết thúc Chiến tranh lạnh, thế giới đang bước sang một kỷ nguyên lịch sử khác thay thế kỷ nguyên ưu thế thuộc về phương Tây”.
Diễn đàn Kinh tế thế giới tại Davos năm 2019 với chủ đề “Toàn cầu hóa 4.0: Định hình cấu trúc thế giới trong kỷ nguyên Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” đưa ra nhận định, CNTB thế giới đang bước vào kỷ nguyên của những chuyển dịch căn bản do tác động của cục diện kinh tế và chính trị trên phạm vi toàn cầu trong giai đoạn chuyển tiếp từ Cách mạng công nghiệp 3.0 tới Cách mạng công nghiệp 4.0, trong đó đang diễn ra quá trình sắp xếp lại bức tranh kinh tế và chính trị toàn cầu.
Ảnh minh họa. |
Trong bối cảnh đó, đại dịch Covid-19 đã phần nào phơi bày những “ung nhọt” của các nước tư bản hàng đầu thế giới. Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhận định: “Đại dịch Covid-19 chứng tỏ, đã đến lúc thế giới (CNTB) cần tiến hành công cuộc tái cấu trúc hướng tới mục tiêu xây dựng nền kinh tế và cộng đồng xã hội bình đẳng, toàn diện, bao trùm, có khả năng phát triển bền vững hơn khi phải đối mặt với các rủi ro như đại dịch, biến đổi khí hậu, sự bất bình đẳng giữa các tầng lớp dân cư, nạn nghèo đói, sự cạn kiệt tài nguyên, nạn ô nhiễm môi trường trên quy mô toàn cầu, tội phạm xuyên quốc gia và khủng bố quốc tế"(1).
Đại dịch Covid-19 chứng tỏ mô hình dân chủ tự do ở đa số các nước phương Tây không còn là khuôn mẫu thế giới, làm tan biến huyền thoại về tính ưu việt của mô hình kinh tế và chính trị của CNTB. Giáo sư Klaus Schwab, Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế thế giới năm 2020 nhận định: Khi Covid-19 mới bùng phát, nhiều người dự báo đại dịch này sẽ tạo ra sự bình đẳng vĩ đại, trong đó không còn phân biệt người nghèo và người giàu, nhưng thực tế lại chứng tỏ đại dịch này đã khoét sâu thêm sự bất bình đẳng trong xã hội. Nếu không có các biện pháp hóa giải, tất cả các quốc gia, dưới hình thức này hay hình thức khác, sẽ phải đối mặt với sự bất ổn xã hội ngày càng gia tăng. Đại dịch Covid-19 đã đẩy CNTB thế giới tới trước một sự lựa chọn mang tính lịch sử: Tiếp tục phát triển theo mô hình hiện hành mà không thể hóa giải được những thách thức mang tính toàn cầu hoặc là phải tái cấu trúc để chuyển sang mô hình khác có khả năng hóa giải các thách thức đó(2).
Chủ nghĩa tư bản không ngừng điều chỉnh để thích nghi
Để tái cấu trúc mô hình hiện hành của CNTB, nhóm chuyên gia kinh tế hàng đầu của Diễn đàn Kinh tế thế giới đề xuất phát triển nền kinh tế bao trùm, hoặc nền kinh tế toàn diện, với 5 yếu tố: Cùng tham gia, bình đẳng, tăng trưởng, ổn định và bền vững.
“Cùng tham gia” có nghĩa là tạo cơ hội cho tất cả mọi người, không có ngoại lệ, được tham gia các quá trình kinh tế như tiếp cận thị trường với tư cách là người lao động, người tiêu dùng và chủ doanh nghiệp.
“Bình đẳng” có nghĩa là tạo cơ hội cho tất cả mọi người, không có ngoại lệ, được tiếp cận hàng hóa, dịch vụ, cơ sở hạ tầng công cộng, giáo dục, y tế, và được hưởng môi trường không khí trong lành và nước sạch; các công ty phải có nghĩa vụ đáp ứng nhu cầu của tầng lớp lao động sống dưới mức nghèo khổ.
“Tăng trưởng” có nghĩa là chuyển đổi nền kinh tế để cải thiện điều kiện sống của tất cả mọi người, kể cả người nghèo; thay thế việc sử dụng GDP như là chỉ số tăng trưởng kinh tế bằng các chỉ số khác phản ánh mức độ hạnh phúc của người dân.
“Ổn định” có nghĩa là mọi người dân phải được bảo đảm về xã hội, các quyết sách của chính phủ phải được minh bạch và có thể dự báo được.
“Bền vững” có nghĩa là phải tính đến lợi ích dài hạn khi sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên xã hội và con người(3).
Theo Giáo sư Klaus Schwab, đã đến lúc CNTB phải đổi mới mô hình phát triển. Hiện nay trên thế giới đang vận hành 3 mô hình CNTB. Một là, mô hình CNTB cổ đông (shareholder capitalism) đang được hầu hết các nước tư bản trên thế giới áp dụng nhằm mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận bằng mọi giá. Hai là, mô hình CNTB nhà nước (state capitalism) hiện được áp dụng ở đa số các nước đang phát triển, chủ yếu là ở châu Á, trong đó chính phủ nắm trong tay mọi cơ hội, khả năng và đòn bẩy để định hướng phát triển kinh tế. Ba là, mô hình CNTB toàn diện (inclusive capitalism), hoặc CNTB có trách nhiệm xã hội, trong đó các công ty bắt đầu nhận thấy họ không chỉ là tổ chức kinh tế mà còn là tổ chức xã hội, được xã hội ủy thác, hoạt động không chỉ nhằm thu được lợi nhuận và hiệu quả kinh tế cao mà còn phải tập trung nỗ lực khắc phục hậu quả tiêu cực đối với xã hội như sự bất bình đẳng về thu nhập giữa các tầng lớp dân cư, ô nhiễm môi trường, nạn thất nghiệp, tham nhũng(4).
Mô hình được áp dụng nhiều nhất hiện nay trên thế giới là CNTB cổ đông, đã từng trở nên phổ biến ở Mỹ trong thập niên 1970 và lan tỏa trên toàn cầu trong những thập kỷ tiếp theo. Sự phát triển nhanh chóng của mô hình này thu hút hàng trăm triệu người trên khắp thế giới phát triển thịnh vượng, đứng ra thành lập các công ty cổ phần để tìm kiếm thị trường và tạo việc làm nhằm thu về lợi nhuận tối đa. Tuy nhiên, do CNTB cổ đông thường theo đuổi các mục tiêu ngắn hạn và không chú ý đến các mục tiêu dài hạn, nên đã từng gây ra hậu quả tiêu cực đối với xã hội và môi trường. Vì thế, hiện nay, CNTB cổ đông đang từng bước được thay thế bằng CNTB có trách nhiệm xã hội, hoặc CNTB toàn diện. Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho rằng, với CNTB có trách nhiệm xã hội, thế giới sẽ phải hành động chung và nhanh để cải cách tất cả các lĩnh vực đời sống và nền kinh tế, từ giáo dục đến y tế.
Như vậy, CNTB thế giới đang đứng trước sự phát triển có tính bước ngoặt lịch sử, phải tiến hành cuộc “tái cấu trúc” hướng tới các giá trị như xóa bỏ bất bình đẳng xã hội, đề cao nhân phẩm con người, xóa bỏ tận gốc tình cảnh nghèo đói và tình trạng thất nghiệp, chống tham nhũng, bảo vệ môi trường, xây dựng hệ thống giáo dục và y tế phổ cập toàn dân... Những giá trị đó tương đồng với mục tiêu và các giá trị của CNXH hiện thực trong thế kỷ 20.
Những giá trị tốt đẹp của CNXH và xu thế tất yếu của thời đại
Không phải ngẫu nhiên mà ngay trong lòng các nước tư bản phát triển hàng đầu thế giới, các giá trị của CNXH lại đang thu hút được sự quan tâm của đông đảo người dân và cả giới tinh hoa chính trị. Có khoảng 57% dân số ở các nước tư bản phát triển hàng đầu thế giới không hài lòng với mô hình CNTB hiện hành ở Mỹ và nhiều nước phương Tây. Các tầng lớp xã hội ở nhiều quốc gia bị vỡ mộng với mô hình dân chủ tự do của CNTB.
Theo kết quả thăm dò dư luận của Viện Galupp (Mỹ), trong năm 2018, có đến 51% thanh niên Mỹ và 57% đảng viên Đảng Dân chủ Mỹ có cảm tình với các giá trị của CNXH. Ở Cộng hòa Liên bang Đức, người dân đã từng sống ở Cộng hòa Dân chủ Đức đang muốn được quay trở lại chế độ XHCN. Theo kết quả điều tra dư luận xã hội tiến hành trong năm 2023, có tới 80% người Nga được hỏi ý kiến coi chế độ XHCN thời Xô viết là tốt đẹp và có 63% ý kiến tiếc về sự sụp đổ của Liên Xô. Trong bối cảnh đó, Francis Fukuyama, tác giả của luận thuyết về “sự cáo chung của lịch sử” cũng phải thừa nhận rằng mô hình CNTB hiện hành đang trên đà suy thoái.
Rõ ràng là, CNXH hiện thực sụp đổ ở Liên Xô và các nước Đông Âu vào cuối thế kỷ 20 hoàn toàn không phải là “sự cáo chung của lịch sử” mà chỉ là sự sụp đổ của một mô hình cụ thể. Còn CNXH với những giá trị tốt đẹp nhất như là một nấc thang phát triển của loài người để tiến lên chủ nghĩa cộng sản vẫn là xu thế tất yếu của thời đại và đã từng được V.I.Lênin, lãnh tụ của cuộc cách mạng XHCN đầu tiên trên thế giới ở nước Nga dự báo cách đây hơn 100 năm: “CNTB nhà nước độc quyền là sự chuẩn bị vật chất đầy đủ nhất cho CNXH, là phòng chờ đi vào CNXH”(5).
-----------
(1) Valentin Katasonov, “Covid 19 khởi đầu cuộc tái cấu trúc vĩ đại”; https://www.fondsk.ru/news/2020/12/19/covid-19-nachalo-velikoj-perestrojki-52510.html, 19-12-2020
(2) Klaus Schwab và Thierry Malleret,“Cuộc tái cấu trúc vĩ đại”; http://digital-economy.ru/mneniya/the-great-reset-klausa-shvaba-i-terri-mallereta-kak-novyj-manifest-ultraglobalistov, 23-3-2021
(3) Mikhail Overchenko, “Diễn đàn Davos công bố tuyên ngôn cho giới doanh nghiệp”; https://www.vedomosti.ru/economics/articles/2020/01/14/820569-davosskii-forum-manifest-biznesa, 14-1-2020
(4) Klaus Shhwab, “Chúng ta muốn phát triển loại chủ nghĩa tư bản nào?”; https://www.project-syndicate.org/commentary/stakeholder-capitalism-new-metrics-by-klaus-schwab-2019-11, 2-12-2019
(5) “Phân tích của Lênin về chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nước”; https://laws.studio/istoriya-ekonomiki-knigi/leninskiy-analiz-gosudarstvenno-45648.html
-----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Bài 2: Con đường phát triển ở Việt Nam là đúng đắn, hợp thời
Mặc dù chủ nghĩa xã hội (CNXH) tạm thời lâm vào thoái trào sau khi Liên Xô và các nước Đông Âu từ bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa nhưng Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn trung thành, kiên định với Chủ nghĩa Mác-Lênin, vận dụng sáng tạo vào điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam để đưa đất nước tiếp tục phát triển đi lên CNXH và đã đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng.
Trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Ngay khi mới ra đời và trong suốt quá trình đấu tranh cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn luôn khẳng định: CNXH là mục tiêu, lý tưởng của Đảng Cộng sản và nhân dân Việt Nam; đi lên CNXH là yêu cầu khách quan, là con đường tất yếu của cách mạng Việt Nam”.
Con đường phát triển đi lên CNXH ở Việt Nam được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tìm ra cách đây hơn một thế kỷ khi Người tiếp cận Luận cương của Lênin về các dân tộc thuộc địa. Năm 1923, Nguyễn Ái Quốc đến Liên Xô-nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới và trực tiếp lĩnh hội tư tưởng của Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917.
Người nhận định: “Giống như mặt trời chói lọi, Cách mạng Tháng Mười chiếu sáng khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu, hàng triệu người bị áp bức bóc lột trên trái đất đứng lên tự giải phóng. Trong lịch sử loài người chưa từng có cuộc cách mạng nào có ý nghĩa to lớn và sâu xa như thế”(1).
Ảnh minh họa: tuyengiao.vn |
Trên cơ sở vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng xã hội chủ nghĩa của Cách mạng Tháng Mười Nga vào điều kiện cụ thể của Việt Nam, năm 1927, Nguyễn Ái Quốc cho ra đời tác phẩm “Đường Kách mệnh”-giáo trình lý luận để huấn luyện các chiến sĩ cộng sản đầu tiên, tạo tiền đề để tổ chức Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 3-2-1930. Hội nghị thông qua Cương lĩnh, Chính cương và Điều lệ vắn tắt của Đảng.
Đây là những văn kiện đầu tiên có ý nghĩa vô cùng quan trọng xác định đường lối chiến lược, sách lược cơ bản của cách mạng Việt Nam và tôn chỉ, mục đích, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Ðảng Cộng sản Việt Nam. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam), Cương lĩnh của Đảng được thông qua tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng (năm 1951) xác định nhiệm vụ hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, xóa bỏ chế độ phong kiến, phát triển chế độ dân chủ nhân dân, tiến lên CNXH.
Thực hiện Cương lĩnh của Đảng, sự nghiệp xây dựng CNXH ở miền Bắc là yếu tố có ý nghĩa vô cùng quan trọng quyết định thắng lợi của nước ta trong cuộc đấu tranh bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước vào năm 1975.
Sự lựa chọn phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử
Trong thập niên 1980, tình hình thế giới trải qua những chuyển biến kinh tế và chính trị sâu sắc. Trong đó, Đảng Cộng sản Liên Xô tiến hành công cuộc cải tổ. Trên cơ sở nhận định nhạy bén và sáng suốt rằng công cuộc cải tổ ở Liên Xô đi ngược lại những nguyên lý cơ bản của Chủ nghĩa Mác-Lênin về CNXH, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (năm 1986) thông qua nghị quyết có ý nghĩa lịch sử về thời kỳ quá độ phát triển theo con đường tiến lên CNXH ở Việt Nam.
Đường lối đổi mới của Đảng ta đề ra tại Đại hội VI là sự vận dụng và phát triển sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam mà cụ thể là chính sách kinh tế mới của Lênin. Theo đó, Đảng ta thừa nhận sự tồn tại khách quan của nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần; kế thừa và áp dụng thành tựu về quản lý kinh tế theo cơ chế kinh tế thị trường; chấp nhận sự tồn tại đan xen của các loại hình sở hữu nhà nước, tập thể và tư nhân; chăm lo đến lợi ích thiết thân của người lao động.
Đồng thời, Đảng ta quyết định thực hiện chính sách mở cửa, hội nhập quốc tế, với chủ trương Việt Nam là bạn với tất cả các nước, không phân biệt chế độ chính trị-xã hội.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng (năm 1991) thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH. Cương lĩnh xác định: “Phải nắm vững, vận dụng sáng tạo và góp phần phát triển Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, không ngừng làm giàu trí tuệ, bản lĩnh chính trị và năng lực tổ chức của mình để đủ sức giải quyết các vấn đề do thực tiễn cách mạng đặt ra. Mọi đường lối, chủ trương của Đảng phải xuất phát từ thực tế, tôn trọng quy luật khách quan. Phải phòng và chống được những nguy cơ lớn: Sai lầm về đường lối, bệnh quan liêu và sự thoái hóa, biến chất của cán bộ, đảng viên”. Cương lĩnh chính trị không chỉ có ý nghĩa lịch sử đối với sự nghiệp đổi mới của nước ta mà còn đối với phong trào cách mạng thế giới.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng (năm 2011), Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển), một lần nữa khẳng định: "Đi lên CNXH là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử".
Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng (năm 2016) tiến hành tổng kết 30 năm đổi mới và đưa ra nhận định: “Đổi mới là một giai đoạn lịch sử quan trọng trong sự nghiệp phát triển của nước ta, đánh dấu sự trưởng thành về mọi mặt của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, mang tầm vóc và ý nghĩa cách mạng, là quá trình cải biến sâu sắc, toàn diện, triệt để, là sự nghiệp to lớn của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".
Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (năm 2021) nhận định: “Nhìn lại 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH, lý luận về đường lối đổi mới, về CNXH và con đường đi lên CNXH của Việt Nam ngày càng hoàn thiện và từng bước được hiện thực hóa”; đồng thời khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Đây là niềm tự hào, là động lực, nguồn lực quan trọng, là niềm tin để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tiếp tục vững bước trên con đường đổi mới toàn diện, đồng bộ; phát triển nhanh và bền vững đất nước”.
Thành tựu đổi mới đất nước là minh chứng sinh động
Thành tựu của Việt Nam sau gần 40 năm đổi mới đã được khẳng định bằng các số liệu “biết nói”. Trước đổi mới, Việt Nam là một nước nghèo, bị chiến tranh tàn phá nặng nề, khủng hoảng kinh tế-xã hội diễn ra gay gắt, đời sống nhân dân hết sức khó khăn. Nhờ thực hiện đường lối đổi mới, quy mô Tổng sản phẩm nội địa (GDP) năm 2020 đạt 342,7 tỷ USD, đưa nước ta trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Thu nhập bình quân đầu người tăng khoảng 17 lần, đạt mức 3.512USD.
Từ một nước bị thiếu lương thực triền miên, hiện nay Việt Nam trở thành nước xuất khẩu lương thực hàng đầu thế giới. Việt Nam coi việc phát triển kinh tế đi đôi với phát triển văn hóa-xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội trong từng chính sách phát triển. Tỷ lệ hộ nghèo trung bình hằng năm giảm khoảng 1,5%; giảm từ 58% năm 1993 xuống còn dưới 3% năm 2020(2).
Với đường lối đối ngoại đúng đắn dưới sự lãnh đạo của Đảng, Việt Nam đã chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế; là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Nước ta đã thiết lập quan hệ ngoại giao với khoảng 190 quốc gia thành viên Liên hợp quốc. Đảng Cộng sản Việt Nam thiết lập quan hệ đối ngoại Đảng với 254 chính đảng ở 114 quốc gia.
Đến nay, đã có hơn 70 quốc gia công nhận Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế thị trường, trong đó có các đối tác thương mại lớn của Việt Nam đã ký kết 15 Hiệp định tự do thương mại (FTA) khu vực và song phương. Các FTA Việt Nam tham gia bao phủ khoảng 60 nền kinh tế có tổng GDP chiếm gần 90% GDP thế giới, trong đó có 15 nước thành viên G20 và 9/10 đối tác kinh tế-thương mại lớn nhất của Việt Nam thuộc 3 trung tâm kinh tế lớn nhất thế giới là Bắc Mỹ, Tây Âu và Đông Á.
Cách đây hơn 30 năm, năm 1992, đồng chí Nguyễn Phú Trọng trên cương vị Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản công bố bài viết “Vì sao Đảng Cộng sản Liên Xô tan rã?” từng đưa ra nhận định, thất bại của CNXH ở Liên Xô chỉ là tạm thời, còn quy luật khách quan không ai cưỡng lại được vẫn là CNXH sẽ phủ định và thay thế chủ nghĩa tư bản (CNTB).
Gần 30 năm sau, năm 2021, trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu vấn đề: “Trước đây, khi còn Liên Xô và hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa thế giới thì vấn đề đi lên CNXH ở Việt Nam dường như không có gì phải bàn, nó mặc nhiên coi như đã được khẳng định. Nhưng từ sau khi mô hình CNXH ở Liên Xô và nhiều nước Đông Âu sụp đổ, cách mạng thế giới lâm vào thoái trào thì vấn đề đi lên CNXH lại được đặt ra và trở thành tâm điểm thu hút mọi sự bàn thảo, thậm chí tranh luận gay gắt. Các thế lực chống cộng, cơ hội chính trị thì hí hửng, vui mừng, thừa cơ dấn tới để xuyên tạc, chống phá. Trong hàng ngũ cách mạng cũng có người bi quan, dao động, nghi ngờ tính đúng đắn, khoa học của CNXH, quy kết nguyên nhân tan rã của Liên Xô và một số nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu là do sai lầm của Chủ nghĩa Mác-Lênin và sự lựa chọn con đường xây dựng CNXH. Từ đó họ cho rằng chúng ta đã chọn đường sai, cần phải đi con đường khác. Có người còn phụ họa với các luận điệu thù địch, công kích, bài bác CNXH, ca ngợi một chiều CNTB. Thậm chí có người còn sám hối về một thời đã tin theo Chủ nghĩa Mác-Lênin và con đường xã hội chủ nghĩa! Thực tế có phải như vậy không? Thực tế có phải hiện nay CNTB, kể cả những nước tư bản chủ nghĩa già đời vẫn đang phát triển tốt đẹp không? Có phải Việt Nam chúng ta đã chọn con đường đi sai không?”.
Bằng những lập luận khoa học, sắc bén, có sức thuyết phục cao, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định rằng, ngay từ khi thành lập, Đảng ta luôn trung thành, kiên định và vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam để đưa đất nước ta tiếp tục phát triển đi lên CNXH phù hợp xu thế tất yếu của thời đại.
-----------------------------
(1) Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia-Sự thật, Hà Nội, 1980, tập 12, tr.461
(2) “Những thành tựu to lớn sau gần 40 năm đổi mới đất nước”; https://tuyengiao.vn/thoi-su/nhung-thanh-tuu-to-lon-sau-gan-40-nam-doi-moi-dat-nuoc-146363, 13-9-2023