Chủ tịch Hội Nông dân của 2 thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM đã cùng ký kết chương trình phối hợp, chia sẻ kinh nghiệm làm nông nghiệp đô thị trong xu thế đô thị hóa nhanh và mạnh mẽ. 
img-4319-8452.jpeg
Hội nghị ký kết chương trình phối hợp giữa Hội Nông dân Hà Nội và TPHCM

Sáng 12-12, tại Hà Nội, Chủ tịch Hội Nông dân TP Hà Nội Phạm Hải Hoa và Chủ tịch Hội Nông dân TPHCM Nguyễn Thanh Xuân cùng chủ trì hội nghị ký kết chương trình phối hợp giai đoạn 2023-2028 của tổ chức hội nông dân hai thành phố lớn.

img-4334-3992.jpeg
img-4339-7846.jpeg
Tổ chức hội nông dân của 2 địa phương ký kết chương trình phối hợp

Chương trình ký kết và phối hợp này nằm trong lịch trình chuyến đi khảo sát thực tế để học tập và trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp hiện đại của Hội Nông dân TPHCM tại các địa phương phía Bắc do bà Nguyễn Thanh Xuân làm trưởng đoàn, cùng gần 30 đại biểu là những cán bộ làm công tác hội, các doanh nghiệp nông nghiệp, hợp tác xã tiêu biểu và nông dân giỏi.

Tại hội nghị, đại diện các doanh nghiệp và HTX hoa kiểng tại các huyện Bình Chánh, Nhà Bè, Củ Chi… đã chia sẻ kinh nghiệm trồng mai vàng, công nghệ trồng hoa lan…

Theo anh Dương Đức Xuyên, Phó Giám đốc HTX Hoa mai vàng Bình Lợi (huyện Bình Chánh), hoa mai vàng ở làng hoa Bình Lợi tỏa đi khắp TPHCM, Nam bộ và cả Tây Nguyên. Đại diện Công ty TNHH Mai vàng tết Bình Lợi cho biết, nông dân ở đây trồng tới 500ha mai vàng để phục vụ thị trường tết. Từ Bình Lợi, mai vàng còn được chở ra Hà Nội và miền Bắc để tiêu thụ theo hình thức bán trực tiếp hoặc qua các kênh online. Nông dân ở xã Bình Lợi mong muốn tìm được nhiều đối tác ở Hà Nội để bông mai vàng của TPHCM có thể mở rộng ra thị trường miền Bắc.

img-4303-3053.jpeg
img-4326-8250.jpeg

Trong khi đó, đại diện các HTX và chi hội nông dân tiêu biểu ở Hà Nội chia sẻ kinh nghiệm trồng hoa giấy, hoa kiểng phục vụ cho các hội nghị, đại sứ quán hoặc kinh nghiệm sản xuất đông trùng hạ thảo, đề xuất các ý tưởng làm du lịch từ nông nghiệp.

Chia sẻ sơ lược về bức tranh nông nghiệp và phong trào nông dân tham gia sản xuất kinh doanh tại TPHCM, bà Nguyễn Thanh Xuân cho biết, TPHCM là một trung tâm kinh tế lớn, do tốc độ phát triển đô thị nhanh nên chỉ có hơn 54.500 hội viên nông dân. Chủ trương của thành phố là thu hút nguồn lực để phát triển nông nghiệp đô thị. Nông dân tại TPHCM rất muốn học hỏi thêm nhiều mô hình, cách làm hay từ các địa phương trên cả nước và các nước để tìm ra mô hình phù hợp, hiệu quả hơn cho nông nghiệp tại TPHCM.

Trong năm 2023, Hội Nông dân TPHCM tổ chức 3 chuyến đi tới các địa phương, vùng miền gồm: Lâm Đồng, Hà Nội - Hưng Yên và Đồng Tháp, để giúp cán bộ, hội viên nông dân học tập, trao đổi kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp. Theo kế hoạch năm 2024-2025, Hội Nông dân TPHCM sẽ tiếp tục tổ chức 5 chuyến cho hội viên đi thực tế, học tập kinh nghiệm tại Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Israel và Australia.

Còn Chủ tịch Hội Nông dân TP Hà Nội Phạm Hải Hoa chia sẻ, Hà Nội cũng có tốc độ đô thị hóa nhanh, trong 18 huyện thì có 2 huyện sắp chuyển lên quận và theo lộ trình sẽ có thêm 3 huyện nữa. Vì vậy, Hà Nội mong muốn trao đổi, học tập kinh nghiệm xây dựng mô hình phát triển nông nghiệp đô thị như TPHCM. Hà Nội cũng tham khảo các đề án của TPHCM về tổ chức hoạt động hội, mô hình gắn sản xuất với đô thị, xây dựng mô hình du lịch nông nghiệp, phát triển thị trường, xúc tiến thương mại... cho nông sản.

Hai bên cũng thống nhất hợp tác chia sẻ một số nội dung về nâng cao chất lượng hội viên, đội ngũ cán bộ làm công tác hội, chia sẻ kinh nghiệm quản lý Quỹ hỗ trợ nông dân; phối hợp tổ chức các chương trình hội chợ, triển lãm, giới thiệu các mô hình tiêu biểu về nông thôn mới kiểu mẫu, mô hình sản xuất giỏi… của hai địa phương. Chương trình phối hợp giữa Hà Nội và TPHCM sẽ được tổng kết vào quý 3-2028.