Công ty cao su Đồng Phú - Kratie, trụ sở chính tại xã Kratie, thị xã Kratie, tỉnh Kratie đã xây dựng trường học cho con em công nhân và người dân địa phương ngay dưới tán rừng cao su, để bố mẹ yên tâm cạo mủ.
Chúng tôi đến Công ty cao su Đồng Phú - Kratie, trụ sở chính tại xã Kratie, thị xã Kratie, tỉnh Kratie. Đón đoàn không chỉ có cán bộ người Việt Nam mà cả cán bộ người Campuchia, là những gương mặt trẻ từng học tập, sinh sống tại Việt Nam.
Đường vào dự án của Công ty Cao su Đồng Phú - Kratie tương đối phức tạp, nhiều đoạn có suối lớn. Đoạn đường 23 km từ quốc lộ 7 vào dự án thường xuyên xuống cấp vào mùa mưa. Hiện nay, công ty có 3 nông trường, 1 nhà máy chế biến với công suất 7.500 tấn/năm phục vụ công tác chế biến mủ cao su của Công ty cao su Đồng Phú - Kratie và một số công ty cao su trên địa bàn tỉnh Kratie.
Hiện nay, công ty có hơn 1.000 lao động địa phương. Trong đó, lao động tỉnh Kratie gần 290 người; riêng huyện Sambor có gần 260 người, chủ yếu là người dân ở khu vực lân cận trong vùng dự án thuộc xã Okdia Senchey và xã Rolus Meanchey, còn lại là lao động đến từ các địa phương khác.Anh Khoen Sothanh, 30 tuổi, tổ trưởng sản xuất của Nhà máy chế biến mủ CSR10 làm việc ở đây được khoảng 4 năm. Trước đây, anh Khoen làm rẫy, thu nhập không đáp ứng được cuộc sống cho 6 thành viên trong gia đình. Anh Khoen kể, trong một lần được trưởng ấp thông báo tuyển dụng lao động cho công ty cao su, vợ chồng anh đăng ký đi làm. Anh Khoen hy vọng có thể gắn bó lâu dài với công ty, dành dụm được tiền xây nhà và lo cho tương lai của con cái.
Hiện nay, nhà máy chế biến mủ hoạt động 11 tháng trong năm, nghỉ 1 tháng để bảo dưỡng máy móc. Trong quá trình này, công ty luôn tạo công ăn việc làm để đảm bảo công nhân duy trì thu nhập, tránh tình trạng bỏ cạo, nghỉ cạo về làm rẫy.
Ra nông trường, đoàn chúng tôi trầm trồ trước những hàng cao su được trang bị vật tư, kiềng, chén, máng, màng che mưa chỉn chu, đều tăm tắp…
Ông Vũ Thế Duy, Phó tổng giám đốc Công ty cao su Đồng Phú - Kratie cho hay, mỗi năm có thể nghỉ cạo 1 - 2 tháng vào mùa cao su thay lá, thời điểm này công nhân dễ bỏ việc nhất và rất khó gọi làm việc lại. Đây cũng là lý do công ty luôn chú trọng tạo công ăn việc làm cho người lao động, đảm bảo cuộc sống của công nhân trong mùa không cạo mủ. Đó cũng là lý do Công ty cao su Đồng Phú - Kratie luôn giữ chân được công nhân nông trường.
Ông Duy cẩn thận chỉ tay vào từng đường cạo: "Lúc cây nghỉ, công nhân sẽ vẽ trước khuôn để làm chuẩn khi vào mùa cạo, nếu không vẽ khuôn sẽ không có độ dốc đúng quy định; làm máng che mưa, phòng cháy chữa cháy… nên công nhân gắn bó với mình, ít khi đi chỗ khác vì có nguồn thu nhập đảm bảo quanh năm".
Trên xe từ nông trường đến các công trình xã hội trong vùng dự án, chúng tôi được nghe cán bộ cao su kể về thời kỳ đầu khi công nhân địa phương làm việc tại nông trường. Giai đoạn mới khai hoang trồng mới, đa số lao động địa phương "sốc" khi nhận tiền lương tháng cao mà trước đó chưa khi nào họ được nhận.
Bạt ngàn rừng cao su
Dạy và học giữa rừng cao su
Xe chúng tôi dừng trước điểm trường của Công ty cao su Đồng Phú - Kratie ở nông trường 1, lúc các em học sinh đủ mọi lứa tuổi đang say sưa học bài.
2 điểm trường của công ty năm nay có 181 học sinh, là con của công nhân cao su đến học tập. Do không đủ lứa tuổi để học thành từng lớp nên các em học sinh được gom lại, mỗi lớp khoảng 40, 50 em. Sở và Phòng giáo dục của địa phương tạo điều kiện, tìm giáo viên giúp công ty.
Tranh thủ giờ ra chơi, chúng tôi trò chuyện với cô giáo Keonita, giáo viên đứng lớp tại trường học của công ty cao su. Cô Keonita cho biết, hai vợ chồng cô được phân về dạy ở đây đã lâu. Lúc về điểm trường, cô và chồng chưa cưới nhau. Cách đây 11 năm, chồng cô Keonita được điều động về trường, còn cô Keonita thì 3 năm sau cũng được phân về điểm trường dạy học.
Cô Keonita mỗi ngày đều đặn từ nhà đến trường dạy học cách khoảng 8 km, sáng đi chiều về. Cô Keonita tâm sự, dạy học sinh nhiều lứa tuổi khá vất vả, gặp nhiều khó khăn do mức độ tiếp thu của một lớp không giống nhau. Điểm trường của Công ty cao su Đồng Phú - Kratie dạy đến lớp 6, sau khi học xong lớp 6 thì các em đi học ở xã khác.
"Tôi chỉ muốn các em đến học thường xuyên, để có kiến thức, có con chữ thoát nghèo. Công ty cao su cũng giúp đỡ cho thầy cô và các em rất nhiều. Các thầy cô đều mong muốn gắn bó với trường, chỉ có một mong muốn nho nhỏ là có sân chơi trước cổng trường, là nơi vui chơi cho tụi trẻ", cô Keonita nói.
Chia tay khách phương xa tới thăm, các cô giáo bịn rịn tiễn đoàn ra đến ngoài cổng trường. Một số em học sinh đi theo và mọi người đều cảm nhận được tình thương từ một mái trường đơn sơ dù ngay giữa rừng cao su còn nhiều thiếu thốn.