Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an đánh giá, hiện nay tình trạng sử dụng trái phép ma túy nói chung và ma túy tổng hợp nói riêng có xu hướng gia tăng và ngày càng trẻ hóa. Cùng với những giải pháp đấu tranh phòng chống ma túy, Bộ Công an tập trung ngăn chặn nguồn cung từ bên ngoài vào và đặc biệt coi trọng giảm nguồn cầu.

Chiều 7-11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì và điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiếp tục tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Giải trình về giải pháp ngăn chặn ma túy xâm nhập học đường, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, hiện nay tình trạng sử dụng trái phép ma túy nói chung và ma túy tổng hợp nói riêng có xu hướng gia tăng và ngày càng trẻ hóa.

Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an trả lời chất vấn. Ảnh: QUANG PHÚC

Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an trả lời chất vấn. Ảnh: QUANG PHÚC

Theo thống kê của Bộ Công an, tính đến tháng 9-2023, toàn quốc có khoảng 213.000 người nghiện và người sử dụng trái phép chất ma túy. Trong đó, trên 81.000 người nghiện và người sử dụng trái phép chất ma túy ở độ tuổi từ 16 - 30 tuổi.

Trong khi đó, ma túy tổng hợp ngày càng đa dạng về chủng loại, giá thành rẻ, dễ cất giấu, dễ sử dụng, dễ mang vào trường học và núp bóng những cái tên rất mỹ miều, gây tò mò như "tem giấy", "bùa lưỡi", "nước vôi", "trà sữa"… khiến cử tri và phụ huynh học sinh rất lo lắng.

Cùng với những giải pháp đấu tranh phòng chống ma túy, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, các lực lượng cảnh sát đã tập trung ngăn chặn nguồn cung từ bên ngoài vào và đặc biệt coi trọng giảm nguồn cầu, vì đối tượng là giới trẻ, thanh niên và học sinh là đối tượng rất quan trọng để thực hiện các biện pháp giảm cầu về ma túy.

Cùng với đó, Bộ Công an đã thực hiện các giải pháp để giảm cầu. Trong đó, phối hợp với Bộ GD-ĐT tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên; thực hiện đồng bộ các giải pháp để ngăn chặn ma túy xâm nhập học đường, phát huy vai trò của chủ thể gia đình, nhà trường, của xã hội, đặc biệt, vai trò của gia đình rất quan trọng.

Bên cạnh đó, Bộ Công an phối hợp với các bộ, ngành tăng cường tuyên truyền về Luật Phòng, chống ma túy, các chất ma túy mới để thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên biết, chủ động phát hiện và phòng tránh.

Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, rà soát và triển khai các biện pháp phòng vệ, phát hiện, đấu tranh, xử lý các vi phạm sử dụng trái phép chất ma túy ở trường học, trong quán bar, karaoke, vũ trường, triệt phá các tụ điểm tổ chức sử dụng ma túy trái phép của các địa phương.

Các đại biểu Quốc hội tham gia phiên chất vấn. Ảnh: QUANG PHÚC

Các đại biểu Quốc hội tham gia phiên chất vấn. Ảnh: QUANG PHÚC

Bộ trưởng cũng kiến nghị, một số các ngành chức năng như y tế, quản lý thị trường, công thương… cần nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, tăng cường phối hợp với thanh tra, kiểm tra, giám sát về an toàn thực phẩm, phòng chống tác hại của thuốc lá, không để các đối tượng lợi dụng hoạt động ma túy núp bóng các loại thực phẩm, kể cả thuốc lá điện tử.

Trả lời chất vấn liên quan đến công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC), Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, bộ đã chỉ đạo lực lượng công an các đơn vị, địa phương tổ chức hội nghị về các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thẩm duyệt, nghiệm thu PCCC đối với 17 địa phương trọng điểm. Đồng thời, chỉ đạo Cục Cảnh sát PCCC ban hành các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ để công an các đơn vị, địa phương thực hiện thống nhất…

Bộ trưởng cho biết thêm, đến nay, công an các địa phương đã rà soát lại các cơ sở có khó khăn, vướng mắc và trực tiếp làm việc, hướng dẫn các giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong công tác PCCC. Cùng với đó, thành lập các tổ công tác trực tiếp đến 100% các cơ sở còn tồn tại, vi phạm để hướng dẫn các giải pháp, biện pháp khắc phục tồn tại, vi phạm về PCCC.

Trên cơ sở tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tính đến 30-10, Bộ trưởng cho biết, 100% các dự án xây dựng mới có khó khăn, vướng mắc đã được hướng dẫn và thống nhất tiếp thu, chỉnh sửa, không còn vướng mắc trong quá trình tổ chức thiết kế, hoàn thiện hồ sơ để thẩm duyệt và nghiệm thu về PCCC.