Ngày 14-12, trong chuỗi hoạt động về nguồn "Hành trình qua miền Tây Bắc", Đoàn cán bộ tuyên giáo, báo chí, xuất bản TPHCM đã đến dâng hương, đặt vòng hoa tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ A1 (Nghĩa trang Liệt sĩ Điện Biên Phủ) và một số di tích lịch sử cách mạng quan trọng tại thành phố Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên).
Đi cùng đoàn có Chủ tịch Hội nhà báo TPHCM Nguyễn Tấn Phong. Cùng tham gia, có gần 100 thành viên là cán bộ tuyên giáo, phóng viên, biên tập viên tiêu biểu của các cơ quan báo chí, xuất bản của TPHCM và Trung ương tại TPHCM.
Tại Nghĩa trang liệt sĩ A1, đoàn đại biểu thành kính đặt vòng hoa, dâng hương và dành một phút mặc niệm tưởng nhớ công lao to lớn của các Anh hùng liệt sĩ đã không tiếc xương máu, anh dũng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc nhân dân.
Các thành viên trong đoàn cũng thắp từng nén hương thơm lên mộ phần của các Anh hùng liệt sĩ, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc trước những anh linh các Anh hùng liệt sĩ, những người con ưu tú của dân tộc đã không tiếc máu xương vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, vì độc lập, tự do của Tổ quốc.
Đoàn đến tham quan Di tích lịch sử Chiến trường Điện Biên Phủ: Đồi A1, Hầm chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, Bảo tàng Chiến thắng Lịch sử Điện Biên Phủ.
Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ tọa lạc trên đường Võ Nguyên Giáp, tổ dân phố 1, phường Mường Thanh, thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên. Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ được khởi công xây dựng từ năm 2012, khánh thành và đưa vào sử dụng từ tháng 5-2014, là công trình văn hóa trọng điểm chào mừng kỷ niệm 60 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.
Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ có tổng diện tích hơn 18.000m2, Nhà trưng bày có diện tích 1.250m2, gồm 5 phần, với hơn 1.000 tài liệu, hiện vật, hình ảnh, những cảnh quan, cảnh tượng được trưng bày khoa học, trực quan sinh động tái hiện lại cuộc chiến đầy khó khăn, gian khổ nhưng rất hào hùng của quân và dân Việt Nam.
Toàn bộ không gian tầng II, với diện tích 4.500m2 là bức tranh Panorama phác họa những khoảnh khắc tiêu biểu nhất của Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954.
Đây là một tác phẩm đặc biệt, có giá trị về mặt lịch sử và mỹ thuật, là kiệt tác hội họa độc nhất ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á, mang tầm thế giới, đem đến cho công chúng một cách tiếp cận mới khi tìm hiểu, nghiên cứu về Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Với kiến trúc thiết kế độc đáo, sáng tạo, hình chiếc mũ nan, cài lá ngụy trang, Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là nơi lưu giữ, trưng bày phát huy giá trị đặc biệt của các tài liệu, hiện vật liên quan Chiến dịch Điện Biên Phủ, công trình văn hóa đặc sắc.
Đây là "địa chỉ đỏ" tổ chức các sự kiện, hoạt động giáo dục truyền thống lịch sử và trở thành điểm tham quan hấp dẫn đối với khách du lịch trong nước và quốc tế, góp phần tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc trong quá trình hội nhập quốc tế.
Chương trình về nguồn nhằm tăng cường giáo dục, bồi dưỡng tình cảm cách mạng, truyền thống lịch sử cho đội ngũ những người làm báo, tuyên giáo, xuất bản. Đồng thời động viên, khen thưởng các phóng viên, biên tập viên đoạt Giải báo chí TPHCM năm 2023, Giải Búa Liềm vàng và Giải báo chí Quốc gia năm 2022.
“Hành trình qua miền Tây Bắc” của đoàn cán bộ tuyên giáo, báo chí, xuất bản TPHCM sẽ đi qua các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lào Cai, Phú Thọ, từ ngày 12-12 đến ngày 16-12.
Đoàn cũng sẽ có buổi làm việc với Tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Điện Biên, nghe địa phương thông tin về các hoạt động chuẩn bị Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 - 7-5-2024).
Trong hành trình về nguồn, Đoàn cán bộ tuyên giáo, báo chí, xuất bản TPHCM sẽ phối hợp Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Điện Biên đi thăm và tặng quà một số gia đình chính sách, hộ nghèo huyện biên giới và đồn Biên phòng tỉnh Điện Biên.