20 mùa đồng hành cùng bao thế hệ tân sinh viên cả nước, chương trình học bổng "Tiếp sức đến trường" của báo Tuổi Trẻ đã kịp thời trợ giúp nhiều hoàn cảnh khó khăn tưởng phải dang dở giấc mơ đại học.
Sau hai thập niên, nhiều bạn trẻ nhận được học bổng ngày nào giờ đang ghi dấu ấn trong sự nghiệp nhờ vào ý chí và tinh thần vươn lên mạnh mẽ từ thuở ấy.
"Mấy năm nay, thấy kinh tế của tôi khá giả, lại rất thường dạy online, nhiều người hỏi vì sao gần 10 năm vẫn chưa chịu lên đời laptop mà cứ dùng mãi chiếc máy mua từ năm đầu lên đại học?", Nguyễn Thị Dũng (27 tuổi) tâm sự với chúng tôi từ huyện đảo Phú Quý (Bình Thuận).
"Nếu là người lạ hỏi tôi những câu ấy, tôi chỉ mỉm cười. Nhưng với những người thân thiết, tôi sẽ tâm sự thêm về cuộc đời mình", Dũng nói.
Sinh trưởng tại huyện đảo Phú Quý, thời thơ ấu của cô bé Dũng gắn liền với sự vất vả, thiếu thốn thường thấy của những người dân miền biển đảo nhiều năm về trước.
Kinh tế gia đình chủ yếu nằm trên chiếc xuồng con câu cá mực của cha mẹ, thu về chừng vài trăm ngàn mỗi tháng.
Khi Dũng học phổ thông, biến cố tiếp tục ập tới: Mẹ của Dũng phát hiện bệnh rối loạn thần kinh não, không làm việc được. Trong những năm mẹ phải điều trị lâu dài, mấy cha con nhìn nhau, không biết đào đâu ra tiền thuốc thang thì cùng lúc Dũng sắp sửa bước vào đại học.
Em gái của Dũng phải bỏ học dù đang là học sinh trường chuyên. Năm đó Dũng tốt nghiệp thủ khoa Trường THPT Ngô Quyền (Phú Quý), đậu hai trường đại học là Sư phạm TP.HCM và Đại học Ngân hàng TP.HCM.
Dũng trở thành niềm hy vọng về một cuộc thoát nghèo cho gia đình. Dũng chọn ngành ngôn ngữ Anh Trường đại học Sư phạm TP.HCM.
Để có tiền trang trải học phí, mẹ Dũng phải vay ngân hàng chính sách. Hành trang lên thành phố túng thiếu đủ thứ, chỉ có vỏn vẹn sách vở và vài bộ quần áo.
"Tiếp sức đến trường" cũng là bước đệm cho Dũng khởi đầu cuộc "lội ngược dòng" ngoạn mục. Cô gái trẻ làm gia sư, rồi nhờ có cả tài và tâm, ngày càng nhiều phụ huynh giới thiệu học sinh cho Dũng.
Tiền kiếm được cô tích cóp để năm thứ 2 đại học, Dũng gọi điện về Phú Quý báo tin cho mẹ: "Từ nay con có thể lo tiền học, mẹ không phải vay ngân hàng nữa".
"Khoảnh khắc ấy thật kỳ diệu. Mẹ tôi xúc động khóc ngay trên điện thoại. Tôi cũng vậy, cảm thấy mình đã đạt được một thành tích đáng nhớ", Dũng nói.
Tốt nghiệp Trường đại học Sư phạm TP.HCM, Dũng tự mở một trung tâm tiếng Anh nhỏ - hướng đi táo bạo so với nhiều bạn đồng trang lứa thường chọn đi làm công ty hoặc đi dạy cho các trường phổ thông.
Dũng tâm sự tự biết khả năng của bản thân và thích làm chủ. Trung tâm của Dũng vận hành khá tốt, có lúc Dũng tự mình đứng 10 lớp mỗi tuần. Những đồng tiền đầu tiên kiếm được, Dũng mang về tặng mẹ trong niềm vui sướng của gia đình ở làng chài nhỏ.
Cuộc đời vốn thường thích thử thách ý chí con người. Mùa dịch đến, Dũng buộc phải đóng cửa trung tâm và về lại Phú Quý dạy online. Sau hai năm dịch giã, Dũng quyết định bám trụ ở đảo để viết tiếp một trang mới trong quyển sách cuộc đời.
Năm 2022, nhận thấy Phú Quý dần trở thành một điểm đến hút khách, Dũng lên kế hoạch cho một dự án làm du lịch tại địa phương.
Một homestay đang được Dũng xây dựng theo hướng thân thiện với môi trường: "Phú Quý đẹp lắm, tôi muốn mọi người sẽ cảm nhận được hết cảnh sắc của hòn đảo này, nơi tôi sinh ra và lớn lên".
Trong năm 2023 Dũng sẽ triển khai thêm một dự án mới: dạy tiếng Anh cho trẻ em trên đảo. Theo Dũng, rồi đây Phú Quý sẽ trở thành nơi du lịch hấp dẫn cho khách quốc tế.
Khi người nước ngoài đến đảo ngày càng đông, bạn trẻ trên đảo sẽ phải biết giao tiếp tiếng Anh, vượt qua rào cản ngôn ngữ mới có thể giới thiệu được những cái hay, cái thú vị ở đảo cho khách thập phương.
"Đó cũng là ước nguyện mà tôi đã viết trong tờ đơn xin học bổng "Tiếp sức đến trường" hồi năm 2013, rằng sau này tôi sẽ trở về đảo để mở những lớp tiếng Anh cho trẻ em quê tôi".
Chiếc laptop ân tình như một vật kỷ niệm giữa báo Tuổi Trẻ và cô tân sinh viên Nguyễn Thị Dũng năm nào
Tiến sĩ Trần Hưng Nghiệp (34 tuổi) - chuyên gia thuộc Viện Tin học quốc gia Nhật - đang là một trong những nòng cốt của một số dự án phát triển công nghệ trọng điểm ở Nhật.
Năm 2016, anh Nghiệp sang Nhật học cao học rồi làm nghiên cứu sinh, đến nay chàng trai trẻ ngày nào đã trở thành mắt xích trong các nhóm nghiên cứu trình độ cao của viện, tập trung vào lĩnh vực đồ thị tri thức, xử lý ngôn ngữ, máy tìm kiếm... Đây thường là những công nghệ nền tảng cho những bộ máy tìm kiếm lớn như Google.
"Có thể hiểu mọi hoạt động kinh tế, xã hội đều phát sinh tập dữ liệu. Mỗi quốc gia sẽ cần hệ thống thu thập những dữ liệu đồ sộ một cách khoa học và cho phép người dân, công ty, cơ quan, tổ chức có thể sử dụng những dữ liệu này dễ dàng nhất.
Từ dữ liệu về dân số, hồ sơ tiêm chủng đến hoạt động xã hội... chúng tôi sẽ tìm cách thống kê và giúp các bên tra cứu thuận tiện", anh Nghiệp nói.
Tham gia những dự án lớn tầm cỡ, tiến sĩ Nghiệp thường phải "làm bạn" với áp lực, đương đầu với những câu hỏi chưa có câu trả lời.
Với những nghiên cứu định lượng công nghệ thông tin, các chuyên gia buộc phải chuyên sâu trong nhiều mảng như toán học, máy học, lập trình... phải đào sâu kiến thức liên tục.
Ngồi nghe những chia sẻ của anh Nghiệp, khó ai biết rằng anh xuất thân trong một gia đình nghèo ở Đồng Nai và từng phải đứng trước viễn cảnh đứt đoạn đường học.
Cha anh làm thợ hồ nuôi vợ và năm con. Khi Nghiệp chuẩn bị vào đại học cũng là lúc cha dần mất sức lao động, không thể làm việc nặng.
Nguồn thu chính của gia đình chuyển sang đặt lên đôi tay phải may vá suốt ngày của mẹ. Cái nghèo đang lăm le cướp đi cơ hội vào giảng đường của cậu học trò ham học.
May mắn thay, một người thân đã biết câu chuyện của Nghiệp và giới thiệu đến học bổng "Tiếp sức đến trường" của báo Tuổi Trẻ. Hoàn cảnh nhanh chóng được xác minh và Nghiệp nhận được khoản học bổng quý giá, là hành trang cho bạn bước vào đại học.
Đó cũng là đòn bẩy để Nghiệp tiếp tục nhận thêm nhiều học bổng trong suốt quá trình học tại Trường đại học Công nghệ thông tin (Đại học Quốc gia TP.HCM).
Nghiệp là sinh viên những khóa đầu tiên của Trường đại học Công nghệ thông tin.
Môi trường học nhiều thách thức, dù là trường chuyên về công nghệ nhưng các phòng thực hành máy tính cũng khá thiếu thốn. Trong hoàn cảnh như vậy, sinh viên buộc phải chủ động hơn.
Nghiệp phải cố gắng gấp mười, tận dụng từng cơ hội để được thực hành, thực tập, tiếp cận thêm sách vở để tự học nâng cao.
Ra trường, Nghiệp được một công ty công nghệ lớn nhận vào làm việc. Sau một thời gian, Nghiệp trở lại Trường đại học Công nghệ thông tin làm nghiên cứu viên, trước khi sang Đại học Quốc gia Singapore rồi Viện Tin học quốc gia Nhật.
"Làm nghiên cứu phải luôn tò mò, thích tìm hiểu sự thật, đi tìm bản chất của vấn đề. Những điều mới mẻ bạn tìm được sẽ chứa đựng nhiều bất ngờ và mang lại nhiều hữu ích cho cộng đồng".
Đó cũng là điều tiến sĩ Nghiệp thường truyền tải đến các bạn trẻ trong tiết thỉnh giảng từ xa cho Trường đại học Công nghệ thông tin, như một cách thức tiếp bước cho thế hệ đàn em.
Anh trăn trở: "Nhìn lại hành trình của mình, tôi thường nghĩ nếu các bạn trẻ có tầm nhìn, định hướng tốt hơn, con đường đi sẽ dễ thành công hơn.
Tôi muốn mình trở thành một phần giúp đỡ các em, mong rằng mình có thể mang năng lực và kinh nghiệm đóng góp vào phát triển giáo dục ở Việt Nam".
Năm 2008, Hoàng Hữu Huynh (32 tuổi) tiến thoái lưỡng nan khi đứng trước ngưỡng cửa đại học dù trúng tuyển cả hai trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) và Đại học Y Dược Huế.
Huynh có vẻ thích ngành y đa khoa hơn nhưng thời gian học sẽ lâu hơn một hai năm, học phí lại mắc hơn so với bên ngành xây dựng của bách khoa.
Trong khi đó kinh tế của cả gia đình chỉ phụ thuộc vào những đồng tiền đội nắng phơi sương của cha Huynh bươn chải từ chạy xe ôm, chở hàng thuê đến làm đồng, mò hến...
"Thấy tôi lo nghĩ, ba nhắn nhủ: Con muốn học y thì cứ học, ba nuôi. Tôi càng đắn đo. Phía sau tôi còn hai em nữa cũng đang tuổi ăn học. Tôi sợ rằng mình sẽ tạo thêm nhiều gánh nặng cho ba", Huynh nói.
Những ngày khó nghĩ của Huynh kết thúc bằng một bước ngoặt lớn trong hành trình học vấn của mình.
Tôi còn nhớ như in ngày ba chở đến nhận học bổng "Tiếp sức đến trường", đó là cuối tháng 10-2008. Học bổng thật sự là một bước ngoặt. Không chỉ hỗ trợ khoản tiền trước khi vào đại học mà còn giúp tôi kết nối với nhiều nhà hảo tâm, và họ đã đồng hành với tôi đến khi ra trường.
"Đó là một người thầy ở Trường đại học Y Dược TP.HCM gửi tặng tôi một phần sinh hoạt phí. Anh Nghĩa, một bạn đọc của báo Tuổi Trẻ, đã tìm tôi để gửi cho tôi một phần học phí.
Là các sư cô giúp tôi một khoản tiền trong giai đoạn khó khăn năm 3 khi tôi bắt đầu phải đi lâm sàng, tốn nhiều kinh phí. Tiếp sức đến trường đúng là chiếc cầu dẫn tôi vào vùng đất nhân ái, nơi có nhiều nhà hảo tâm sẵn sàng giúp đỡ những sinh viên khó khăn".
Sau khi ra trường, Huynh vào làm tại Bệnh viện Đa khoa Thừa Thiên Huế khoảng sáu tháng rồi chuyển về làm bác sĩ khoa ngoại chấn thương tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cho đến nay.
Mùa dịch vừa qua, Huynh "trực chiến" ở khoa cấp cứu: "Trong những lúc khó khăn như vậy mới cho ta biết mình có thật sự yêu nghề hay không. Nghề nào cũng có những chông gai nhưng nếu đã đam mê sẽ nỗ lực hết sức để vượt qua và gắn bó".
Nhắn gửi đến những tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn nói chung và những bạn trẻ sẽ nhận học bổng "Tiếp sức đến trường", bác sĩ Huynh cho rằng điều cốt lõi là: "Đừng dừng lại".
Tùy theo hoàn cảnh, bạn có thể bước nhanh, bước chậm. Nhưng nhanh hay chậm không quan trọng: "Quan trọng là bạn cứ bước đi đúng con đường mình đã chọn. Khi bạn đã bước đi, nhân duyên, cơ hội sẽ đến. Nếu bạn dừng lại, bạn sẽ không có gì".