“Chuyến thăm lần này cùng với chuyến thăm có ý nghĩa lịch sử của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Trung Quốc từ ngày 30-10 đến 1-11-2022 ngay sau Đại hội lần thứ XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã để lại những dấu ấn lịch sử trong quan hệ giữa hai Đảng, hai nước”, đồng chí Lê Hoài Trung, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương nhấn mạnh trong cuộc trả lời phỏng vấn chiều 14-12, nhân dịp Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kết thúc tốt đẹp chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 12 đến 13-12.

Theo đồng chí Lê Hoài Trung, chuyến thăm của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cùng phu nhân và đoàn cấp cao Đảng, Nhà nước Trung Quốc có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với hai Đảng, hai nước. Chuyến thăm Việt Nam-nước láng giềng xã hội chủ nghĩa là hướng ưu tiên trong chính sách ngoại giao láng giềng của Trung Quốc. Với Việt Nam, chúng ta luôn xác định quan hệ với Đảng và Nhà nước Trung Quốc là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam.
" />
Đồng chí Lê Hoài Trung, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương. 

Đồng chí Lê Hoài Trung khẳng định: “Qua chuyến thăm lần này, Đảng, Nhà nước và cá nhân đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thể hiện sự coi trọng cao độ đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam; coi trọng uy tín của cá nhân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng”. Đồng chí Trưởng ban Đối ngoại Trung ương phân tích, các hoạt động, thành phần tham gia và những nội dung trao đổi thể hiện sự coi trọng cao độ đó. Đoàn Trung Quốc có sự tham gia của Giáo sư Bành Lệ Viên-phu nhân đồng chí Tập Cận Bình; đồng chí Thái Kỳ, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Bí thư Ban Bí thư, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc; đồng chí Vương Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc; cùng các đồng chí Bí thư Trung ương Đảng, các lãnh đạo địa phương.

Đồng chí Tập Cận Bình đã có các cuộc hội đàm với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và các cuộc hội kiến với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Phu nhân của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cùng phu nhân của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, phu nhân của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã có những hoạt động rất ý nghĩa và nhân văn, gặp gỡ phụ nữ, trẻ em, sinh viên. Trước khi kết thúc chuyến thăm, hai Tổng Bí thư còn gặp gỡ hữu nghị nhân sĩ, thanh niên hai nước. Cùng với đó, đồng chí Thái Kỳ và đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương đã hội đàm để cùng nhau thực hiện ngay những nhận thức chung đạt được giữa đồng chí Tập Cận Bình và đồng chí Nguyễn Phú Trọng.

Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung cho biết, lãnh đạo hai Đảng, hai nước nhất trí đánh giá quan hệ giữa hai Đảng, hai nước đã phát triển rất tích cực và toàn diện. Hai bên nhất trí tiếp tục phát triển, làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện được xác lập từ năm 2008, từ đó hai bên nhất trí xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược, nỗ lực vì hạnh phúc của nhân dân hai nước, vì sự nghiệp hòa bình và tiến bộ của nhân loại. Cùng với đó, hai Đảng, hai nước nhất trí sự phát triển của quan hệ giữa hai nước dựa trên cơ sở tôn trọng hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế, chuẩn mực của quan hệ quốc tế, trên cơ sở bình đẳng, hợp tác cùng có lợi, tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nhau, giải quyết các bất đồng thông qua biện pháp hòa bình.

Đặc biệt, theo đồng chí Lê Hoài Trung, một ý nghĩa rất lớn nữa là Tuyên bố chung xác định hai nước sẽ tiếp tục làm sâu sắc quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện hơn và đã đề ra 6 định hướng để quan hệ chính trị tin cậy vững chắc hơn, quốc phòng, an ninh là trụ cột sâu sắc hơn, quan hệ hợp tác phát triển thiết thực hiệu quả hơn, nền tảng xã hội vững chắc hơn, cùng với nhau hợp tác đa phương tốt hơn, không chỉ kiểm soát mà cố gắng giải quyết bất đồng tốt hơn. Ví dụ, về quan hệ chính trị, hai bên nhất trí tăng cường giao lưu cấp cao có ý nghĩa chiến lược-tính chất đặc thù trong quan hệ Việt Nam-Trung Quốc. Hay trong hợp tác quốc phòng, an ninh, ngoài giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới rất có ý nghĩa còn có các cơ chế như tuần tra chung giữa cảnh sát biển, hải quân và biên phòng hai nước... Về hợp tác phát triển, nhiều nội dung cụ thể liên quan đến người dân như xuất khẩu nông sản, các mặt hàng của Việt Nam, những vấn đề quan tâm nhiều năm của Việt Nam, cùng với phát triển xanh, kinh tế số. Cùng với đó là các vấn đề liên quan đến giao lưu nhân dân và phát triển xã hội.

Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung cho biết, cùng với nhận thức chung và thỏa thuận đạt được qua tuyên bố chung, hai bên đã ký 36 văn kiện trong hầu hết lĩnh vực, từ cấp Trung ương đến địa phương, tạo thêm điều kiện thuận lợi cho củng cố tin cậy chính trị, gìn giữ môi trường hòa bình, tranh thủ thêm điều kiện bên ngoài cho quá trình phát triển của đất nước.

Chuyến thăm Việt Nam lần này của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, một điểm rất quan trọng là qua đó cộng đồng quốc tế và Đảng, Nhà nước, nhân dân Trung Quốc thấy rõ hơn về thành tựu của Việt Nam đạt được trong những năm qua. “Đồng chí Tập Cận Bình và các đồng chí lãnh đạo Trung Quốc nói là mỗi lần sang Việt Nam thấy Việt Nam đổi thay to lớn, cho thấy những thành tựu của Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, mà đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng”, đồng chí Lê Hoài Trung cho biết.

Đồng chí Lê Hoài Trung nhận định, chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lần này còn giúp chúng ta và cộng đồng quốc tế thấy rõ hơn ý nghĩa đúng đắn của đường lối đối ngoại của Việt Nam với chính sách quốc phòng “4 không” và trường phái ngoại giao cây tre. Năm 2023 là năm ít có trong lịch sử đối ngoại và ngoại giao khi chúng ta triển khai toàn diện đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân, củng cố quan hệ với các nước láng giềng, trong đó có Trung Quốc, Lào, Campuchia; tăng cường quan hệ với các nước lớn. “Đó là thành tựu chung về thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta, dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư mà đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng”, đồng chí Lê Hoài Trung khẳng định.