Cử tri TPHCM nhận xét, quy hoạch “treo”, dự án “treo”, vướng mắc trong phát triển nhà ở xã hội đang là nút thắt lớn và đề nghị thành phố có giải pháp tháo gỡ để người dân ổn định cuộc sống. Cử tri cũng mong muốn thành phố quan tâm hơn nữa công tác an sinh xã hội, nhất là trong giai đoạn kinh tế gặp nhiều khó khăn.

Đẩy nhanh dự án nhà ở xã hội

Nhiều năm qua, gia đình ông Võ Minh Trí (xã Phước Thạnh, huyện Củ Chi) có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, có tiền nhưng không thể xây nhà và vẫn phải sống trong căn nhà lụp xụp. Nguyên nhân là diện tích đất nhà ông nằm trong khu quy hoạch cây xanh tập trung lâu năm, quy hoạch đất giáo dục, dự kiến mở đường… Cùng chung hoàn cảnh, ông Lê Đình Văn (xã Phước Vĩnh An, huyện Củ Chi) phản ánh, người dân rất quan tâm đến câu chuyện thực hiện quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch, bởi điều này ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân, gây lãng phí tài nguyên đất.

f3a-6391.jpg
Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ cùng đoàn giám sát khảo sát thực tế dự án nhà ở xã hội trên địa bàn TP Thủ Đức. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Cử tri huyện Hóc Môn cũng bức xúc trước tình trạng nhiều dự án “treo” nhiều năm. Trong đó, dự án Khu công nghiệp DIC, với quy mô hơn 380ha, đã có chủ trương không thực hiện nhưng hiện vẫn chưa được xóa quy hoạch. Cử tri TP Thủ Đức dẫn chứng thêm, khu quy hoạch Đại học Quốc gia TPHCM đã “treo” 28 năm nhưng chưa thực hiện. Người dân tại đây không được cấp giấy tờ đất, việc mua bán, xây dựng cũng không thể thực hiện được. Từ đó, cử tri các địa phương kiến nghị thành phố quan tâm xử lý dứt điểm tình trạng này. Những quy hoạch nếu thực hiện thì tiến hành sớm, còn không thì xóa quy hoạch để người dân thực hiện đầy đủ các quyền về sử dụng đất.

Cùng với những bức xúc về quy hoạch “treo”, cử tri TPHCM đặc biệt quan tâm đến công tác phát triển các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Cử tri Ngô Thị Bạch (phường 5, quận 8) nhận xét, nhu cầu nhà ở xã hội của người dân rất lớn, nhưng nguồn cung nhà ở xã hội chỉ đáp ứng được một phần. Trong khi đó, nhiều dự án nhà ở xã hội dù đã có chủ trương, thực hiện nhiều năm nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành. Bên cạnh đó, thủ tục để mua nhà ở xã hội còn rườm rà, khó thực hiện khiến người dân có nhu cầu nhưng không thể tiếp cận. Cử tri kiến nghị thành phố có giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án nhà ở xã hội.

Chăm lo an sinh

Trong các buổi tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 13 của HĐND TPHCM khóa X, cử tri nhiều địa phương bày tỏ quan tâm đặc biệt đến công tác sắp xếp khu phố, ấp; các chính sách về an sinh xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội.

Để đảm bảo sự vận hành bộ máy khu phố, cử tri kiến nghị HĐND TPHCM cấp ngân sách hoạt động và cho khu phố tự quyết định nguồn chi trả nhân sự tham gia công tác khu phố từ nguồn ngân sách. Cử tri Hoàng Thị Lợi (quận 1) kiến nghị thành phố sớm có văn bản quy định chức năng nhiệm vụ, quy mô hoạt động của ấp, khu phố để bộ máy mới của khu phố tiến hành các hoạt động chăm lo tết, nhất là chăm lo các hoàn cảnh khó khăn, mất việc làm.

Trong khi đó, cử tri Nguyễn Đức Nghị (quận 10) nhận xét, các tiêu chí về giảm nghèo bền vững xác định bằng bộ tiêu chí nghèo đa chiều (gồm 5 chiều gắn với 10 chỉ số thiếu hụt) có sự chồng chéo nhau, gây khó khăn cho địa phương cũng như người phụ trách thực hiện. Cử tri đề nghị có kế hoạch, phương hướng để giúp các đối tượng yếu thế, người già neo đơn, hộ gia đình khó khăn… thoát nghèo.

Cử tri cho rằng công tác giảm nghèo bền vững cần gắn với phổ cập giáo dục, đào tạo nghề… Năm học 2022-2023, HĐND TPHCM đã ban hành chính sách hỗ trợ học phí cho trẻ mầm non, học sinh phổ thông công lập, ngoài công lập và học viên giáo dục thường xuyên trên địa bàn TPHCM. Cử tri đề nghị thành phố tiếp tục quan tâm đến chính sách này trong năm học 2023-2024 và những năm tiếp theo, để con em các hộ gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn được yên tâm đến trường.